Moi nguoi oi,



Đọc xong mình xót xa quá, và giận người lớn quá.


Mình muốn tìm hiểu thêm, sao 2 "mẹ" lại để trẻ con đến nỗi bị thiểu năng trí não? rồi khai thối, muỗi đốt, v.v... trước khi bị chối bỏ thì bọn trẻ ở đâu? ai chịu trách nhiệm về việc làm giả hồ sơ của hai bé Phương và Phượng
“Những cháu này, giấy khai sinh từ cấp xã xác định bị bỏ rơi, nhưng kiểm tra tại xã thì không có trường hợp nào bỏ con như vậy”
? Nếu chúng ta bỏ tiền ra giúp liệu có cải thiện tình hình không?


Bọn trẻ con ăn mặc rất tốt, có lẽ có nhiều người giàu Hà Nội đã biết và quyên góp hỗ trợ cho bọn trẻ tội nghiệp. sao bài báo chỉ kêu khổ mà không thấy nói gì về những hoạt động từ thiện, v.v... nhỉ? Có cảm giác bài báo ày phiến diện thế nào ấy.



Bọn trẻ ấy thật là đáng thương, nhưng lỗi là do người lớn đã quá tham lam, làm giả mạo giấy tờ để đưa con cháu đi Tây, làm cho người ta nổi giận và cắt viện trợ. Cái trung tâm Việt Lâm ấy được thành lập thế nào? của tư nhân hay của nhà nước? tại sao không thể đưa các cháu vào các trung tâm của nhà nước? người lớn ác quá.



Mọi người ơi có
cách gì giúp bọn trẻ con không?



Lời kêu cứu của 12 phận đời bị chối bỏ


(Dân trí) - Hơn 2 kg gạo và 4 lạng thịt là khẩu phần ăn mỗi ngày cho 12 trẻ bị bỏ rơi tại Trung tâm Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Lâm (Lâm Thao, Phú Thọ). Thiếu thốn, thiểu năng phát triển, các bé mang phận “tồn đọng” sau những đợt xuất ngoại…



12 trẻ bị bỏ rơi được nuôi dưỡng tại Trung tâm Việt Lâm không còn nguồn trợ giúp.



Trung tâm “nuôi nhốt” trẻ


Gian nhà nuôi trẻ rộng chừng hơn 20m2, ẩm tối. Mùi khai, nồng, ngây ngấy sộc lên từ cửa buồng. Hai dãy giường, mỗi bên 3 chiếc kê ghép liền nhau, đóng thêm 2 hàng thanh gỗ sơ sài phía trên thành giường như một cách quây qua loa ngăn cách bé nhoài ra ngoài.


Một bé trai xanh rớt, đôi bàn tay nhỏ quắt loay hoay vì lỡ chui ra, tự làm kẹt đầu giữa 2 thanh rào chắn, trong khi một bé khác ngật ngưỡng bám ở bậc “thang” trên cùng, suýt ngã lộn ra ngoài. Bên trong 2 vuông chiếu trúc thâm đen, loang lổ vệt thuốc xanh, tím, 3 bé khác nằm, ngồi ngặt nghẹo.



Góc giường sát lối đi vào, một bé nằm úp sấp, thiêm thiếp ngủ, đôi mắt nhoen nước vẫn he hé trong giấc ngủ chưa sâu. Góc đối diện, sát tường, bé có vẻ nhỏ nhất trong “gia đình” với gương mặt xanh rớt, đôi mắt tròn đen mở to nhìn người lạ. Bàn tay em tẩn mẩn tự nghịch một đoạn dây vải buộc ở cổ chân phải, cột vào góc giường. Cổ chân hằn đỏ, ngấn một vết dây buộc. Hai chiếc giường quây liền, thò ra 6 sợi dây tương tự buộc sẵn ở những điểm góc.


