(Dân trí) - Nhà nghèo, vợ đi xuất khẩu lao động không về. Anh làm nghề đập đá thuê kiếm tiền nuôi hai con nhỏ và mẹ già. Chắt chiu cũng đủ qua ngày, nhưng tai họa bất ngờ ập xuống: hai bố con ngã vào đống rơm đang cháy, bị bỏng nặng.


>> Phi xe qua đống rơm cháy, cả nhà bị bỏng


Anh là Nguyễn Đức Hạnh và con gái Nguyễn Thị Thu Trang (5 tuổi) đều đang nằm điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) với thương tật rất nặng nề.





Bé Trang đã trải qua 3 lần phẫu thuật, bị cắt 6 đốt ngón tay, nhưng tổn thương do bỏng vẫn rất nặng nề và sẽ để lại những di chứng trầm trọng nếu bé không tiếp tục được chữa trị. (Ảnh: H.Hải)



Khi chúng tôi tới thăm, anh vừa trải qua lần phẫu thuật thứ 3. Hỏi về hoàn cảnh gia đình, anh không cầm được nước mắt vì thương con. Hai đứa con từ nhỏ đã thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Nhà nghèo quá nên vợ anh đã đi xuất khẩu lao động cách đây 4 năm, nhưng từ đó, không một lần liên lạc lại với gia đình. Một mình anh phải vừa làm cha, làm mẹ của hai đứa con nhỏ, đứa lên 3, đứa vừa tròn 1 tuổi. Mẹ anh đã già, đang ở cùng anh trưởng vì thương con cũng về sống với ba bố con anh, đỡ đần việc nhà cửa, trông nom cháu.


Anh Hạnh kể, hôm đó, anh đèo hai con và bà nội đi chơi nhà anh trai về. Đến quãng đồng, người dân đốt rơm dưới ruộng, trong một phút khói mờ mịt anh không nhìn thấy gì, bất ngờ bị lao ngay xuống bờ ruộng nơi đống rơm đang cháy. Bà nội và cậu con cả 7 tuổi rơi xuống xe bị thương, được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện huyện, còn anh và cô con gái út bị lao thẳng vào đống rơm, bỏng nặng, phải đưa ra Viện Bỏng Quốc gia cấp cứu.


Cuộc sống của của 4 bố con, bà cháu vô cùng chật vật, phải phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương làm thuê của anh và vài sào ruộng. Làm nghề đập đá thuê, mỗi tháng anh chỉ được hơn 1 triệu đồng tiền công, tằn tiện lắm mới đủ cho cả 4 người. Cả nhà phải ở trong ngôi nhà tranh tre chật hẹp, dột nát nhất thôn. Nhờ chủ trương xoá bỏ nhà tranh tre, gia đình anh đang được chính quyền hỗ trợ một ít tiền để ngói hoá ngôi nhà. Bọn trẻ đang hớn hở vì sắp được ở nhà xây gạch như nhà chúng bạn, không ngờ ngôi nhà vừa mới đào móng thì bố con anh gặp họa, việc xây nhà phải hoãn lại vô thời hạn.


Nhắc đến bé Trang, nước mắt anh càng ứa ra vì thương con. Hai bố con nằm ở một viện, cùng một khu nhà, chỉ cách nhau 2 tầng mà anh chẳng thể đi thăm con vì vết thương quá nặng. “Con bé còn nhỏ thế, bị đau thế mà phải nằm một mình. Chỉ có một người họ hàng chạy đi chạy lại chăm sóc cả hai bố con. Con bé thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ, nay lại vắng bà, vắng bố, vắng anh. Nghe kể con luôn miệng gọi bố, gọi bà mà đau thắt ruột. Nó mới 5 tuổi, nhưng già dặn lắm. Thời gian đầu, đau quá bé hay khóc, những người thăm nuôi bệnh nhân cùng phòng chỉ một lần nói bé: đừng khóc, không bác sĩ tiêm bố. Thế là bé tuyệt nhiên không dám khóc, dù đau đớn”, anh Hạnh nói mà không cầm được dòng nước mắt vì thương con.


