Đương quy - nhân sâm của phụ nữ





Đương quy là một vị thuốc dùng rất phổ biến trong đông y, là đầu vị trong thuốc chữa bệnh phụ nữ, đồng thời được chỉ định trong nhiều đơn thuốc bổ và trị bệnh như thuốc chữa thiếu máu xanh xao, đau đầu, cơ thể gầy yếu suy tim, mệt mỏi, đau lưng, đau ngực bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại, tê liệt, đại tiện táo bón, mụn nhọt lở ngứa, tổn thương ứ huyết, kinh nguyệt không đều, đau kinh, bế kinh ( uống trước khi thấy kinh 7 ngày). Ngày uống 10-20g, dạng thuốc sắc hoặc rượu uống.



Theo y học cổ truyền, đương quy có vị ngọt, cay, hơi đắng, tính ấm, vào 3 kinh tâm, can, tỳ; có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, chỉ huyết. Đương quy có tác dụng dưỡng huyết, hoạt huyết, tăng cường sức khỏe, giúp phụ nữ tăng cường dinh dưỡng tuyến vú, tăng cường khả năng sinh lý, làm trẻ hóa cơ thể.



Trong y học cổ truyền Trung Quốc và Nhật Bản, đương quy được dùng điều trị kinh nguyệt không đều, huyết ứ trệ, đau kinh, bế kinh, sa tử cung, chảy máu, phong thấp, mụn nhọt, táo bón, hói đầu, thiếu máu, lao phổi, tăng huyết áp, ung thư và làm thuốc giảm đau, chống co giật, làm ra mồ hôi, kích thích ăn ngon cơm.



Hai từ “đương quy” trong ngôn ngữ Hán Việt có nghĩa “về chỗ cần về”, vị thuốc này có thể điều khí, nuôi huyết, làm cho khí và huyết về đúng chỗ. Khi uống đương quy vào tỳ vị chỉ hỗ trợ tiết dịch vị, khi đến ruột mới hấp thu vào máu, đồng thời kích thích niêm mạc ruột hấp thu nhanh hơn, khi vào trong máu kích thích hấp thu oxy tăng nhanh, làm trẻ hóa tế bào máu. Đương quy có thể “hành”, có thể “giữ”, huyết trệ có thể tán, huyết hư có thể bổ, huyết táo có thể nhuận, huyết tan có thể về.



Theo nghiên cứu hiện đại, đương quy chứa nhiều nhóm hoạt chất quí như: Tinh dầu, trong đó quan trọng nhất là ligustilid có tác dụng làm tăng tuần hoàn máu và n-butylphtalid chữa đột quị do thiếu máu não cục bộ cấp tính; polycacharid tăng cường miễn dịch và ức chế khối u; các coumarin có tác dụng hoạt huyết; phytoestrogen làm giảm tác dụng kiểu oxytoxin của hormone tuyến yên, ức chế co bóp tử cung, chống viêm và hạ huyết áp; acid hữu cơ ferulic có tác dụng ức chế ngưng tập tiểu cầu.


Ở Mỹ, trong bộ “healthnotes”, đương quy đôi khi còn đươc gọi là “nữ nhân sâm” (female ginseng) được chỉ định để chữa trị bệnh rối loạn kinh nguyệt, tim mạch, huyết áp cao và tăng khả năng thích nghi của cơ thể.








Các món ăn bổ dưỡng chế biến từ Đương Quy




Do trong thành phần có chứa tinh dầu, mùi vị rất thơm ngon, đương quy còn được sử dụng trong chế biến các món ăn hằng ngày, vừa có giá trị dinh dưỡng cao, vừa có tác dụng chữa bệnh như dùng đương quy thái mỏng nấu với thịt gà, ăn tuần 2 lần giúp kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon lại bổ máu. Hoặc dùng đương quy, thục địa, kỷ tử, ý dĩ ninh với móng giò lợn, tuần ăn 2 – 3 lần để bổ máu và hoạt huyết, giúp phụ nữ sau đẻ chóng hồi phục sức khỏe, có nhiều sữa.



Trong sinh hoạt hằng ngày, Đương Qui vì có nhiều sinh tố B12 nên thường được dùng làm món ăn bổ huyết. Trong các món ăn bổ, Đương Qui thường hay được chưng cách thủy với gà, để tẩm bổ sau khi sinh đẻ hay bất cứ lúc nào thấy người yếu mệt.



