Các bạn ạ, mấy hôm trước mình tình cờ đọc được một bài viết ở nhóm Review các trường tiểu học. Bạn chủ topic ấy đã bày tỏ tâm tư rất thật của bạn ấy khi con đang theo học lớp song ngữ Cambridge ở trường công lập. Tất nhiên, trước khi chọn hệ song ngữ cho con thì bạn ấy cũng đã được tư vấn, giải đáp các thắc mắc; bản thân bạn cũng đã rất sát sao, theo dõi việc học và đồng hành cùng con suốt thời gian vừa qua. Nhưng sau gần một năm học thì bạn rất băn khoăn khi phải đứng trước một quyết định khó khăn: nên tiếp tục theo học hệ song ngữ hay chuyển sang hệ CLC/hệ chuẩn, tức là học theo đúng chương trình chuẩn của BGD. Lý do bạn phải cân nhắc là vì:

1- Cảm giác con học hành vất vả và chưa thấy được lợi ích/sự thay đổi về tư duy.

2- Mẹ phải luôn đồng hành cùng con, học thêm cùng con mỗi tối.

3- Con có vẻ chật vật khi tiếp thu kiến thức hệ Cam nên mẹ phải giảng lại bài cho con, vì vậy ko còn thời gian để tự học các môn VN ở nhà.

Là một phụ huynh đã có con hoàn thành bậc tiểu học hệ song bằng Cambridge và đồng hành cùng con suốt 5 năm tiểu học, “soi” tỉ mỉ các bài học/bài tập của con, mình rất muốn được chia sẻ góc nhìn của bản thân đối với hệ song bằng/song ngữ với các bạn, hy vọng nó sẽ có ích cho các bạn đang tìm hiểu về hệ này.

I. NÊN CHỌN HỆ SONG BẰNG HAY SONG NGỮ Ở BẬC TIỂU HỌC:

Trước tiên, mình nghĩ cần phải làm rõ 2 khái niệm: song bằng và song ngữ. Hiểu một cách đơn giản, hệ song bằng, là cùng một lúc học các môn bắt buộc của cả 2 chương trình Cambridge và chương trình VN của Bộ Giáo dục. Học sinh sẽ được ghi học bạ/cấp chứng chỉ của cả 2 chương trình.

Hệ song ngữ, là chọn một hệ chính để triển khai các môn học bắt buộc (thường là chương trình VN của BGD) và học thêm một số môn khác bằng ngoại ngữ như Maths, Science, ICT, ELA… Điểm và đánh giá của hệ chính sẽ được ghi vào học bạ.

Vậy, rốt cuộc là phụ huynh nên chọn hệ SONG BẰNG hay SONG NGỮ để con theo học ở cấp tiểu học?

Mình cho rằng, việc chọn hệ nào là tùy thuộc MỤC TIÊU giáo dục của từng gia đình. Chúng ta nên cân nhắc lợi ích tốt nhất mà hệ ấy có thể đem lại để làm cơ sở quyết định.

Nếu chọn hệ song bằng thì có thể đạt được những lợi ích tốt nhất khi tốt nghiệp tiểu học:

– Tiếng Anh thành thạo cả 4 kỹ năng Nghe nói đọc viết ở trình độ B2, B2+ (Có bạn đạt tới cả C1 nhưng cũng hiếm lắm nên mình ko đưa ra làm ví dụ)

– Trình độ Maths và Science tương đương cấp tiểu học quốc tế dù là theo hệ Cambridge hay hệ Mỹ.

– Có đủ các kiến thức và kỹ năng theo chương trình chuẩn của BGD (toán, tiếng Việt, tin học, giáo dục công dân…)

Với hệ song ngữ: tuy con mình không học hệ song ngữ ở tiểu học nhưng căn cứ trên chương trình học, mình mạn phép đưa ra nhận xét là, nếu chọn hệ song ngữ thì lợi ích tốt nhất sẽ là:

– Tiếng Anh thành thạo cả 4 kỹ năng Nghe nói đọc viết ở trình độ B2, B2+ (như hệ song bằng hoặc cao hơn nữa.

– Có khái niệm và tư duy về Maths và Science (mình ko so sánh chuẩn đầu ra về Maths và Science, vì hệ song ngữ sẽ ít áp lực phải đạt các mốc kiến thức bằng mọi giá, không như hệ song bằng).

– Có đủ các kiến thức và kỹ năng theo chương trình chuẩn của BGD (toán, tiếng Việt, tin học, giáo dục công dân…) vì là chương trình học thuật chính.

Như vậy, tùy theo mục tiêu giáo dục của mỗi gia đình để phụ huynh chọn hệ song ngữ hoặc hệ song bằng ở cấp tiểu học cho con mình. Khi có mục tiêu cụ thể, chúng ta sẽ dựa vào đó để xây dựng kế hoạch đồng hành cùng con, nhằm giúp con giảm áp lực học tập và đạt được kết quả học tập tốt nhất, tiết kiệm thời gian và chi phí.