Chúng tôi đến phòng bệnh thăm Trang, bé đang nằm trên giường, đôi mắt mở to và khẽ rên vì đau đớn. Thấy người lạ, bé không khóc, nhưng cũng không thể kìm chế tiếng rên vì vết bỏng quá nặng. Nói về hoàn cảnh của bé, thân nhân những bệnh nhân nằm cùng phòng bé đều ứa nước mắt và khâm phục sự chịu đựng của bé. Từ hôm vào viện đến nay đã hơn nửa tháng, nhưng bé hầu như không khóc. Lắm lúc tủi thân và đau quá, bé cũng không oà khóc như những trẻ khác nằm cùng phòng, mà nước mặt chỉ lặng lẽ chảy dài. Thỉnh thoảng lại khẽ gọi bà ơi, bố ơi, anh ơi, về với con, con đau quá.


BS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Viện Bỏng quốc gia cho biết, trường hợp bé Trang bị bỏng rất nặng. Bé bị bỏng lửa 25%, bỏng toàn thân, chi, sinh dục. Bé cũng đã bị cắt cụt 6 đốt ngón tay. Hiện tại 2 bàn tay có bỏng sâu, đã bị cụt một số đốt ngón, lâu dài sẹo sẽ ảnh hưởng đến chức năng vận động và làm việc của bàn tay, kể cả việc học hành của cháu cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra cháu còn có thể bị sẹo ở nhiều vùng khác, giờ bé còn nhỏ, nhưng sau này khi lớn lên, sẽ ảnh hưởng rất nặng nề về tâm lý.


Còn bố cháu, anh Hạnh cũng bị bỏng lửa 20% với thương tổn khá nặng nề. Những di chứng bỏng sau này sẽ ảnh hưởng đến chức năng thẩm mỹ, đặc biệt hạn chế khả năng lao động. Anh khó có thể tiếp tục công việc nặng nhọc là nghề đập đá để nuôi gia đình.


Hiện bà nội và anh cả bé đã được ra viện, còn hai bố con anh còn phải nằm viện dài dài. Bà nội và anh trai rất thương Trang, nhưng không thể ra chăm nom cháu vì lấy đâu kinh phí đi lại, ăn ở. Họ hàng ở quê luân phiên nhau ra chăm sóc, chi phí sinh hoạt, điều trị, ăn uống đều hoàn toàn phụ thuộc vào họ hàng, bà con làng xóm đóng góp.


Anh Lê Văn Quý, bác họ đang ở viện chăm sóc hai bố con cho biết, họ hàng ra chăm em và cháu, ai có đồng nào mang ra đồng đó. “Cũng chẳng có nhiều nhặn gì, vay mượn mãi cũng được gần 1 triệu nên mọi sinh hoạt, chi tiêu đều phải tiết kiệm. Đến mua cơm cho người bệnh mà cũng phải tằn tiện, chỉ khoảng 10 nghìn/suất. Cháu Trang thì ăn ít hơn, khi thì tí cháo, hộp sữa. Cháu ngoan, biết nhà nghèo nên cũng không dám mè nheo mua đồ ăn vặt. “Thương em, thương cháu lắm nhưng chẳng biết làm thế nào. Vài hôm hết tiền, tôi lại về quê, vừa đi phụ hồ, xây dựng thuê, vay mượn được ít nào lại mang ra lo cho cho em, cho cháu, được ngày nào hay ngày đó. Đến lúc không lo được, cũng phải cho cháu về, đành chấp nhận sống với di chứng, đau đớn… Chỉ mong cháu Trang cứng rắn để vượt qua những đau đớn, thương tật do di chứng bỏng nặng nề sau này”, anh Quý buồn rầu nói.