Trong thời buổi việc thì ít người thì nhiều này, câu hỏi ai oán kia cũng dễ bắt gặp cùng với những thở than về thế thời và đường công danh tiền tài lận đận. Nhưng vì sao bạn mãi thất nghiệp, vì sao không công ty nào nhận bạn, hẳn cũng có lý do.



Bạn lười tìm việc






Nghe vô lý quá hả? Nhưng lười tìm việc không có nghĩa là không tìm mà là tìm chưa đủ. Một khi đã thất nghiệp rồi, hãy xem việc tìm việc là công việc chính và toàn thời gian của bạn. Hãy tìm mọi nơi, mọi cách từ các website tuyển dụng, từ trang quảng cáo trên báo, từ bạn bè và người quen, từ mạng xã hội. Và cũng hãy dành thời gian để chuẩn bị và chỉnh sửa CV và thư xin việc cụ thể cho từ công ty bạn ứng tuyển chứ đừng đem rải hồ sơ chung chung cho khắp mọi nơi.



Bạn đi phỏng vấn quá tệ



Nếu may mắn vượt qua vòng loại hồ sơ, bạn sẽ được gọi phỏng vấn. Và rồi bạn bị loại ngay vòng gửi xe của cuộc phỏng vấn. Vì sao? Bạn ăn mặc tuỳ tiện, đến trễ, thái độ không nghiêm túc và thiếu tôn trọng, thể hiện mình thái quá, chăm chăm hỏi quyền lợi, yêu cầu lương trên trời và đưa ra giới hạn về những thứ không muốn làm. Mời bạn đi về và tiếp tục tìm việc khác nhé!



Bạn xăm trổ xỏ khuyên lộ liễu



Nếu bạn không làm việc trong ngành giải trí và sáng tạo, tốt nhất là đừng bấm lỗ xăm mình ở những nơi lộ liễu như mặt, tai, cổ, bàn tay. Những công ty lớn có văn hoá và tác phong lịch thiệp có thể âm thầm gạt những ứng viên xăm trổ xỏ khuyên hầm hố ngay từ cái nhìn đầu tiên, và cuộc phỏng vấn có khi chỉ là nói cho qua chuyện.



Bạn không cạo râu



Râu ria xồm xoàm có lẽ trông cũng khá đàn ông và hấp dẫn, nhưng chỉ với các cô gái ở quán nhậu. Trước khi đi phỏng vấn một hai hôm, hãy cắt tóc cạo râu cho tươm tất nếu bạn không muốn nhà tuyển dụng nhìn bạn như một tên thất nghiệp lâu ngày chẳng còn biết đến phép lịch sự tối thiểu nhất cho những cuộc gặp quan trọng. Với lại, râu ria nếu không được chăm sóc tử tế khiến bạn trông già và bệ rạc, thiếu sức sống và sự năng động cần thiết cho công việc.





Bạn đòi lương trên trời



Kinh tế khó khăn cũng đồng thời ảnh hưởng đến mức lương chung. Nếu bạn vẫn cứ bảo thủ với suy nghĩ lương của mình phải thế này thế nọ, phải cao hơn trước thì bạn cũng đang tự gạt bỏ lợi thế cạnh tranh của mình và từ chối luôn rất nhiều cơ hội nhận việc khi so với ứng viên khác. Hãy biết nhạy bén với thời thế và biết lùi khi cần thiết, còn không thì bạn chỉ mãi là kẻ thất bại ngửa mặt than trời bất công nên công danh lận đận.



Bạn chấp nhận công việc dưới sức



Trái lại với việc đánh giá mình và đòi lương quá cao, nhà tuyển dụng cũng sẽ không ưu ái bạn nếu bạn ứng tuyển vào một vị trí thấp hơn nhiều so với kỹ năng và kinh nghiệm của bạn. Có thể hiểu được rằng bạn quá mệt mỏi vì mãi không tìm được công việc phù hợp và sẵn sàng chấp nhận những việc dưới tầm, nhưng có lẽ lúc này bạn nên nghĩ đến chuyện đầu tư làm riêng thì hợp lý hơn.



Bạn nộp đơn ứng tuyển mà không hề suy nghĩ



Dù có cùng quẫn để tìm được việc tới đâu, thì hãy nhớ nguyên tắc này: “chỉ ứng tuyển nếu bạn đáp ứng được từ 60% yêu cầu trở lên.” Nhiều công ty muốn tuyển nhân sự có chất lượng đã không còn chọn cách đăng quảng cáo tuyển dụng trên mục “việc tìm người” của các báo vì họ đã có kinh nghiệm quá đau thương và mệt mỏi khi nhận được hàng đống đơn xin việc từ cả những người thậm chí còn chẳng đáp ứng được 1% nào yêu cầu tuyển dụng. Bạn muốn bị nhà tuyển dụng liệt kê vào danh sách “spam” không?



