Mấy ngày nay mẹ bệnh nên không đi giúp việc cho người ta. Tiền bán vé số của cha chỉ đủ mua gạo ăn hàng ngày. Em vừa nhận giấy báo đóng học phí học kỳ cuối đến 2.600.000 đồng. Có lẽ em phải tạm hoãn lại học kỳ này


Lời chia sẻ nghẹn ngào trên là của sinh viên Nguyễn Văn Tý – học ngành Sư phạm Vật lý, K33 của trường ĐH Cần Thơ. Học kỳ 1 năm thứ 2, Tý bị tai nạn xe, em bị chấn thương sọ não. Mặc dù trí nhớ giảm đến 10%, thường xuyên bị co giật té xỉu nhưng Tý vẫn không bỏ cuộc ước mơ trở thành thầy giáo của mình.


Đậu vào đại học, Tý khăn gói lên TP. Cần Thơ ở trọ cùng với người anh trai. Một buổi đi học, một buổi Tý đi phụ bàn cho một quán ăn gia đình trên đường Nguyễn Văn Cừ (Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) để tự trang trải chi phí học hành.


Kết quả học tập của em tính đến thời điểm này là xếp loại khá. Nhưng với cái “đầu lép” như thế này Tý lo sợ các học trọ “không tin” vào những điều em dạy.



Ngày 12/8/2010, trên đường đi làm về, còn khoảng 1 km nữa là về tới nhà nhưng khi lên dốc cầu, Tý mất thăng bằng, xe bị ngã. Tý đập đầu xuống đất, bất tĩnh.


Mọi người chuyển Tý đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương TP. Cần Thơ cấp cứu. Các bác sĩ thấy tình trạng nguy cấp, nên phẫu thuật ngay cho Tý. Kết quả, Tý được cứu sống và rất may chấn thương không ảnh hưởng đến các dây thần kinh quan trọng của não bộ. Nhưng toàn bộ phần sọ bên trái (gần vùng tráng) bị vỡ.


Cô Đỗ Thị Út (59 tuổi) – mẹ em Tý bùi ngùi kể: “Cháu bị tai nạn, gia đình bán hết đất để lo cho cháu. Cũng may tiền hết nhưng thấy cháu tỉnh táo, đi đứng bình thường, vợ chồng tui mừng lắm. Chỉ có điều sức khỏe cháu hơi yếu, nhất là những khi trời nóng, hay lạnh quá, cháu bị nhức đầu kinh lắm. Mặc dù vậy, cháu không chịu nghỉ học. Thấy con ham học như vậy nên tui và cha nó bán nhà ở Cà Mau rồi dọn lên đây ở luôn đến giờ!”


Tý kể lại những ngày đầu vào lớp, thầy cô ai cũng trách Tý vô phép khi đứng chào cô thầy mà còn đội nón. Nhưng khi hỏi lại thì mới biết do Tý không chịu nổi cái nóng của lớp học nên phải đội nón cho khỏi bị nhức đầu, đồng thời để che cái “đầu lép” luôn.


“Sau lần đó, bạn bè thầy cô ai cũng động viên em cố gắng vượt qua. Chính vì điều đó nên em càng không thể bỏ cuộc nửa chừng. Nhất là sự hy sinh của cha mẹ. Cứ nghĩ đến bước chân chai sạn của cha hằng ngày nhọc nhằn trên những nẻo đường để bán từng tờ vé số cho khách là nước mắt em tự nhiên tuôn chảy", Tý ngậm ngụi, cố giấu những giọt nước mắt đang chảy ngược vào trong.


Dù sức khỏe yếu, nhưng hằng ngày Tý phải đạp xe đạp đến trường với quãng đường gần 7 km.


Mặc dù bác sĩ căn dặn Tý không được suy nghĩ nhiều, không thức khuya. Nhưng vì sợ không theo kịp bạn bè nên Tý dồn hết sức vào việc học. Bởi vậy, 2 năm qua việc Tý bị xỉu trong lớp học bao nhiêu lần, bạn bè cũng không nhớ hết. Đáng lo nhất là những lần Tý bị co giật, té xỉu ngay ngoài đường. Cũng may những lần như vậy đều có người tốt bụng đưa Tý đến trạm y tế.


Sau những lần như vậy, cha mẹ Tý khuyên em nghỉ học nhưng Tý một mực không chịu. Tý chỉ đồng ý giảm số môn học để bớt căng thẳng. Bởi vậy bạn bè của em đã ra trường còn Tý phải học thêm một học kỳ nữa. Do học vượt thời gian đào tạo nên theo qui định của trường Tý phải đóng học phí cao hơn mức bình thường 1,5 lần/ tín chỉ.


Sáng nay, Tý nghẹn ngào gọi điện thoại cho chúng tôi, em cho biết thời hạn đóng học phí sắp hết. Nhưng thấy mẹ bệnh mấy ngày nay, không tiền thang thuốc nên Tý cũng chẳng dám hỏi xin. Còn tiền bán vé số của chú Nguyễn Văn Giảng (62 tuổi) – cha em Tý chỉ đủ mua gạo và ít cọng rau cho 3 người ăn mỗi ngày.


Chúng tôi thấu hiểu nỗi khổ tâm của chú Giảng, cô Út trong lúc này. Chúng tôi càng cảm phục ý chí vươn lên của cậu sinh viên nghèo, bệnh tật như Tý vẫn ấp ủ ước mơ trở thành thầy giáo. Tý sẽ hoãn thêm một học kỳ nữa chăng chỉ vì thiếu 2,6 triệu đồng đóng học phí ? Nếu điều đó trở thành hiện thực thì thật xót xa cho cậu sinh viên đáng được giúp đỡ này.


http://dantri.com.vn/c167/s167-529230/gian-nan-hoc-ky-cuoi-cua-cau-sinh-vien-dau-lep.htm