Căn buồng nhỏ chứa đồ bên cạnh, chăn tã nhàu nát ùn đống, bình sữa gác lỏng chỏng trên giá, dưới sàn nhà. Một vỉ dính ruồi đen đặc “tử sỹ” ngay cạnh chiếc chạn con để cháo, bột cho trẻ. Một chiếc cũi, đồ vật duy nhất trông còn mới, đúng chuẩn cho trẻ kê gần cửa ra vào, 3 bé nằm ngồi, đàn ruồi vẫn vò vò quanh những vết lở chưa đóng vảy trên thân mình bọn trẻ.



Mỗi góc giường đều thòng sẵn những đoạn dây để buộc chân, giữ trẻ.



Chẳng đòi hỏi gì nhiều, những số phận “lỡ làng” có mặt giữa cuộc đời tự hài lòng với những điều kiện sống giản tiện nhất. 12 cháu bé, nhỏ thì 13 tháng, lớn đã hơn 3 tuổi cùng một vóc dáng không mấy khác nhau, gầy nhỏ, xanh xao và gương mặt ngơ ngác, chẳng mấy nụ cười. Hầu hết các bé thân thể lở loét, dày kín những vết mụn nhọt, chỗ tím bầm, chỗ đã đóng vảy, chỗ vẫn còn chảy nước. Tất cả đều chưa biết nói, chưa tập nói.



Hầu hết các cháu có biểu hiện viêm da, lở loét, mề đay bầm tím.


Hai “mẹ” nuôi xoay không kịp với việc chăm sóc 12 đứa trẻ. Những bình sữa pha bột nhão lạnh ngắt từ lâu, ấn tụt cả đầu núm vú, không mút được, các bé vẫn cầm khư khư thay đồ chơi. Phát hiện một bé gái ngồi giữa góc chiếu đã ướt đầm, “mẹ” Triển lột mảnh tã xô, xốc ra sân sau, vặn vòi nước lạnh từ bể, xả từ bụng bé xuống rồi lại một mảnh tã khác ốp vào. Những chiếc quần không cái nào có chun có cạp, một dải vải buộc chằng đụp phía ngoài, chồng lên lớp tã. “Mẹ” Triển vừa đứng dậy, “mẹ” Chảy đã bê bé khác xốc tới vòi nước.


Người phụ nữ chân tóc đã bạc quá nửa cười thành thật, thời gian thay tã, giặt giũ, cho các con ăn còn không đủ, nói gì đến việc dạy trẻ tập nói, tập chơi. 12 đứa trẻ đều có biểu hiện chậm nói, chậm phản ứng về ngôn ngữ.


2 kg gạo và 4 lạng thịt


Nuôi trẻ ở Trung tâm Việt Lâm từ ngày thành lập (năm 2006), “mẹ” Triển cho biết, đây là thời điểm ít trẻ nhất. Nửa năm trước, sĩ số vẫn là 43 cháu. Phần lớn trong số này lần lượt được đưa đi làm con nuôi các gia đình tại Pháp, số ít khác tại Ý.



2 dãy giường ghép gia cố thêm hàng rào vẫn không đủ an toàn cho trẻ.


12 số phận hai lần kém may mắn bị ách lại khi vụ gian lận nguồn gốc, làm giả giấy tờ trẻ bị bỏ rơi để đưa ra nước ngoài tại 2 trung tâm bảo trợ xã hội ở Nam Định (tháng 8/2008) bị khám phá. Thanh kiểm tra sau vụ việc này, Trung tâm bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Lâm cũng “dính án” tương tự. “Mẹ” Triển giải thích đơn giản: “Những cháu này, giấy khai sinh từ cấp xã xác định bị bỏ rơi, nhưng kiểm tra tại xã thì không có trường hợp nào bỏ con như vậy”.


“Cửa xuất” bị đình lại, nguồn tài trợ từ các tổ chức nước ngoài cũng cắt luôn 5-6 tháng nay. “Mẹ” Chảy kể: Nguồn sữa bị cắt ngay. “Gần 1 tháng trở lại đây, người từng nuôi dưỡng 2 bé gái tại trung tâm để chờ đi Mỹ nhưng bị phát hiện sai phạm, phải trả lại kêu gọi bạn bè ủng hộ, các cháu mới có sữa uống lại”.