I .Cách chế biến món ăn từ Đương quy kiểu Hàn Quốc.



1.Món “ Ích não dưỡng khí”




Là món ăn từ Đương quy được ưa thích, rất nổi tiếng ở Hàn Quốc.


Cách làm món này là mổ bụng cá, moi hết ruột gan, nhồi Đương Quy đã xắt lát vào bụng cá, nấu cho đến khi Đương Quy mềm, cho gia vị rất nhẹ như muối, tiêu, xì dầu, tùy ý, nhưng không nên cho hương liệu khác đậm quá, sẽ át mất mùi thơm của Đương Quy và vị ngọt tự nhiên của cá.




2.Món ăn có công dụng “Ngự hàn, hoạt huyết”.




Nguyên liệu: Cá, đậu phụ, rau cải trắng cắt nhỏ, nấm hương, ngâm mềm thái chỉ. Đương Qui tươi xắt lát, nước dùng gà. Phân lượng nhiều ít tùy theo số người ăn. Nếu không thích cá, có thể thay bằng thịt bò, thịt gà hay thịt thăn heo tùy thích.



Chế biến: Trước hết đổ nước dùng vào soong hay nồi, cho tất cả Đương Quy vào. Nấu to lửa vài phút, bớt lửa nhỏ nấu độ 05 phút cho Đương Quy mềm, bao nhiêu chất bổ hay tinh hoa của Đương Quy đều tiết ra, nếu khô cạn thì thêm nước dùng. Cho tất cả vật liệu vào nồi theo thứ tự lâu hay mau chín, thịt hay cá trước, đến nấm hương, đậu phụ. Sôi đủ chín thịt mới cho rau vào, nêm xì dầu hay muối vừa miệng, chờ canh sôi lại, lập tức tắt lửa múc ra tô lớn. Món này tuy vật liệu giản dị, nhưng mùi vị rất thanh tao và ngon thơm không thể tả.




3. Gà chưng Đương Quy



Chế biến:



1) Gà cắt từng miếng nhỏ vừa ăn, rửa sạch, ướp muối, cho vào thố hay bát to.


2) Gừng xắt lát cho vào xào chín với một thìa dầu mè. Cho tất cả vào thố cùng với Đương Quy tươi cũng đã xắt lát.


3) Cho một cốc rượu trắng, hai cốc nước lã đun sôi vào thố, chưng cách thủy độ nửa giờ, coi chừng kẻo nước khô cạn cháy nồi. Khi Đương Quy được chưng đủ lửa sẽ có mùi thơm ngát.


Ngoài chưng với thịt gà, thịt bò, thịt dê, thịt heo, ai kiêng thịt hay ăn chay, có thể dùng đậu phụ, các thứ nấm và các thứ đậu khác tùy thích để thay thế.




II. Cách chế biến món ăn từ Đương quy kiểu Trung Quốc.




1.Đuôi lợn hầm Đương quy





Công dụng: Đương quy có chứa tinh dầu, glucose và vitamin B12 nên có tác dụng bổ huyết, nhuận tràng và trị đau nhức xương khớp


Nguyên liệu: 400g đuôi lợn, 1/2 thìa cà phê tiêu xay, muối, gừng, gia vị, 1 lít nước


Dược liệu: 200g đương quy tươi,


Chế biến


- Đuôi lợn làm sạch, chặt khúc vừa ăn. Đương quy rửa sạch, để ráo. Gừng gọt vỏ, thái sợi.


- Đun sôi nước trong nồi, cho đuôi lợn vào hầm đến gần mềm thì cho Đương quy vào hầm đến khi mềm, nêm gia vị vừa ăn. Sau cùng rắc gừng và tiêu xay vào, tắt lửa. Mức ra tô, dùng nóng.




2.Canh đương quy đuôi bò:





Công dụng: dưỡng tâm ích thận, cường gân tráng cốt, thích hợp với chứng liệt dương, thận hư đau lưng, kèm theo lưng gối mỏi mệt, vô lực, sợ lạnh.


Nguyên liệu: đuôi bò 1 cái.


Dược liệu: Đương quy tươi 200g,


Chế biến: Rửa sạch đương quy, đuôi bò cạo bỏ lông, rửa sạch, chặt đoạn nhỏ, nấu cùng với đương quy, nấu đến khi đuôi bò gần mềm thì cho Đương quy vào hầm đến khi chín nhừ, nêm gia vị. Uống nước canh, ăn đuôi bò.




3. Món Thịt cừu hầm đương quy




Công dụng: Lợi sữa cho phụ nữ sau sinh


Nguyên liệu: Thịt cừu 500g


Dược liệu: đương quy tươi 100g


Chế biến: Cho cả vào hầm nhừ , sau thêm chút rượu và mấy lát gừng tươi, ăn thịt, uống canh ăn trong 4-5 ngày.



4. Thịt dê nấu Đương quy




Công dụng: Món ăn được chế biến bởi thịt dê, Đương quy và gừng là rất quý và bổ cho các sản phụ. Nó có tác dụng trị chứng đau bụng sau khi sinh, chứng đau bụng do hàn lạnh, thể lực suy yếu do lao lực, bổ huyết, ôn trung, khứ hàn bảo ôn, chỉ thống, an thần, giúp nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Ngoài ra có tác dụng hoạt huyết, thúc đẩy khí huyết lưu thông tuần hoàn, kích thích sự hoạt động của tử cung và cơ quan sinh dục, gây kích thích và tạo hưng phấn cho hoạt động tình dục.


Nguyên liệu: Thịt dê 500g, gừng, rượu gạo, muối ăn và gia vị.


Dược liệu: Đương quy tươi 100 g.




Chế biến:


-Thịt dê luộc trong nước sôi để loại sạch huyết tương và mùi tanh, rửa lại để ráo. Gừng rửa sạch, dùng lưỡi dao đập dập rồi thái lát, Đương quy rửa sạch để ráo.


- Cho thịt dê, đương quy, gừng vào thố, đổ ngập nươc, đun sôi bùng lên rồi hạ lửa nấu tiếp khoảng 40 phút.


- Nêm muối, rượu gạo và gia vị, chờ thấm đều là được.




5. Thịt dê xào Đương quy, sinh địa




Công dụng: tăng cường thể lực, chống mệt mỏi, suy yếu, phụ nữ có thể dùng món này để điều trị chứng cơ thể hàn lạnh, suy nhược.


Nguyên liệu: Thịt dê mềm 500g, gừng khô 10g, rượu trắng, muối, đường. xì dầu mỗi thứ một ít.


Dược liệu: Đương quy tươi 100 g, Sinh địa 15g.


Chế biến:


-Thịt dê luộc sơ để loại sạch huyết tương và khử mùi, thái miếng sắp vào nồi đất.


- Đương quy, sinh địa, gừng khô rửa sạch để ráo, cho vào nồi với thịt dê, sau đó cho đường, muối, xì dầu... vào ướp cho kỹ.


- Cho một lượng nước vừa đủ, dùng lửa lớn đun sôi bùng lên rồi hạ nhỏ lửa nấu cho đến lúc thịt dê chín mềm là được.




6. Tim heo hầm Đương quy




Công dụng: Dưỡng tâm, an thần, trị bệnh mất ngủ, rất hữu ích với những người lao động trí óc:


Nguyên liệu: Tim heo 1 quả, rượu gia vị, gừng, hành, muối ăn mỗi thứ 1 ít.


Dược liệu: Đương quy tươi 100 g, đẳng sâm 20 g


Chế biến:


- Tim heo tách đôi, rửa sạch, trụng qua nước sôi để loại sạch huyết tương và mùi tanh, để ráo, khứa ngang thành nhiều phiến.


-Đương quy và Đảng sâm rửa sạch rồi nhồi vào bên trong quả tim heo, dùng tăm tre cố định lại.


-Đặt tim heo vào thố đất, bên trên rắc gừng, hành, tỏi, đổ rượu vào, đem chưng cách thủy cho đến khi tim heo chín mềm, vớt xác thuốc ra, nêm gia vị cho thấm đều là được.








Lưu ý:


-Do đương quy có tính nhuận hoạt tràng nên những người bị viêm đại tràng thể hàn, phân thường xuyên nát, lỏng không nên dùng.


-Trẻ em, phụ nữ có thai không nên dùng.