Ở Việt Nam, khi tham gia phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện, mọi người đều sẽ nhường ghế cho người già, người yếu thế. Đây được xem là văn hóa ứng xử tốt đẹp, người nào làm đúng sẽ được khen và ngược lại nếu người trẻ không nhường ghế có thể nhận lại nhiều chỉ trích.

Nhưng xin lưu ý đó chỉ là ở Việt Nam thôi nha. Ở Nhật  Bản hoàn toàn ngược lại. Nếu bạn đến Nhật Bản và đi trên các phương tiện công cộng (như xe bus, tàu điện ngầm), bạn sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh tượng người già phải đứng, trong khi người trẻ tuổi lại ngồi mà không nhường ghế.

Nhiều người khi chứng kiến điều này đã đặt ra câu hỏi, tại sao một đất nước vốn nổi tiếng với văn hóa ứng xử, lại bỏ qua việc nhường ghế cho người già, vốn là phép lịch sự tối thiểu mà ai cũng biết.

Vậy thì hãy theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé, người Nhật tinh tế lắm!

hình ảnh

Người Nhật nổi tiếng có lòng tự trọng và tinh thàn quật cường, ảnh: DSD

Người Nhật vốn nổi tiếng với lòng tự trọng rất cao. Họ cho rằng, hành động người khác nhường ghế cho mình không khác nào việc nhắc nhở bản thân họ đã già tới mức phải được ngồi ở ghế nhường. Điều này là sự tổn thương, đồng thời nhắc nhở họ về tuổi tác. Vậy nên hành động này không những không được khen ngợi mà còn khiến người khác khó chịu, được cho là thiếu tế nhị.

Một blogger nước ngoài từng sống ở Nhật Bản cho biết: “Một người bạn bản địa đã nói với tôi, ngay cả khi bạn có lòng tốt muốn nhường ghế, nhưng không có nghĩa họ phải chấp nhận lòng tốt của bạn. Họ đơn giản không muốn bị thương hại hay gây bất tiện cho người khác”.

Hơn nữa, người Nhật vốn rất coi trọng sự bình đẳng. Ai lên tàu trước sẽ là người có ghế. Lòng tự trọng cao khiến họ không cho phép mình được người khác nhường nhịn hay đòi hỏi quyền lợi từ ai. Họ không muốn nhận thứ không thuộc về mình.

hình ảnh

Người già ở Nhật hầu hết có sức khỏe tốt và mong muốn nhận được sự đối xử bình đẳng, ảnh: DSD

Trên thực tế, Nhật Bản là quốc gia có dân số già ngày càng tăng. Bản thân những người cao tuổi hầu hết đều có sức khỏe tốt, vẫn tham gia làm việc như những người khác. Họ coi việc “chiến đấu” trong các toa tàu đông nghẹt khách là điều bình thường. Bởi vậy, quan điểm của người Nhật về việc ưu tiên cho người cao tuổi gần như sẽ khác biệt với hầu hết các nước châu Á khác.

Ngoài việc nhường ghế trên phương tiện công cộng, còn một số hành động được coi là 'không thể chấp nhận' ở Nhật Bản như sau:

Hình xăm, mọi người che nó một cách tế nhị khi đến những nơi công cộng

Hình xăm ở Nhật Bản ít phổ biến hơn so với các nơi khác trên thế giới. Người xăm hình thường che nó khi đi làm hoặc đến những nơi công cộng.

Đối với khách du lịch, việc có hình xăm trên người có thể gặp một số thách thức. Bạn có thể bị hạn chế sử dụng hồ bơi, spa, phòng tập thể dục hoặc phòng tắm truyền thống của Nhật Bản.

hình ảnh

Người Nhật ăn mặc nhẹ nhàng, lịch sự ở nơi công cộng, ảnh: DSD

Ăn mặc lịch sự, tránh việc quá nổi bật

Ăn mặc khiêm tốn là một tiêu chuẩn ở Nhật và phụ nữ, đặc biệt người lớn tuổi có xu hướng che vai và bụng, ngay cả khi trời nóng. Do đó, khách du lịch mặc trang phục hở hang có thể khiến người dân địa phương thấy kỳ cục.

Hành động chỉ tay là thô lỗ

Khi tìm đường, điều quan trọng là phải nhớ một nét văn hóa của người Nhật, đó là không chỉ trỏ. Trong nghi thức Nhật Bản, việc chỉ trỏ được coi là một cử chỉ có khả năng gây hấn hoặc bất lịch sự. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng toàn bộ bàn tay để chỉ đường hoặc tốt hơn dựa vào giao tiếp bằng lời nói.

Trò chuyện nhẹ nhàng, tránh gây gồn

Để tránh bị đánh giá thiếu lịch sự, bạn không nên nói chuyện ồn ào hoặc có cử chỉ quá mức. Khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt nếu chỉ có vài hành khách, tốt nhất nên hạn chế nói chuyện điện thoại hoặc nếu cần, hãy kín đáo quay mặt đi, lấy tay che cuộc trò chuyện.

hình ảnh

Đất nước mặt trời mọc, ảnh: DSD

Sử dụng nước hoa nhẹ nhàng, không gây ảnh hưởng tới xung quanh

Người Nhật rất nhạy cảm với mùi hương, một số thậm chí có thể coi nước hoa là nồng nặc, khó chịu. Đối với họ, hương thơm được đánh giá cao nhất là không có mùi hương nào.

Thị trường nước hoa ở Nhật Bản vẫn còn tương đối hạn chế. Các thương hiệu địa phương chủ yếu cung cấp các loại nước hoa gợi lên cảm giác sạch sẽ, giống như sự tươi mát của cơ thể, mái tóc và quần áo mới giặt.

Người Nhật không nhặt đồ đánh rơi

Ở Nhật Bản, việc nhặt đồ đánh rơi, từ chiếc ví, khăn quàng cổ, đồ chơi trẻ em rất tế nhị. Khi mới đến đây thấy những món đồ như vậy bạn có thể thiện chí cầm món đồ để giúp xác định chủ nhân. Nhưng nhìn chung không nên làm vậy.

Cách cư xử đúng là di chuyển món đồ đến một vị trí dễ nhìn thấy hơn, giúp chủ nhân dễ dàng phát hiện khi họ quay lại lấy. Những đồ vật có giá trị có thể được đưa đến đồn cảnh sát gần nhất.

Hạn chế việc ăn uống nơi công cộng

Mặc dù không bị cấm rõ ràng, việc ăn uống ở nơi công cộng, đặc biệt nếu đồ ăn được đóng gói, không được khuyến khích. Văn hóa của họ coi trọng sự sạch sẽ, điều này dẫn đến mối lo ngại về việc các cá nhân có bỏ rác trách nhiệm sau khi ăn hay không.

Ngày nay phong tục này ít nghiêm ngặt hơn. Người trẻ tuổi vẫn ăn trên đường, song họ vẫn làm việc này kín đáo, tránh ăn nơi đông người, ùn tắc.

Người Nhật không thích hành động dang rộng cánh tay khi gặp gỡ

Văn hóa Nhật Bản nhìn chung không chấp nhận việc tiếp xúc cơ thể gần gũi, vì vậy việc tránh chạm, ôm hoặc vỗ lưng bất kỳ ai là điều quan trọng. Bắt tay là một hình thức tiếp xúc cơ thể có thể chấp nhận được, nhưng tốt nhất bạn nên chờ chủ nhà chủ động trước.