Một cháu bé có mụn lở lan khắp mặt.


Mẹ “Triển” thì mỗi ngày được giao 1,2 kg gạo bột, 1,2 kg gạo cháo và 4 lạng thịt để lo cho bữa ăn của 12 đứa trẻ. Tiêu chuẩn 300.000 đ/cháu/tháng được quy thành 3 bữa ăn thiếu chất mỗi ngày. Bé nào cũng xanh, da dẻ bủng beo, nhẽo, chân tay, đến cả hơi thở cũng yếu ớt. Chậm phát triển, thèm hơi sữa, thèm được ôm bế, vỗ về là những biểu hiện xót xa đọc được qua những ánh mắt ngơ ngác, qua những vòng tay bé nhỏ bấu chặt, không gỡ ra được mỗi khi được bế của các bé.


Có xem lại những bức hình bụ bẫm, linh lợi khi mới ít tháng tuổi của 2 bé gái được ghép thành cặp sinh đôi để “xuất” đi Mỹ mới hiểu cuộc sống các bé đã chống chịu hơn 1 năm trở lại trung tâm. Ạnh Trần Viết Tâm tình cờ trở thành bố nuôi Phương, Phượng trong hơn 8 tháng để chờ thủ tục xuất cảnh ứa nước mắt kể lại cảm giác gặp lại con, một tuần sau khi trở lại nơi bảo trợ.



Hai chị em "sinh đôi" Phượng (trái) và Phương khi ở với bố nuôi...



Hai bé toàn thân kín vết mẩn đỏ, lở loét, đôi chân tím bầm, phồng rộp những mảng mề đay. Chừng 1 năm tuổi ở nhà anh Tâm, bé Phượng hiếu động, thông minh, học theo các chị chơi đàn Oóc-gan, bắt chước dùng điện thoại. Giờ thì đã gần 3 tuổi, cả 2 bé không cao hơn các em 14-15 tháng tại trung tâm, gầy nhẳng, chưa biết nói. Bé Phượng đôi mắt lúc nào cũng ngơ ngác ngước nghìn từ trong chiếc cũi do bố Tâm mang lên, nhiều biểu hiện thiểu năng trí não.



Và hơn 1 năm sau khi trở lại Trung tâm.


“Mẹ” Chảy nói ngắn gọn: “Số 2 con bé đen, đã đặt một chân sang Mỹ rồi còn hụt. Bố mẹ nuôi người Mỹ lấy mẫu kiểm tra ADN, kết quả 2 đứa không phải chị em, họ trả lại hồ sơ ngay”.


Giám đốc Trung tâm Tạ Quang Thuật chỉ thêm trường hợp khẩn của bé Huy, 13 tháng tuổi, thường xuyên ngất lịm, tím đen. Nhiều lần các “mẹ” nuôi phát hoảng vì hiện tượng “chết lâm sàng”, tưởng như không giữ lại được tính mạng của bé.


Ông Thuật cũng xác nhận, từ tháng 11 năm ngoái, Trung tâm Việt Lâm mất nốt nguồn tài trợ duy nhất còn lại trị giá 1.000 USD/tháng từ một tổ chức của Pháp, đơn vị đã “bao thầu” phần lớn số trẻ đã đưa ra nước ngoài làm con nuôi của trung tâm. Hoạt động với cơ chế tự hạch toán, thu chi, cuộc sống của 12 đứa trẻ “tồn” lại… hẫng hoàn toàn.



Không hiểu điều gì giữ chân 12 sự sống nhỏ bé, yếu ớt, không khả năng tự vệ. Bị ruồng bỏ, được cưu mang trong thiếu thốn, thứ duy nhất các bé có, không gì hơn là một bản năng sống, để tồn tại, để mong một ngày được sống cuộc sống thực sự của một con người…