Cai sữa đêm cho con là cần thiết nếu con đã chuyển sang giai đoạn ăn dặm, điều này không chỉ ngăn ngừa tình trạng chán ăn ở trẻ mà còn giúp con có giấc ngủ sâu, đảm bảo sự phát triển về thể chất.

Hiện nay vẫn còn nhiều mẹ cho con bú đêm đến khi cai sữa vì nghĩ rằng đang tận dụng nguồn sữa mẹ để giúp con phát triển. Tuy nhiên, theo quan điểm nuôi con khoa học nhằm giúp phát huy tối đa tiềm năng thể chất và trí tuệ của bé, trẻ từ 6 tháng trở đi không cần thiết phải cho bú đêm. Bởi vì sau 6 tháng, trẻ đã bắt đầu có những cữ ăn dặm xen kẽ cữ bú ngày nên đã đủ lượng calo cho cơ thể bé phát triển.

Thật ra, bú đêm làm cả mẹ và con đều mệt vì thời gian ngủ chập chờn, không sâu. Việc này sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Mắt khác, giấc ngủ ban đêm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ. Nếu kéo dài tình trạng thức đêm để bú mẹ sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ. 

hình ảnhNguồn ảnh: new.qq

Sự tăng trưởng của trẻ, bao gồm cả tăng trưởng chiều cao là do hormone tăng trưởng GH tuyến yên tiết ra. Hormone tăng trưởng GH được giải phóng trong suốt cả ngày nhưng đặc biệt khi trẻ ngủ sâu, cơ thể tiết ra GH nhiều gấp 4 lần khi thức.

Nếu ban ngày trẻ vẫn ăn tốt các cữ sữa xen lẫn ăn dặm, ban đêm trẻ ti mẹ 1, 2 lần. Đặc biệt, bé bú mẹ mạnh, sữa mẹ xuống rần rần, sau khi no trẻ tự buông ti mẹ và ngủ say. Trường hợp này mẹ không cần cai sữa đêm cho con. Tuy nhiên, nếu vào các trường hợp sau, mẹ nên cai sữa đêm cho con để không ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và sự phát triển thể chất của bé.

Răng trẻ chuyển sang màu đen hoặc có dấu hiệu sâu răng

Nếu hàm răng của trẻ xuất hiện vài chiếc răng ngả sang màu đen thì mẹ nên tìm cách cai bú đêm cho con. Sở dĩ răng con sâu là do mẹ không thể làm sạch khoang miệng cho trẻ sau bú đêm, dẫn đến việc sữa mẹ đọng lại trong khoang miệng gây ra các bệnh lý răng miệng. 

Nhiều mẹ không biết đối với răng sữa, nếu nhổ quá sớm trước thời kỳ thay răng sẽ làm răng chậm mọc hoặc mọc lệch lạc, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của khuôn mặt. Đó là chưa kể nếu không điều trị kịp thời sâu răng ở trẻ có thể dẫn đến sâu răng nặng hơn, từ đó gây viêm quanh cuống răng, áp xe răng, răng bị hỏng, mất răng… 

Trẻ trằn trọc, khó ngủ

Điều này thường xảy ra với trẻ bú mẹ vì ghiền, không hẳn vì đói. Bé có thói quen ngậm ti để dễ ngủ. Thường xuyên trong đêm bé sẽ đòi ti mẹ như một cách thỏa cơn ghiền và tìm sự an toàn có mẹ bên cạnh. Bé chỉ mút nhẹ và giữ ti trong miệng. Nếu mẹ rút ra sẽ làm con bực bội, khóc mè nheo. Chính vì vậy, con sẽ ngủ chập chờn về đêm. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất của con vì sẽ hạn chế cơ thể tiết ra hormone tăng trưởng GH. Trong  trường hợp này, mẹ cần cai bú đêm cho con ngay nhé.

Trẻ lười ăn

Sau 6 tháng, trẻ bắt đầu ăn dặm. Từ 1 tuổi trở lên, chế độ dinh dưỡng của trẻ phải đảm bảo 3 cữ ăn chính và xen kẽ bú mẹ. Nếu mẹ thấy con lười ăn, chỉ chăm chăm bú mẹ, đặc biệt bú nhiều về đêm thì mẹ cần tìm cách cai sữa đêm cho con. Nhiều trẻ chán ăn vì bụng đã lưng lửng do bú mẹ trong khi phải đảm bảo 3 bữa ăn chính mới cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển thể chất và trí não của bé.

Tuy nhiên, mẹ phải lưu ý việc cai bú đêm phải diễn ra từ từ để trẻ kịp thích nghi. Bên cạnh đó:

- Mẹ không nên cai bú đêm cho con khi trẻ đang sốt, bệnh… sẽ gây ảnh hưởng tâm lý dẫn đến bệnh nặng hơn. 

- Vào thời điểm thời tiết khắc nghiệt nắng nóng hay chuyển mùa, lúc này cơ thể bé dễ nhiễm bệnh hơn, mẹ cũng không nên cai bú đêm cho con.

- Mẹ phải chuẩn bị chu đáo các bữa ăn cho con, đảm bảo bữa ăn không chỉ đủ chất mà còn kích thích con ăn ngon miệng. Khi con đã no đủ việc cai sữa cũng đỡ vất vả hơn.

- Mẹ phải kiên trì, không được yếu lòng. Đồng thời, quá trình cai sữa không được diễn ra đột ngột, gây sốc cho bé. Mọi thứ phải từ từ, giảm số lần cho bé quen trước khi ngưng hẳn.