Mấy ngày nay lo lắng về cái luật mới quá các mẹ ạ. Em thích ăn vải lắm, mà không biết ăn vải có bị CSGT phạt vì có cồn không.



Các mẹ đọc báo chí mấy ngày qua chắc cũng biết Nghị định số 100/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1 năm nay. Trong đó quy định mức xử phạt người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt mức.



Mức xử phạt cao nhất đối với người lái ô tô là 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe 22 - 24 tháng; người lái mô tô, xe gắn máy là 8 triệu đồng, cũng tước quyền sử dụng bằng lái xe 22 - 24 tháng; các mẹ lái xe đạp cũng có thể bị phạt 600.000 đồng.



webtretho


Ảnh: baophapluat


Biết rằng luật mới phạt nồng độ cồn này để giảm thiểu tai nạn giao thông do bia rượu gây nên, nhưng em cũng hơi lo vì ngoài bia rượu thì nhiều loại đồ uống, thực phẩm các cũng có cồn. Ví dụ như nước trái cây lên men công nghiệp 3 - 5% độ cồn etylic (gần như độ cồn trong bia đấy ạ), nước trái cây lên men của hộ gia đình tự làm thủ công cũng có cồn này, thậm chí có loại có nồng độ cồn tới 12% cơ.



Các mẹ thì hay nghĩ nước trái cây không phải bia rượu nên nghĩ nó không có cồn, nhưng thực tế là có đấy, nên các mẹ có dùng thì nhớ cẩn thận. Cồn loại này có trong máu, hơi thở nên đều bị phát hiện khi dùng thiết bị, xét nghiệm thử, nó cũng có thể làm các mẹ mất kiểm soát hành vi, điều khiển xe không an toàn.



Riêng các loại thức ăn tự nhiên như trái cây có nồng độ cồn (vải, chuối, sầu riêng…) thì khó sinh ra cồn trong hơi thở lắm ạ. Chúng là axit hữu cơ, quá trình hấp thu vào cơ thể rất chậm luôn.



Bác sĩ Trần Anh Thắng - Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cũng nói rằng chưa có tổ chức nào hay cơ sở khoa học cho thấy việc ăn trái cây sẽ khiến các mẹ có nồng độ cồn trong cơ thể. Nếu vẫn còn lo, các mẹ hãy yên tâm vì một chuyên gia khác là bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định cùng quan điểm.



Theo bà Trần Thị Trang - Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), không chỉ có hàm lượng cồn thấp, mà cồn trong trái cây cũng suy giảm, đào thải rất nhanh. Các mẹ có ăn thì chỉ cần uống nước, súc miệng, tầm 15 - 30 phút sau thì sẽ không còn nồng độ cồn đâu.



Còn có một loại thức uống khác là siro ho cũng làm nhiều mẹ lo lắng. Tuy nhiên, nếu uống theo chỉ định của bác sĩ, các mẹ mỗi lần chỉ uống vài trăm ml thì cũng không đủ để sinh ra cồn.



Cảnh sát giao thông lên tiếng:



Phía cảnh sát giao thông khẳng định rằng họ đều có biện pháp, nghiệp vụ chuyên môn để biết ai uống bia rượu, ai ăn trái cây mà thổi ra nồng độ cồn, nên họ khuyên người dân không cần lo lắng đâu ạ.



Một CSGT cho biết: "Chúng tôi không tự nhiên dừng xe mà chỉ dừng đối với những trường hợp có biểu hiện nghi vấn, đi ra từ quán nhậu. Hơn nữa người uống rượu bia có biểu hiện rất rõ ràng, lực lượng có nghiệp vụ hoàn toàn có thể phân biệt được".



Ông Nguyễn Quang Nhật, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an, nói rằng thực tế cũng có những người do ăn trái cây mà sinh ra nồng độ cồn trong hơi thở, nhưng thực tế vẫn không thành vấn đề vì nồng độ cồn không lưu lại lâu. Đó là chưa kể lỡ như có bị lập biên bản, các mẹ vẫn có quyền giải thích về lý do mình có nồng độ cồn trong hơi thở. Để tâm phục khẩu phục hơn, các mẹ sẽ được cho xét nghiệm máu đấy ạ, thế là chính xác luôn, chẳng lo bị hiểu lầm, phạt oan.



Nguồn tham khảo: thanhnien, baophapluat