Em tin là câu hỏi 'tại sao trẻ sơ sinh bú mẹ hay bị sặc' không chỉ là thắc mắc của riêng em mà còn là của rất nhiều mẹ, nhất là các mẹ sinh con lần đầu, chưa có kinh nghiệm.

Hồi mới sinh thằng cu, cứ thấy con đang bú lại sặc sụa, trớ hết cả ra, em tưởng do sữa xuống nhiều quá con bị ngộp... Nhưng mà nguyên nhân tại sao trẻ sơ sinh bú mẹ hay bị sặc thì có rất nhiều. Vì tình trạng sặc sữa của con em tần suất cứ tăng chứ không giảm nên em mới cất công lên mạng tìm hiểu và biết được nhiều điều hay ho lắm, em chia sẻ để các mẹ nhà mình tham khảo.

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bú mẹ hay bị sặc

Theo các chuyên gia y tế thì có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này: 

-    Do van đóng mở ở cổ họng thông lên mũi yếu nên con không thể vừa thở vừa nuốt kịp, khiến sữa bị trào lên mũi gây sặc. 

-    Dạ dày trẻ sơ sinh còn nằm ngang, khi bé bú no quá sẽ dễ bị trào ngược.

-    Các bé có dị tật như hở hàm ếch, sứt môi, bé có bệnh về tim, phổi, động kinh, co giật... cũng có nguy cơ bị sặc nhiều hơn những bé khác. 

-    Do mẹ cho bú không đúng tư thế, để bé nằm không đúng cũng khiến sữa trào lên mũi con đó ạ. 

-    Ngoài ra còn do con đang thiu thiu ngủ, không có phản xạ nuốt mà sữa thì cứ chảy ra nên con hít sữa lên mũi; rồi do sữa mẹ xuống nhiều, con đói quá, bú nhanh, không kịp mút hoặc đã no mà cứ cố bú... cũng dễ bị sặc sữa. 

hình ảnh

À có một chuyện em phải nói trước với các mẹ là dù tình trạng trẻ sơ sinh bú mẹ hay bị sặc khá phổ biến nhưng không được xem nhẹ nha. Đây là dạng tai biến nguy hiểm, nếu không biết cách xử trí có thể gây ngạt thở, để lại di chứng ảnh hưởng đến não, viêm phổi... thậm chí tử vong.

Làm gì để cải thiện tình trạng sặc sữa của con?

Sau khi hiểu được nguyên nhân tại sao trẻ sơ sinh bú mẹ hay bị sặc, em đã đi tìm cách cải thiện tình trạng này, chứ không cứ nhìn con lần nào đang bú cũng sặc sụa, đỏ mặt tía tai, rồi trớ hết cả sữa ra thì thương lắm. 

Em xác định, con em không có các bệnh lý gì nên sẽ bỏ qua cái yếu tố bên trong về bệnh lý. Như vậy chỉ còn các yếu tố bên ngoài, cái này thì chị em mình có thể cải thiện được nè. 

Trước tiên là tư thế cho con bú: Bế con gọn trong lòng, hơi nghiêng khoảng 30-45 độ, cho con ngậm hết quầng ti, đầu hơi ngửa lên, nhớ là đừng để mũi con bị đè vào bầu vú sẽ khiến con khó thở nha mẹ. Mẹ cũng đừng cho con bú khi nằm ngửa vì sẽ dễ khiến con bị sặc hơn. 

Kiểm soát lượng sữa: Mới nghe thì nghĩ là chuyện sữa xuống nhiều hay ít mình không kiểm soát được nhưng thực tế là hoàn toàn được nha. Nếu mẹ thấy mỗi lần con bú mà cảm giác bầu ngực cứ “rần rần”, sữa chảy ào ào thì là sữa mẹ nhiều đó, phải điều chỉnh ngay kẻo con nuốt không kịp. Cách dễ nhất là mẹ dùng ngón trỏ và ngón giữa kẹp đầu ti, sữa sẽ bớt xuống ngay. Nếu thấy con thở hơi gấp là biết con đang “hụt hơi”, mẹ có thể cho con ngưng một chút rồi cho bú tiếp. 

Ngoài ra, các mẹ cũng nhớ lưu ý này nữa: Sau khi cho con bú thì bế con cho ợ hơi, dù là con có vẻ muốn ngủ cũng phải thực hiện công đoạn này. Nếu con đang bú mà nhả ti, bụng hơi căng thì con đã no rồi, đừng cố ép.

Chỉ cần biết rõ nguyên nhân và những việc cần làm để hạn chế tình trạng sặc sữa thì mẹ sẽ không còn băn khoăn về câu hỏi tại sao trẻ sơ sinh bú mẹ hay bị sặc phải không nè. Chúc các mẹ nhà mình chăm con luôn khỏe nha!