Vào ngày hè nhưng thời tiết ở vùng rừng núi Tà Xùa

hình ảnh

 khá mát mẻ, nhiệt độ thường chỉ dao động từ 18-25 độ C. Chúng tôi đi theo lối mòn dẫn lên núi. Theo người dẫn đường – một chàng trai người Mông ở Tà Xùa (xã Bản Công, Trạm Tấu), con đường này được hình thành do người Mông bản địa thường xuyên leo núi để hái măng, lấy củi và gần đây là đi chăn thả dê, ngựa…

Lên đến từng độ cao, mọi người được trải qua nhiều khung cảnh, lúc thì bao la hùng vĩ của trời xanh, nắng vàng, khi lại chìm vào màn sương mờ giăng khắp chốn. Từ độ cao 2.000m so với mực nước biển, những thân cây cổ thụ cao vút, mấy người ôm không xuể xuất hiện dày đặc. Đến chiều muộn, mấy kẻ leo núi nghiệp dư như chúng tôi bắt đầu thấy cơ bắp, chân tay rệu rã.

Ngủ nhờ một đêm trong lán của người Mông dựng sẵn, chúng tôi dậy rất sớm vào buổi sáng hôm sau để ngắm biển mây bồng bềnh, ôm ấp cả dải đỉnh núi mang biệt danh “Sống lưng khủng long” kỳ vĩ. Những đợt thay đổi của lớp vỏ địa chất từ hàng triệu năm đã kiến tạo ra một dải núi Tà Xùa nhô lên cao với ba đỉnh không thể ấn tượng hơn.