Sơ cứu vết thương chảy máu là hoạt động thường xuyên xảy ra do đa số các chấn thương nhẹ gây chảy máu như vết cắt, vết trầy thường không nghiêm trọng. Trường hợp động mạch hoặc tĩnh mạch lớn bị tổn thương, ví dụ như: tĩnh mạch cảnh ở cổ, thì nạn nhân có thể bị chảy máu trầm trọng, tính mạng bị đe dọa. Sơ cứu đúng cách và kịp thời có thể góp phần cứu sống người bệnh.

1. Sơ cứu vết thương chảy máu

Thông thường chia thành 2 dạng phổ biến là chảy máu trong và chảy máu ngoài. Nếu không biết cách sơ cứu khi chảy máu mỗi dạng có thể dẫn đến nhiều biến chứng rất nặng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

2. Thực hiện sơ cứu vết thương chảy máu ngoài

2.1. Trường hợp vết thương chảy máu ít

Trong nhiều trường hợp, các vết xước do cạo râu, vết thương do kim may có thể dẫn đến tình trạng chảy máu. Đối với các thương tích nhẹ như vậy, bạn vẫn nên thực hành sơ cứu cầm máu. Một chiếc băng cá nhân (băng dán vết thương) đã được khử trùng và các tuýp thuốc có chứa chất neosporin khá hữu ích trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng và điều trị những vết thương nhẹ.

Nguyên tắc sơ cứu vết thương chảy máu

  • Rửa tay sạch trước và sau khi sơ cứu chảy máu
  • Rửa vết thương bằng nước sạch, có thể rửa dưới vòi nước máy
  • Nếu là vết thương nhẹ như xước da chỉ có máu rỉ ra thì để hở cho khô. Nếu máu chảy nhiều hơn thì đặt miếng gạc lên vết thương và băng lại hoặc dùng băng keo băng kín.

Bạn không nên chủ quan với những vết thương nhỏ, chỉ một vết cắt đôi khi có thể ảnh hưởng tới các mạch máu. Nếu máu vẫn còn chảy sau 20 phút, bạn cần đến bệnh viện ngay.

sơ cứu vết thương chảy máu

2.2. Trường hợp vết thương chảy máu khẩn cấp

Những vết thương do các loài động vật gây ra hay bị những vật nhọn đâm sâu hoặc vết thương chảy máu liên tục từ 15 đến 20 phút sau khi sơ cứu khi bị chảy máu thường là những trường hợp chảy máu khẩn cấp. Khi một người bị chảy máu rất nhiều, hãy theo dõi các triệu chứng của sốc. Nếu nạn nhân có các biểu hiện như da lạnh, da bị sưng, nhịp tim suy yếu và mất ý thức thì rất có thể nạn nhân sẽ bị sốc vì mất máu. Ngay cả trong trường hợp lượng máu chảy ra chỉ ở mức trung bình thì người bị chảy máu vẫn có thể cảm thấy lâng lâng hoặc buồn nôn.

Nguyên tắc sơ cứu khi bị chảy máu

  • Rửa tay trước và sau sơ cứu khi chảy máu.
  • Xác định vị trí nơi chảy máu để xử lý đúng phương pháp.
  • Nói nạn nhân hoặc nhân viên cấp cứu dùng các ngón tay ép chặt lên hai mép vết thương ít nhất 5 – 10 phút để cầm máu.
  • Đặt nạn nhân nằm xuống. Nếu vết thương ở tay hay chân, gác tay hoặc chân lên cao hơn so với tim đồng thời tay bạn vẫn ép chặt vết thương để cầm máu. Điều này sẽ giúp máu lưu thông đến các cơ quan quan trọng trong khi bạn chờ đợi để được giúp đỡ.
  • Phủ vết thương bằng miếng gạc sạch rồi băng lại, đừng băng chặt quá làm tắc nghẽn lưu thông máu.
  • Kiểm tra lại, nếu thấy máu còn chảy thấm qua lớp băng thì đặt thêm miếng gạc nữa rồi băng phủ lên, không được tháo lớp băng đầu ra.
  • Nếu băng ở các chi, phải thường xuyên kiểm tra các ngón xem màu da có hồng và có ấm không, nếu da các ngón tái tím và lạnh thì phải nới lỏng băng để máu lưu thông.
  • Nếu có dấu hiệu sốc như xanh tái, mệt, lạnh, nhớp nháp mồ hôi thì phải chống sốc.

3. Thực hiện sơ cứu vết thương chảy máu trong

Chảy máu trong xuất hiện khi các mạch máu bên trong cơ thể bị vỡ và máu thoát ra khỏi hệ tuần hoàn. Hiện tượng này có thể xảy ra khi nạn nhân bị đập mạnh vào đầu, ngực hay bụng do ngã hoặc bị xe đâm. Người không có chuyên môn thường khó nhận biết các dấu hiệu của chảy máu trong.

Cần nghi ngờ chảy máu trong khi xuất hiện máu trong dịch nôn, đờm, nước tiểu hoặc phân.


Nạn nhân có thể thở nhanh, thở hổn hển, khát nước ngày càng tăng, ho ra máu đỏ tươi lẫn bọt, nôn ra máu đen như màu bã cà phê, nước tiểu đỏ tươi hay có màu gỉ sắt (nâu đỏ nhạt), phân đen như nhựa đường. Bệnh nhân nhợt nhạt, thấy lạnh, da ẩm ướt.

3.1. Xử trí trường hợp chảy máu trong

  • Ðặt nạn nhân nằm nghỉ ở tư thế thoải mái dễ chịu nhất.
  • Đắp chăn giữ ấm cho nạn nhân.
  • Trải tấm lót cho nạn nhân nằm lên trên nếu mặt đường gồ ghề hoặc nóng quá hay lạnh quá.
  • Gọi cấp cứu 115.

3.2. Trong khi chờ đợi

  • Xử lý các vết thương khác;
  • Nới rộng quần áo, nhất là ở vùng cổ và thắt lưng;
  • Trấn an người bệnh;
  • KHÔNG cho bệnh nhân ăn, uống hoặc hút thuốc lá.

Xem thêm nhiều kinh nghiệm hay về sơ cấp cứu các trường hợp tai nạn thương tích hoặc bệnh tật diễn tiến bất ngờ tại https://socapcuu.com/