Cây mía bình dân ở Việt Nam nay đã “đặt chân” sang đất Pháp, trở thành thức uống được nhiều người ưa chuộng và giá bán khá đắt đỏ so với ở quê nhà.

Đã có nhiều món ăn xuất xứ Việt Nam được sang xứ người và được yêu thích, điển hình như phở, nem cuốn, bún chả… Mới đây, theo thông tin chia sẻ rộng rãi ở cộng đồng mạng quốc tế, cây mía vốn quen thuộc với người dân Việt Nam đã sang tận Pháp để phục vụ người dân nơi đây. Ở thủ đô Paris với vô vàn nền ẩm thực, món nước mía Việt Nam được bán rộng rãi ở nhiều nơi. 

Tìm hiểu kỹ sẽ biết người mang những cây mía từ vùng Tây Ninh (Việt Nam) sang nước Pháp là ông Christophe Luijer, tổng giám đốc một công ty. Thậm chí ông đã nhập cả máy ép mía huyền thoại của Việt Nam cùng với những cây mía rồi phân phối cho nhiều nhà hàng, quán ăn tại Paris.

"Trước kia tôi từng là công nhân xây dựng nhưng đã chuyển sang kinh doanh máy ép nước mía sau một chuyến đi đến Việt Nam. 8 năm trước, tôi đã gặp gỡ những người thợ thủ công chiết xuất nước mía tươi bằng máy cơ giới. Tôi thấy máy khá cồng kềnh và nguy hiểm nên đã thiết kế một chiếc máy mới. Và 'máy vắt nước mía di động Sokanaa-1' đã ra đời. Tôi đã thử nghiệm tại một nhà máy địa phương và sau đó là đến văn phòng giám định tại Đức", ông Christophe chia sẻ về cơ duyên với cây mía Việt Nam. 

hình ảnh

Ông Christophe mang mía Việt Nam sang đất Pháp gần 8 năm qua. (Ảnh Internet)

Lý giải vì sao lại chọn mía vùng Tây Ninh, người đàn ông Pháp này đã chỉ ra những tính ưu việt của giống mía này so với nhiều nơi trên thế giới. “Đối với tôi, mía Việt Nam là ngon nhất thế giới. Mía châu Phi quá to, mía Ai Cập lại quá bé. Vừa khít mà lại nhiều nước thì chỉ có mía ở Tây Ninh, Việt Nam".

hình ảnh

hình ảnh(Ảnh Internet)

Ông còn cho biết thêm, ban đầu nhập mía tươi từ Việt Nam qua nhưng chi phí lên đến 2.000 USD/tấn, lại vất vả vô cùng. Đáng nói, chỉ sau 1 tuần là mía bị lên men, đành phải bỏ vì không thể tiêu dùng được. Cái khó ló cái khôn, sau những lần thất bại đã khiến ông nghĩ ra cách cạo rửa sạch ngay tại Việt Nam rồi cắt thành các đoạn mía dài khoảng 50cm. Mía sau đó sẽ được cấp đông mỗi 15kg/túi và chuyển đi phục vụ ở châu Âu. Như vậy, những cây mía từ ruộng đồng Việt Nam đã đến được trời Tây theo cách này. 

hình ảnh

Mía cấp đông từ Việt Nam qua Pháp được bán với giá khoảng 1,5 triệu đồng/15 kg. (Ảnh Internet)

Được biết, 15kg mía cấp đông được bán với giá hơn 55 Euro (khoảng 1,5 triệu đồng). So với giá mỗi ly nước mía “khổng lồ” tại Việt Nam được bán tầm 10 nghìn đồng/ly, giá nước mía khi nhập khẩu sang Pháp và những quốc gia châu Âu đã “đội giá” nhưng vẫn được nhiều người ưa chuộng. 

Người đàn ông ngoại quốc đã gắn bó với cây mía Việt Nam hơn 7 năm qua và thức uống mát ngọt này đã “đi” từ Việt Nam sang Pháp, rồi sang Bỉ, Thụy Sĩ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và một số nước Trung Mỹ.

"Bảy năm nay, tôi đã bán được vài trăm máy ép nước mía sản xuất tại Việt nam. Từ đầu năm tôi đã nhập từ Việt nam 3 container mía cây và nước mía. Tôi còn phải nhập thêm trong năm nay 2 container mía và 1 container máy ép nước mía nữa", ông Christophe cho biết. 

hình ảnh

Trước đây, từng có chuyện thú vị khi rau muống vốn bình dân ở Việt Nam nhưng khi xuất sang Nhật được bán với giá 65 nghìn đồng cho 6-7 cọng loe ngoe. Hay có thông tin một tấm lá chuối Việt Nam được rao bán với giá tầm 500 nghìn đồng trên một trang bán hàng trực tuyến ở xứ hoa anh đào. Nhiêu đây cũng phần nào chứng tỏ những thực phẩm dân dã ở quê nhà lại trở nên đắt giá khi “xuất ngoại”, có lẽ nhờ vào công dụng hữu hiệu hay độ ngon lành của chúng.