Làm sao để giữ gìn và phát huy văn hóa Việt trong môi trường đa văn hóa?


Đa phần các bậc cha mẹ khi quyết định cho con theo học trường quốc tế đều đã bị thuyết phục bởi viễn cảnh con mình sử dụng ngoại ngữ lưu loát, tự tin giao tiếp với bạn bè ngoại quốc và rèn luyện được lối tư duy độc lập, tự chủ. Thực tế đã chứng minh, những trường quốc tế đạt chuẩn đã đáp ứng được sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh. Sinh hoạt tại trường cả ngày, về nhà, các bé lại tiếp tục chọn những chương trình giải trí tiếng Anh nên dù lớn lên tại Việt Nam, các bé chẳng khác mấy so với các bạn đồng trang lứa tại Mỹ, Úc, Anh....


Tuy nhiên, một số gia đình người Việt đã bắt đầu nhận ra những khuyết điểm trong sự định hướng tưởng chừng rất thành công này. Các bé ít có thời gian tập luyện tiếng Việt nên ngôn ngữ mẹ đẻ có phần bập bẹ và lơ lớ. Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn trong những gia đình có nhiều thế hệ sống chung với nhau, ông bà chú bác sẽ ít nhiều than phiền vì sao trẻ không nói tốt tiếng Việt và có phần khó gần do những rào cản về ngôn ngữ gây ra. Đây không phải lỗi của nhà trường khi họ đã thực hiện được cam kết giáo dục trẻ đạt được trình độ và bằng cấp chuẩn quốc tế. Nhiều gia đình ban đầu cũng không nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, tuy nhiên khi trẻ lớn hơn cũng là lúc phát sinh ra những vấn đề ngoài phạm vi ngôn ngữ như hiểu biết hạn chế về văn học, địa lý, lịch sử Việt Nam sẽ làm trẻ khó hòa đồng vào xã hội. Những tưởng trẻ được hướng theo “quốc tế” để phát triển ở ngoài phạm trù Việt Nam nên văn hóa Việt có thể không quan trọng. Tuy nhiên muốn thành công trên phạm vi quốc tế, cần biết được bạn là ai, cần tự hào vì bạn là người Việt Nam với những nét đặc trưng và khác biệt rất riêng mà không một dân tộc nào có được. Càng trong môi trường đa văn hóa, văn hóa Việt càng nên được giữ gìn và phát huy.


Dù có kinh nghiệm nuôi con hay không, không khó để chúng ta nhận ra các bài học văn hóa nên được học ở trường lớp hoặc những địa điểm sinh hoạt tập thể. Trẻ học nhiều nhất từ sự tương tác với thầy cô và các bạn đồng lứa. Chính vì vậy trong môi trường quốc tế, trẻ cũng cần phải được tham gia vào những hoạt động mang đặc trưng văn hóa Việt mới có thể hoàn thiện được những hiểu biết và cảm nhận của mình. Ví dụ như để hiểu rõ về văn học, lịch sử và địa lý Việt Nam, trẻ cần tham gia vào những lớp học dạy bằng tiếng Việt để có thể đặt câu hỏi, bàn luận và trao đổi kiến thức với giáo viên và bạn cùng lớp bằng chính ngôn ngữ này. Có thể chính cách học mở, không gò bó của trường quốc tế càng tạo điều kiện cho các em học tập tốt hơn khi không phải đọc chép thuộc lòng mà không được thể hiện cảm nhận của mình. Ngoài ra, những hoạt động ngoại khóa đa dạng của trường quốc tế cũng là điều kiện học tập tuyệt vời. Các bé có thể tự chọn những tác phẩm dân gian hoặc văn học kinh điển mà đưa lên sân khấu kịch, kết hợp với nghệ thuật múa và âm nhạc của dân tộc. Nếu piano, violin, organ được chào đón ở trường quốc tế, tại sao những âm sắc đẹp của đàn tì bàn, đàn tranh, sáo trúc lại không thể kết hợp vào biểu diễn. Chắc chắn với những cách học và phong trào lôi cuốn, trẻ sẽ sớm nuôi dưỡng được tình yêu và sự hiểu biết văn hóa Việt


Hãy chia sẻ trong topic này những ý kiến của bạn trong việc làm sao gia đình và nhà trường giúp trẻ gìn giữ và phát huy được văn hóa Việt Nam trong những môi trường đa văn hóa để tao tiền đề vững chắc cho thành công trong tương lai.



Ban Tổ Chức


:Rose::Rose::Rose::Rose::Rose: