Có một điều đơn giản thôi, thế này: CHÚNG TA KHÔNG THỂ LÀM HƯ MỘT EM BÉ SƠ SINH. Nếu bạn mua cho con bạn một chiếc xe ô tô đắt tiền vào sinh nhật 16 tuổi, ok, lúc đó chúng ta có thể nói chuyện hư hỏng 😝


VÀ ĐÂY LÀ CÁCH GIẢI THÍCH THEO KIỂU KHOA HỌC 😎


Trước hết hãy tìm hiểu về việc phân loại các loài động vật có vú. Động vật có vú chia ra làm 4 loại khác nhau tuỳ thuộc vào cách chúng chăm sóc con non. 4 loại đó lần lượt (theo mô tả của La Leche League International) (1) là:


- Cache Mammals: gồm hươu hay thỏ. Mẹ hươu hoặc thỏ sẽ giấu con ở một nơi an toàn và trở về bên con sau mỗi 12 giờ. Để phù hợp với hành vi này, sữa của chúng chứa rất nhiều protein và chất béo. Nó giúp duy trì sự sống của con con trong một thời gian dài vì con con không được cho ăn thường xuyên.


- Follow Mammals: gồm hươu cao cổ hay bò. Con con sẽ đi theo mẹ đến bất cứ nơi nào. Vì con con ở gần mẹ suốt cả ngày và được cho ăn thường xuyên nên sữa của loài này có hàm lượng protein và chất béo thấp hơn so với cache mammals.


- Nest Mammals: gồm chó, mèo. Con con của những loài này chậm trưởng thành và phát triển hơn 2 loài trên. Chúng cần có tổ ấm để ở và sưởi ấm những con non. Chúng sẽ đi kiếm thức ăn và trở về vài lần trong ngày để cho con bú. Sữa của loài này có ít protein và chất béo hơn loại cache mammals nhưng nhiều hơn follow mammals và vẫn cần cho ăn thường xuyên.


- Carry mammals: nhóm này bao gồm vượn, thú có túi (chuột túi) và cả loài người chúng ta. Các con non mới sinh đều rất yếu ớt và mức độ trưởng thành thấp nên cần sự ấm áp của cơ thể người mẹ và gần gũi bên mẹ liên tục. Sữa loài này có hàm lượng chất béo và protein thấp nhất trong tất cả các loại sữa của động vật có vú, điều đó có nghĩa là những con con hay những em bé sơ sinh cần được cho ăn thường xuyên, được bế bồng và luôn sát gần bên mẹ.


Vậy đó, con người chúng ta khi sinh ra không thể tự đứng dậy ngay để mà đi lại cho tới khi 12 tháng tuổi. Trẻ sơ sinh cần được ôm ấp thường xuyên và cho bú thường xuyên để phát triển. Sự tăng trưởng trong não bộ trẻ diễn ra cực kỳ nhanh chóng trong vài năm đầu đời, và đi kèm với sự tăng tưởng thần kinh này là những hormone cần thiết hỗ trợ cho sự phát triển đó. Cả 2 sẽ được thúc đẩy thông qua những động chạm của mẹ và con. Khi mẹ không còn ôm con, quá trình tổng hợp DNA dừng lại và hormone tăng trưởng giảm dần (2). Nói một cách đơn giản, những cái ôm thường xuyên trong ngày và đương nhiên cả đêm rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ sơ sinh cũng như với nguồn sữa của mẹ.


CÒN ĐÂY LÀ GIẢI THÍCH THEO KIỂU MẸ BỈM NGHIỆN CON😅


Những em bé nhỏ xíu mới ra đời HOÀN TOÀN phụ thuộc vào chúng ta để sống và tồn tại. Và vì con còn rất nhỏ, con không thể học được gì nhiều về bất cứ thứ gì trong vài tuần đầu tiên - ngoài việc biết rằng có ai đó yêu mình, ôm mình, thoả mãn các nhu cầu vô cùng CƠ BẢN của mình như là ngủ, yêu thương, ăn, thay tã… Cho tới khi những kết nối thần kinh trong não phát triển, con sẽ bắt đầu học được nhiều hơn, nhưng không phải là ngay-lập-tức.


Những em bé trong bụng mẹ là ở trong bóng tối, chật chội. Là lộn nhào khi mẹ đi dạo, là lắng nghe những tiếng động từ tim mẹ đập, từ bụng mẹ sôi hay tiếng bố nói chuyện. Con bước ra ngoài thế giới này, qua một cái lỗ có 10 centimet hoặc 1 vết rạch bụng cũng không to hơn là mấy - với rất nhiều ánh sáng, nơi con có thể duỗi tay duỗi chân, không va phải bất kỳ thứ gì và không còn trần truồng được nữa. Mọi thứ thật kỳ lạ với con.


Không có gì ngạc nhiên nếu con muốn được có ai đó ôm con, được nằm ngủ trên ngực - chứ không phải chỉ là ở gần bên. Bởi vì con đang ở trong một môi trường hoàn toàn mới và không hẳn là dễ chịu. Tất nhiên ai cũng hiểu nằm ngửa trên mặt phẳng là tốt nhất cho em bé. Nhưng lý thuyết lý tưởng là thế cho tới khi bạn có một em bé không thể nào ngủ hoặc ngủ ngon khi đặt nằm, bạn sẽ sớm nhận ra mình chẳng có lựa chọn nào khác ngoài ôm con hoặc cho con ngủ trên ngực mình 🙂


Ôm con mỗi khi con khóc không phải là một hành động tồi tệ. Đừng phán xét người mẹ kiểu “Cứ ôm nhiều cho bện/quen hơi” hay tệ hơn là phán xét em bé “Nó hư lắm, chỉ đòi mẹ bế”. Hãy tưởng tượng: chúng ta sống trong hang như thời tiền sử và phải chạy trốn những con hổ, một đứa bé cất tiếng khóc sẽ khiến những con thú săn mồi phát hiện ra chúng ta. Sẽ an toàn và ý nghĩa hơn nếu có thể đảm bảo rằng con được dỗ dành và nín khóc.


Đó cũng là lý do vì sao mình được midwife hướng dẫn cho con ăn khi thấy tín hiệu của việc đói, chứ không phải là chờ đợi cho tới khi con khóc. Ngủ cũng vậy. Cry-it-out để dạy con thứ gì đó đôi khi có vẻ hoạt động tốt với một số em bé, nhưng không phải là tất cả và với mình đó cũng không phải là một phương pháp hiệu quả.


Vì vậy, hãy ôm con, nhất là khi em bé khóc. Hành động đó không có gì là xấu hay gây hại. Hãy cho con ngủ trên ngực bạn hay trong tay bạn nếu cảm thấy con nhờ thế mà ngủ ngon hơn, bởi vì sẽ không bao giờ có lại những giây phút như thế khi con lớn lên. Mọi thứ sẽ qua nhanh lắm, trước khi bạn nhận ra điều đó.


nguồn:

(1) http://www.lalecheleague.org/nb/nbiss2-10p18.html

(2) Schanberg, S. (1995). Genetic basis for touch effects. In T. Field (Ed.), Touch in early development. Hillsdale, NJ: Erlbaum

(3) Linh Phan