Đọc được bài tâm sự của chị bạn mình trên Facebook về cảm nghĩ dành cho người mẹ chồng đã mất. Tớ thấy rất hay và muốn chia sẻ cùng các mẹ trên này. Tớ thấy được hình ảnh, sự gắn kết yêu thương, giúp đỡ nhau giữa 3 thế hệ - những người phụ nữ về làm dâu, làm vợ trong những thời điểm khác nhau. Hy vọng là các mẹ đọc xong sẽ hiểu và biết cách để hòa thuận hơn với mẹ chồng của mình, cũng như sau này nếu có con dâu.



"MẸ CHỒNG LÀ MẸ MÌNH!


(Nhân ngày giỗ Bu chồng 08/08/2002 - 08/08/2014)


Tôi và chồng tôi được bạn bè giới thiệu nên gặp nhau và đi đến hôn nhân. Do chúng tôi ở hai thành phố khác nhau nên việc tới lui gia đình trong thời gian tìm hiểu cũng không nhiều. Nhưng có một điều mà tôi lo lắng nhất là gia đình bên chồng là người Bắc xưa, Mẹ chồng tôi là một bà cụ đầu còn chít khăn nhung, răng thì đen thui, nhìn bề ngoài có vẻ khó lắm, còn có một Bà Ngoại chồng đã thọ gần tới 100 tuổi đang sống chung trong nhà, tôi sợ!. Ngày đám cưới tôi bạn bè và người thân ai cũng lo chừng cho tôi sau này về làm dâu thì khó sống với cảnh nhà như vậy, vì mọi người biết tôi từ nhỏ là đứa con gái ngỗ ngáo, trực tính, có phần ít ngọt ngào vì quen làm sếp, còn chuyện bếp núc thì do chỉ lo kiếm tiền, thường thì cơm hàng, cháo quán đâu có thì giờ vào bếp… hàng chục cái thói hư, không thuộc hàng tứ đức. Nhìn con gái như vậy Mẹ ruột tôi cũng lo, nên hôm sui gia gặp nhau dạm ngỏ Mẹ tôi rào trước với Mẹ Chồng rằng “tôi có một mình nó, mồ côi cha, sớm tự lập, bươn chải bên ngoài nên không thạo chuyện nội trợ có gì Chị bảo thêm cho cháu”. Mẹ Chồng tôi thì trả lời: “tôi cưới dâu về làm con làm cái chớ không phải làm con sen con ở nên Bác yên tâm”, còn phần tôi nghe câu ấy như mở cờ trong bụng, nhưng sau đó thì Mẹ ruột tôi lại thủ thỉ với con gái rằng “mình thương người ta thiệt tình làm sao thì mình cũng sẽ được như vậy con ạ!”.



Tôi liền lên “kế hoạch” tác chiến là “cua” Má Chồng tôi. Sau khi về nhà chồng, tôi dành nhiều thời gian ở nhà với Má Chồng hơn để quan sát mọi việc thì phát hiện người phụ nữ này có nhiều điểm tuyệt vời mà ngay cả chồng tôi cũng không nhìn thấy, tôi bắt đầu chinh phục tình cảm của Bà bằng tất cả tấm chân tình, bằng những hành động cử chỉ mà những người con của Bà không có dịp cư xử như vậy vì họ ở xa và cũng lớn tuổi rồi. Thật ra tôi nhõng nhẽo với Bà như tôi nhõng nhẽo với Mẹ ruột của mình thôi chứ đâu có kế hoạch gì ghê gớm lắm. Bạn hãy tưởng tượng chỉ có hai bà cụ ở nhà với nhau người thì cả 100 tuổi người thì hơn 80, vắng vẻ buồn lắm, không hiểu sao nhà cũng chẳng thấy cái ti vi, chỉ có bữa cơm là có hơi đông đủ thôi, Mẹ chồng tôi thuê thêm người giúp việc, tôi học Mẹ chồng tôi những món ăn, khẩu vị của mọi người rồi ghi chép, đọc lại cho Bà nghe coi phải không, sau đó tập đi chợ cho phù hợp.