II. CÓ BẮT BUỘC PHẢI ĐỒNG HÀNH CÙNG CON KHI HỌC SONG BẰNG/SONG NGỮ KHÔNG?

Mình thấy có một câu hỏi rất phổ biến là: em muốn tìm một trường song bằng/song ngữ có thể đảm nhận tất cả việc học hành của con, bố mẹ không cần phải đồng hành/sát sao, vì em không biết tiếng Anh (hoặc không có thời gian, v.v…) Hoặc, em cần một trường mà con không cần phải đi học thêm vì cũng không đặt mục đích con phải hàng top, chỉ cần con ở mức khá, và cứ thế lên liên cấp v.v…

Sau nhiều năm quan sát, mình nhận thấy là, việc chúng ta “không cần con học giỏi” đã vô tình tự giới hạn khả năng của các con, tự hạn chế động lực/năng lực phấn đấu của các con. Các con không được như “con người ta” chỉ vì đã không theo một lộ trình “giống như con người ta” mà thôi.

Bản chất thành tựu của các con không phải đến từ tố chất, mà đến từ sự chăm chỉ rèn luyện và tích lũy kiến thức đều đặn từng ngày, kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”. Vì thế, chương trình học nào cũng tốt, trường nào cũng có thể là trường xịn, lớp nào cũng có thể là lớp chọn, lộ trình nào cũng đem lại kết quả, miễn là con chăm chỉ từng ngày, học đến đâu chắc đến đấy và hiểu rõ bản chất. Một bạn thông minh chỉ cần 15ph để lĩnh hội 1 kiến thức, 1 bạn “chậm mà chắc” có thể cần đến 60ph hoặc 90ph để lĩnh hội, nhưng khi đã hiểu rồi, bạn “rùa” có thể ghi nhớ rất lâu và ứng dụng rất tốt.

Ở bậc tiểu học, có những môn trắc nghiệm được dạy kiểu “cày đề”, ôn đi ôn lại các đề ôn tập rồi cô chữa đề rất kỹ. Khi đi thi, đề thi có thể giống đề ôn đến 90% hoặc biến đổi rất ít. Trẻ cứ thế nhắm mắt tích vào câu trả lời đúng, điểm vào sổ sẽ rất cao nhưng con có thực sự nắm vững kiến thức hay không thì lại là chuyện khác.

Để tránh trường hợp này, tốt nhất là bố mẹ chịu khó sắp xếp thời gian để tự mình kiểm tra bài vở của con mỗi ngày (nếu ko làm được thì thuê gia sư). Xem kỹ những câu sai/bài giải sai, giảng lại cho con cho đến khi bạn chắc chắn là con nắm vững được kiến thức đó. Bố mẹ cứ nghĩ là việc đồng hành cùng con sẽ rất mất thời gian và không hiệu quả; rằng bố mẹ không có kiến thức sư phạm thì ko nên tự dạy con học. Thật ra, việc “đồng hành cùng con” mang ý nghĩa về tinh thần là nhiều; và hoàn toàn không phải là bố mẹ phải ngồi kè kè kèm con từng tí một. Chỉ cần bố mẹ bỏ ra mỗi tối khoảng 15-30ph với trẻ lớp 1, khoảng 60ph với bạn nhỏ lớp 4-5, chủ yếu để nắm được con đang học gì, con có gặp khó khăn gì trong việc tiếp thu và làm bài tập được giao không; con chưa hiểu rõ phần nào thì bm giảng lại. Thường thì việc “đồng hành” chủ yếu để truyền đạt thông điệp “bố mẹ luôn bên con” bởi vì đa số các con đều có thể theo kịp chương trình được giảng dạy trên lớp.

III. MỘT CHƯƠNG TRÌNH HỌC “KHÓ” SẼ GIÚP CON CÓ ĐỘNG LỰC ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC MỘT MỤC TIÊU CỤ THỂ

Khi theo học hệ song bằng, các con sẽ có những mốc kiến thức bắt buộc phải đạt được, cũng ví như việc đạt được các danh hiệu học sinh xuất sắc, học sinh giỏi vậy. Những mốc kiến thức đó rất cụ thể, ví dụ, lớp 1 con có thể thi chứng chỉ Starters, lớp 2 – Movers, lớp 3 – Flyers, lớp 4 là KET và lớp 5 là PET. Lớp 5, con sẽ tham gia kỳ thi Check Point Primary, một kỳ thi cấu trúc giống như “tốt nghiệp tiểu học”, không hề dễ, dùng để đánh giá toàn bộ quá trình học Cambridge Primary của các con.

