Nó khóc như một đứa trẻ khi mà mẹ gọi người đến lôi em cún của nó đi, nó đau đớn hệt cái cảm giác mà nhà văn Nam Cao lột tả lão Hạc khi chia tay cậu Vàng vậy, chỉ tiếc là nó chưa già như lão Hạc mà thôi. Chẳng điều gì có thể xót xa hơn việc tiếp tay cho sự chia li và bất lực đứng nhìn. Gía như nó đừng im lặng?


Ngày...tháng.......năm....Mẹ Tũn hạ sinh bé cún, một bé cún trai kháu khỉnh của dòng họ. Nó chép miệng : "Chà...Chà...Con muốn được đặt tên là gì nào? Cô gọi con là Bi nhá!" Và chưa đợi thằng nhóc hồi đáp lại, nó nhấc bổng con cún con bằng con chuột nhắt lên, lau khô người và cắt rốn một cách gọn gàng rồi mau lẹ đặt lại trong lòng của mẹ Tũn. " Chào mừng thành viên thứ 9 của gia đình chúng ta!"


Những ngày sau đó, mẹ Tũn được đặt trong chế độ chăm sóc đặc biệt mà nó - cô chủ của dòng họ nhà cún đặt ra, chế độ dành cho bà mẹ nuôi con, thực đơn bao gồm thịt vụn dành cho chó, trứng gà và cá kho, tất cả được sắp xếp ngay ngắn trên chạn và được trao quyền cho bà chủ trước khi cô chủ lại ra thành phố, cũng thật may là khi mẹ Tũn sinh em Bi cũng đúng dịp nó về quê thăm nhà, nó vui vì lâu lắm rồi gia đình nó mới có thêm thành viên mới.


Một tháng trôi qua, Bi đã mở mắt và chập chững biết đi, nhìn cái chân bé xíu của Bi đang dò dẫm trên mặt đất mà nó không khỏi buồn cười khi mà cu cậu vừa đi vừa xoạc, thi thoảng chị mèo lại đến, giơ cái chân trước mặt Bi tát tát vài cái làm cu cậu sợ xanh mặt, mẹ Tũn thì chốc chốc lại đến liếm láp cho con, nhìn cảnh đó, nó chợt thấy lòng bình yên đến lạ.


Rồi khi Bi biết đi thành thạo cũng là lúc nó tiếp tục ra Hà Nội để hoàn thành nốt luận văn và lấy cái tấm bằng cho những năm tháng nằm gục ngủ vùi của nó, xa Bi, nó thấy buồn dlắm ù nó đã dặn dò mẹ thật kĩ về việc cho dòng họ nhà chó mèo ăn uống đầy đủ và việc để ý đến Bi vì nó có thể té ao bất kì lúc nào, cơ mà nó vẫn sợ mẹ quên khi mẹ bận việc đồng áng.


Bốn tháng trở về, Bi đã lớn lắm, chẳng còn nhận ra nó nữa, cu cậu sủa oang oang và trốn vào trong gầm giường mặc kệ mẹ Tũn vẫy cái đuôi quay tít ra chào đón nồng hậu, mãi hai ngày sau, cu cậu mới tập làm quen với nó bằng việc dùng hàm răng sắc nhọn của mình cắn tay nó đau điếng, đúng là trẻ con mà! Bi cứ như thế lớn dần lên một cách hồn nhiên với những hôm theo mẹ bắt chuột khắp cánh đồng, những tối thức chong chong canh người lạ và những lần cãi nhau kịch liệt với chị mèo đanh đá.


Một ngày, mẹ gọi người đến bán Bi, nó ra sức phản đối kịch liệt nhưng chẳng thể nào lay chuyện được ý mẹ, mẹ thở dài :" Thôi bán bớt đi con ạ, nhà nhiều chó quá, sau này mày đi làm thì mẹ ở nhà cũng không trông được!" Nó im lặng, buồn bã.


Người ta đến lôi Bi vào lồng khi cu cậu vừa đi chơi về, bát cháo còn chưa kịp ăn, tiếng kêu ăng ẳng làm trái tim nó như có ai đó bóp nghẹn, ở trong lồng còn có ba bốn con chó nữa, con nào con nấy đôi mắt ủ ê buồn đến thắt lòng. Nó quay đi, bật khóc!


Nó không ăn thịt chó, đó là cái cách mà nó dành tình yêu thương cho những con vật đã gắn bó với nó suốt thời thơ ấu, tuy nhiên, nó không thể giải thích được rằng tại sao người ta lại thích ăn thịt chó đến vậy, từ cái cách họ đang tâm kết thúc một sự sống đến cái cách nhồm nhoàm nuốt miếng thịt chó vào trong miệng, rồi chậc lưỡi khen ngon, nó không biết và không hiểu, phải chăng đó là cuộc sống?