Có một chuyện vui về vấn đề ngôn ngữ hai miền Nam Bắc mà tôi nhớ mãi: Hôm đó sáng dậy sớm, chạy te xuống hỏi mẹ ơi hôm nay nấu món gì? Bà bảo: con xuống chạng bếp lấy bánh đa ngâm rồi nấu nhé, dạ cái độp đi xuống tới nhà bếp hơn 30 mét nghĩ mãi không ra bánh đa thì sẽ nấu như thế nào? Rồi lục lọi tìm mãi chẳng thấy cái bánh đa nào cả, chạy lên hỏi mẹ để chổ nào chỉ lại dùm con, trong tủ kính ấy, chạy xuống lại tìm cũng không thấy, rồi chạy lên: thôi con cõng mẹ xuống nhà chỉ dùm con cái bánh đa để chổ nào nghen! Mẹ con le te đi xuống bếp, bà đến đúng cái tủ kính duy nhất trong nhà bếp lấy cuộn bánh quơ quơ trước mặt tôi, đây bánh đa để đây mà không thấy hả con? Đỡ từ tay mẹ chồng tôi cuộn bánh đa mà mắt chữ o miệng chữ u, hỏi lại: cái này mẹ gọi là bánh đa hả? Chứ con bảo nó là gì? Tôi ôm cuộn bánh ngồi bệch dưới đất cười ha hả, ôi bánh đa của Bu, bánh đa của Bu! Vậy chứ bạn có biết người miền nam gọi món đó là gì không?


Thỉnh thoảng tôi nấu món miền Nam cho cả nhà thưởng thức cũng phải giao lưu văn hóa hai miền, mua những món ngon đem từ thành phố về cho Bà, ngày 30 tết khệ nệ chở bình chở hoa các thứ về cắm một bình hoa đào Singapore mà cả làng lúc đó chưa ai có. Đêm giao thừa chẳng có pháo hoa. Sáng mùng một mang lì xì chúc tết Bà và Mẹ, Mẹ chồng tôi nói ở đây không có ai chúc tết như vậy đâu, tôi nói cái này là quy định của con ở nhà từ trước tới giờ, bây con về đây có thêm một Bà, một Mẹ thì thêm phúc thêm lộc chứ đâu có sao! Mẹ tôi cầm lì xì mà trong lòng tôi vui lắm, nói với chồng rằng em thắng rồi, Mẹ Anh sẽ thương em hơn Anh nữa cho coi! Quả thật như vậy: bà lưu ý khi tôi bị nhức đầu thường ăn ngọt nên để dành socola cho tôi, lúc mang bầu luôn nhắc nhở thận trọng không cho phơi đồ, ngày tôi sinh con bà vận động cả nhà thuê một xe 16 chổ trực chỉ bệnh viện Từ Dũ chờ đón cháu nội... mặc dù vì công việc tôi phải di chuyển liên tục từ Sài Gòn đến Đồng Nai, nhưng mỗi ngày tôi điều điện thoại cho Bà dù có về hay không, khi có dịp ở nhà tôi chăm sóc các cụ như chăm em bé, nựng nịu Mẹ chồng tôi mỗi khi không có ai ở nhà, Bà thích lắm!
Bây giờ tôi ước gì Mẹ Chồng tôi còn sống với chúng tôi thêm vài chục năm nữa thì tôi sẽ làm được nhiều hơn cho Bà, tôi hay kể cho con gái nghe về việc Bà Nội thích ăn cơm cháy: thật ra Bà đâu thích ăn nhưng vì phải nhường cơm cho chồng, con ăn trước nên tới phần mình thì còn cơm cháy, ăn riết rồi thành thói quen nên mọi người cứ tưởng là Bà thích ăn cơm cháy. Bà Ngoại chồng tôi mất chưa được mười ngày thì Mẹ Chồng tôi cũng ra đi, khi đó tôi vừa sinh con còn yếu nên ở thường bên Mẹ ruột không được ở bên Bà trong lúc đau yếu nhất, tôi hối tiếc mãi người phụ nữ tuyệt vời ấy.


Anh Thư - 02/2006"



Dòng tâm sự của chị Anh Thư - Con sẽ là..., mộ người bạn, người chị tuyệt vời mà tớ được dịp quen trong một lần đi từ thiện đấy ạ :">