Nếu chăm chỉ, chuyên cần học hàng ngày, học đến đâu hiểu đến đó và chịu khó cho con đọc thêm sách, xem thêm clip trên YouTube; chăm chỉ làm các phiếu bài mỗi ngày… không cần phải vất vả luyện lò, cũng không cần phải học thêm tốn kém; nếu như bố mẹ có vốn tiếng Anh tốt một chút để tự mình kiểm tra việc học của con, thì kết quả đạt được vào cuối cấp tiểu học sẽ khiến bố mẹ ngạc nhiên đấy.

Để con ko quá vất vả với việc học, bố mẹ cũng ko phải đầu tư tiền bạc quá nhiều, thì chúng ta nên chia nhỏ mục tiêu ra cho 3 giai đoạn tiểu học – THCS – THPT, và quyết tâm đạt bằng được mục tiêu cho từng giai đoạn. Ví dụ, có thể đặt mục tiêu hết lớp 5 con đạt trình độ tA tương đương B2 + ngữ văn (tiếng Việt). Hoặc TA + Khoa học; TA + Toán nâng cao; hoặc TA + Tin học…

IV. HỌC SINH HỆ SONG BẰNG/SONG NGỮ CÓ KẾT QUẢ ĐẦU RA TỐT KHÔNG?

Vì khóa tiểu học 2019-2024 chưa chính thức tốt nghiệp tiểu học nên mình xin lấy kết quả của khóa 2018 – 2023 để tham chiếu. Có thể nói, các bạn nhỏ học tiểu học song bằng/song ngữ mà mình biết thì đều có kết quả học tập rất ổn, 4 kỹ năng tiếng Anh rất tốt lại kèm thêm cả kiến thức Toán VN, toán TA; những bạn học ở các trường có dạy Science thì được thêm cả kiến thức về KHTN nữa. Phải nói là lý tưởng. Coi như các con đã sớm hoàn thành mục tiêu tiếng Anh từ tiểu học để tập trung vào các môn học khác ở cấp THCS.

Ngoài ra, các trường song bằng/song ngữ đều có chương trình học khá tốt, cân bằng và hài hòa các môn học và các kỹ năng. Nhờ thế, các con vẫn có được nền tảng toán VN, tiếng Việt, tin học, các môn Văn – Thể – Mỹ đủ để tiếp tục theo học cấp THCS ở bất cứ môi trường nào: quốc tế, song bằng, song ngữ, CLC, công lập, tư thục… tất cả đều ổn mà không cần hoặc chỉ cần bổ sung thêm một ít.

Tất nhiên, để đạt được trình độ như vậy, việc theo học song bằng/song ngữ không dễ dàng như “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhưng cũng chẳng có gì là “mất hết tuổi thơ” hay “gà công nghiệp”; các con chỉ đơn giản là học hành chăm chỉ, cần mẫn tích lũy kiến thức từng ngày, học đến đâu chắc đến đó và có tinh thần tự học. Thậm chí, hoàn toàn không cần phải học thêm bên ngoài nếu như con theo học một trường song bằng/song ngữ tốt.

Theo mình, mầm non và tiểu học là khoảng thời gian phù hợp nhất để các cháu theo học cả 2 chương trình để đồng thời hấp thụ nền tảng kiến thức bằng cả 2 ngôn ngữ. Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam ngày càng tiến tới tiệm cận với mặt bằng chung của thế giới, biểu hiện ở việc các chứng chỉ quốc tế như IELTS, SAT, IB, A-level, AP… ngày càng phổ biến, cùng với các chương trình liên kết giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh ở bậc đại học và sau đại học, thì việc theo học hệ song bằng ở cấp tiểu học là sự chuẩn bị sớm rất hữu ích cho các con. Nếu như việc học được ví như một chặng đường marathon, thì học song bằng/song ngữ ở tiểu học giống như bước chuẩn bị thể lực một cách tự nhiên và an toàn. Các bạn nhỏ tốt nghiệp tiểu học xong là sử dụng tiếng Anh thành thạo như tiếng Việt, có thể theo học tiếp tục các chương trình THCS như học sinh quốc tế; hoặc theo học các trường CLC, đồng thời học thêm các môn học thuộc chương trình Cambridge hoặc Mỹ để sau đó thi các chứng chỉ IELTS, SAT; hoặc chinh phục các mục tiêu A-level, IB, AP. Và cả trường chuyên, đặc biệt là với các môn chuyên như ngoại ngữ và KHTN.

Tiếng Anh (và khả năng tư duy bằng tiếng Anh) sẽ luôn là “mơ ước cháy bỏng” của phụ huynh và học sinh. Thế nhưng, đó lại là môn học “dễ” nhất trong tất cả các môn, nếu như các con được thiết kế một lộ trình phù hợp và bắt đầu từ sớm.

Flex by mẹ Nguyet Anh

chi tiết: https://gomnhom.com/dong-hanh-cung-con/co-nen-chon-truong-song-ngu-o-bac-tieu-hoc-khong/