1. Chuẩn bị là chìa khóa quan trọng

Dù vấn đề cần đối mặt có lớn đến mức nào thì sự chuẩn bị đầy đủ trước tất cả mọi thứ sẽ mang đến cho bạn một sự tự tin nhất định. Ví dụ, trước khi phát biểu trước đám đông, việc chuẩn bị nội dung cần nói và thực hành đều đặn sẽ giúp bạn có thêm rất nhiều tự tin trước khi bạn phát biểu chính thức.

Claudine Collins, Giám đốc khách hàng tập đoàn truyền thông nổi tiếng MediaCom của Anh từng nói: “Khi tôi chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ và tôi thực sự tin vào những gì tôi đã luyện tập, thì dù tôi có đi đâu, tôi cũng sẽ không còn thấy bất an hay lo lắng mà sẽ tự tin để vượt qua.”

2. Làm chủ chính mình

Bất cứ khi nào bạn cảm thấy bản thân hòa lẫn vào đám đông, hãy thử chống lại cảm giác đó. Bởi trong các cuộc họp lớn, cảm giác lo sợ luôn diễn ra và làm cho sự tự tin của bạn mất đi. Làm thế nào để tự tin ở chốn đông người? Một trong những cách khá hiệu quả là dùng ngôn ngữ cơ thể. Hãy để ý các tín hiệu phát ra từ cơ thể, từ đó lựa chọn cho bản thân một tư thế khiến bạn tự tin nhất, mạnh mẽ nhất khi hiện diện trong đám đông.

3. Hãy lên tiếng và ngừng nói lời xin lỗi

Bạn đã bao giờ tự trách bản thân hay hối tiếc vì đã không đưa ra ý kiến hay câu hỏi nào trong cuộc họp? Đừng lo lắng vì ai cũng đã từng như thế. Và việc chúng ta được ban tặng cho giọng nói là có lý do của nó. Gợi ý khá hay ho cho việc xây dựng sự tự tin bạn có thể áp dụng ngay cho lần kế tiếp khi muốn phát biểu ý kiến là hãy mạnh mẽ mở lời bằng một câu hỏi và đừng bao giờ bắt đầu câu bằng từ “Xin lỗi”.

4. Hít thở thật sâu

Khi cảm thấy hỗn loạn, bối rối, không biết bắt đầu từ đâu, hãy dành cho mình chút thời gian để dừng lại và tập trung vào hơi thở, bởi khi đó bạn sẽ cảm thấy bớt lo lắng và bình tâm lại để tập trung vào vấn đề hiện tại.

5. Kết nối với người nghe

Cho dù là bạn bày tỏ ý kiến với sếp hay chia sẻ quan điểm với đám đông thì bạn đều luôn muốn có thể thu hút sự chú ý của họ và giữ họ tham gia vào cuộc đối thoại. Để làm được điều đó, hãy tự chất vấn bản thân bằng hai câu hỏi sau: “Tại sao bạn cần phải nói?” và “Ai là người muốn nghe?”

Với hai câu hỏi này, bạn sẽ dễ dàng nắm bắt và xây dựng nội dung cần nói thật rõ ràng để có thể cung cấp đủ thông tin cho người nghe cần cũng như nhận lại các ý kiến từ họ.

6. Hạn chế suy nghĩ tiêu cực

Hầu hết sự tự tin thường bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ tiêu cực từ chính bản thân mình. Một cách để loại bỏ những suy nghĩ này là hãy chia sẻ và tâm sự với một người mà bạn tin tưởng. Hoặc là lắng nghe sự tiêu cực đó với sự cảm thông, không chống lại mà dùng thái độ tích cực để sửa đổi. Khi bạn dũng cảm thừa nhận những cảm xúc tiêu cực, bạn sẽ biết cách để kiểm soát và khắc phục nó.

7. Chấp nhận rủi ro

Chấp nhận rủi ro không bao giờ là một điều dễ dàng. Nhưng nếu bạn bình thản chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra dù là tồi tệ nhất thì đó lại là một trong những cách có thể giúp bạn thêm sự tự tin trong cuộc sống. Tin vào bản thân, lắng nghe giọng nói bên trong bạn rằng bạn có thể làm được, bạn chắc chắn hoàn thành nó.

hình ảnh

Ảnh: Internet