“Giờ tôi cũng chỉ biết đi kiếm sống như thế này chứ ở nhà thì có mà uống nước lã rồi chết hết với nhau, thôi thì cố sống được đến lúc nào hay lúc đó...”, ông Chử tâm sự.


Thương tật vì phá bom từ trường


Từ nhiều năm nay, ngày nào những người dân sinh sống quanh khu vực xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội, cũng bắt gặp một ông lão gầy còm, lưng còng như muốn gẫy gập, mái tóc thưa đã bạc trắng, oằn mình đẩy chiếc xe đạp cũ kỹ bên trên chở lỉnh kỉnh những thứ đồ nhặt nhạnh ở đâu đó chất lên.


Mất một thời gian khá dài chờ đợi, cuối cùng tôi cũng gặp được ông lão nghèo khổ trong câu chuyện mà mỗi lần người ta kể cho nhau nghe đều dấy lên nỗi niềm thương xót. Khó nhọc dựng chiếc chân chống xe đạp xiêu vẹo vào một góc đường, lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt khắc khổ, nhàu nhĩ những nếp nhăn chạy ngang dọc, ông lão có tên Bùi Văn Chử (SN 1933, ở thôn Đức Diễn, Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) kể rằng, ông sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhà đông anh em, chưa học hết cấp 2, ông đã phải nghỉ học đi làm thuê làm mướn giúp bố mẹ để cho đứa em dưới mình được tiếp tục học.


Hình ảnh ông lão cực khổ khiến nhiều người thương cảm


Khoảng năm 1972, giặc Mĩ đem bom đánh phá khu vực miền Bắc. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Chử ra nhập quân đội để chung sức chiến đấu bảo vệ quê nhà. Trong một lần giặc thả bom xuống, ông Chử được đơn vị giao nhiệm vụ ra ụ pháo Chèm (nay thuộc Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) để phá bom từ trường.


Vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh ấy, ông Chử kể: “Hôm ấy, máy bay B52 thả bom xuống để phá ụ pháo, nhận được lệnh ra phá bom, tôi phải cởi trần trèo lên nóc ụ pháo. Khi lên được bên trên đang gỡ bom, bất ngờ máy bay của địch tiếp tục thả bom xuống gần khu vực đó, bom nổ đã hất tung cả quả bom từ trường cùng tôi văng đi xa, cả quả bom nặng đè lên người khiến tôi bất tỉnh không biết gì”.


Phải đến tận chiều hôm ấy, đồng đội tưởng ông Chử đã chết và đi tìm xác thì thấy ông vẫn thoi thóp thở bên bờ mương. Mọi người vội đưa ông vào bệnh viện 108 để chữa trị. Các bác sỹ cho biết ông Chử bị sức ép làm nát một phần ruột và chấn thương một bên chân. Mặc dù tiến hành phẫu thuật nhưng chưa chữa trị được triệt để.


Hỏng một bên mắt vẫn lang thang xin ăn nuôi cháu


Ông Chử không được hưởng chế độ. Thêm nữa, vết thương ở ruột chưa lành lại tái phát hành hạ ông Chử khiến ông vô cùng đau đớn. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ông Chử đã phải bán cả mảnh đất mà mình đang ở cùng 4 người con đi để lấy tiền chữa bệnh. Tổng cộng số lần mổ của ông cho đến hiện tại đã 5 lần nhưng thi thoảng cơn đau ruột lại bùng lên dữ dội.


Do không còn nhà cửa để ở nên những người con của ông Chử đã ly tán mỗi người một nẻo, duy còn một người con trai hiện giờ vẫn ở gần ông Chử nhưng vì kinh tế khó khăn nên không phụ giúp được bố trái lại ông Chử hiện còn đang phải nuôi một đứa cháu nhỏ mới được gần 2 tuổi.


Ông Chử vén áo cho xem vết sẹo để lại sau 5 lần mổ để chữa ruột


Trong quãng thời gian bế cháu đi lang thang kiếm ăn, ông Chử có quen với bà Nguyễn Thị Tân (77 tuổi) cùng trong cảnh nghèo khó không nơi nương tựa. Hai thân già cực khổ đã cùng nhau dựng tạm một túp lều ở qua ngày. Hằng ngày bà Tân bế đứa cháu đi ăn xin khắp nơi còn ông Chử đẩy xe đạp đi đến các bãi rác nhặt nhạnh xem thứ đồ gì còn dùng được, ăn được thì đem về.


Thời gian gần đây, sức khỏe suy giảm, một bên mắt của ông Chử đã không còn nhìn thấy gì việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Ông Chử đã đến bệnh viện khám nhưng vì không có tiền để chữa trị nên đành sống chung cùng bệnh tật.


“Giờ tôi cũng chỉ biết đi kiếm sống như thế này chứ ở nhà thì có mà uống nước lã rồi chết hết với nhau. Thôi thì cố sống được đến lúc nào hay lúc đó”, ông Chử tâm sự.


Bác Tuyết, một người dân ở Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Mỗi lần chúng tôi nhìn thấy ông ấy dắt chiếc xe đạp đi qua ai nấy đều thương cảm lắm, lúc người này cho vài đồng, lúc người khác cho ít thức ăn hay vài gói mỳ tôm để giúp đỡ chứ cũng không biết làm gì hơn”.


Chia tay ông Chử, tôi không khỏi day dứt trước số phận éo le khiến con người phải rơi vào cuộc sống đến cùng quẫn. Hơn bao giờ hết, những hoàn cảnh như ông Chử đang rất cần sự giúp đỡ từ những tấm lòng vàng của mọi người trong xã hội.


Độc giả muốn sẻ chia, giúp đỡ hoàn cảnh ông Chử xin liên lạc theo địa chỉ: Ông Bùi Văn Chử (thôn Đức Diễn, xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội).


KINH VÂN


Theo Infonet