Bạn hút thuốc như ống khói



Tất nhiên chẳng ai dại mà hút thuốc trong khi phỏng vấn cả, nhưng chính hơi thở và mùi cơ thể của bạn sẽ tố cáo bạn. Nhiều nhà tuyển dụng, đặc biệt là phụ nữ, sẵn sàng từ chối các ứng viên nặng mùi thuốc lá. Hút thuốc không chỉ gây hại cho sức khoẻ của bạn mà sẽ khiến hình ảnh của bạn kém chuyên nghiệp. Nếu bạn làm nhân viên kinh doanh, mùi thuốc lá có thể khiến bạn mất hợp đồng vì một số khách hàng khó tính không muốn nói chuyện với cái ống khói. Nhân viên nghiện thuốc lá cũng thường hay đau ốm hơn, và công ty nào sẽ muốn nhận và trả bảo hiểm cho một nhân viên như vậy? Vậy đó, bạn đã có thêm động lực để bỏ thuốc lá rồi phải không?



Bạn có thái độ và cung cách khó ưa



Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Nếu bạn đến phỏng vấn với một trong số các thái độ và cung cách sau: kiêu ngạo, kẻ cả, bất cần, cười cợt, xấc xược, cau có, bi quan, than thở, uể oải, buồn bã, chán nản, xuề xoà, vòng vo, láo liên…. thì cũng đừng ngạc nhiên nếu nhận được lời từ chối.



Ngoài ra, nếu bạn có dấu hiệu trầm cảm, không kiểm soát được cảm xúc, dễ xúc động, dễ khóc và mặt mũi bơ phờ hốc hác thì tốt hơn là nên đi gặp bác sỹ thay vì đi phỏng vấn. Như vậy có ích hơn cho bạn và cũng đỡ mất thời gian.





Bạn tỏ ra cay cú với công ty cũ



Trước khi đi phỏng vấn, hãy vượt qua tâm trạng bất mãn vì bị sa thải hay cắt giảm ở công ty cũ đã. Nhà tuyển dụng có thể hỏi vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ chứ không ai hỏi có phải bạn bị sa thải không, nên đừng tự thổi bùng cơn tự ái và giận dữ của mình lên, vì nó sẽ đốt cháy luôn cả cơ hội nghề nghiệp mới của bạn. Bạn có rất nhiều cách để trả lời câu hỏi lý do thôi việc ở công ty cũ, nhưng chỉ cần nhớ một điều là đừng đính kèm nó với một thái độ tiêu cực, như hằn học hay chỉ trích chẳng hạn.



Bạn không làm đúng yêu cầu tuyển dụng



Có một thực tế là rất ít ứng viên thực hiện đúng quy trình về nộp hồ sơ ứng tuyển, dù thông tin này luôn được nhà tuyển dụng ghi rõ. Một số công ty thoải mái có thể bỏ qua việc này, nhưng rõ ràng là bạn đã chứng minh rằng bạn còn chẳng đọc cho hết thông tin tuyển dục và ý thức chấp hành mệnh lệnh kém cỏi cho nhà tuyển dụng thấy rồi đó.



Bạn nói chuyện chẳng liên quan



Ngay cả bạn có quen biết trước ai đó trong số những người đang phỏng vấn bạn thì cũng đừng nói ra ngoài câu chuyện quan trọng nhất ở một cuộc phỏng vấn là kỹ năng, kinh nghiệm và các phẩm chất phù hợp với công việc của bạn. Thể hiện mình không có nghĩa là kể chuyện cuộc sống của bạn, hãy nói những chuyện liên quan đến công việc, còn cuộc sống của bạn chẳng liên quan đến ai ở cuộc phỏng vấn này cả.



Bạn trả lời vòng vo và lảng tránh vấn đề



Khi được hỏi, hãy trả lời đúng những gì nhà tuyển dụng cần biết qua câu hỏi đó, quanh co chỉ càng làm lộ điều bạn muốn giấu hoặc bạn không có câu trả lời cho điều mà họ muốn nghe. Mọi người thường hay lảng tránh khi được hỏi về nhược điểm của mình bằng cách nói vòng vo sang chuyện khác. Việc này tốn của bạn khá nhiều chất xám, mất thời gian của cả đôi bên và khiến nhà tuyển dụng phát bực.






Bạn không biết giao tiếp



Trả lời thẳng vào câu hỏi là tốt rồi, nhưng đừng để nhà tuyển dụng phải cố gắng cậy thông tin từ miệng bạn. Nếu bạn không thể giao tiếp được, bạn sẽ rất khó nhận được việc. Và nếu có phép lạ xảy ra, và bạn được nhận, sự kém cỏi trong giao tiếp sẽ khiến bạn khó mà giữ được công việc của mình.



Bạn không chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn



Điều này quá rõ ràng. Bạn nghĩ mình cứ thế mà đi phỏng vấn và nếu may mắn sẽ chiến thắng một ứng viên chuẩn bị kỹ càng cho cuộc phỏng vấn? Không bao giờ có loại may mắn đó. Hãy tìm hiểu thông tin về công ty, về vị trí ứng tuyển, dự đoán những câu hỏi bạn có thể nhận được và những câu nên hỏi, và thậm chí nên giả vờ phỏng vấn trước ở nhà để thêm tự tin.



Lôi tên người quen vào cuộc phỏng vấn



Nếu bạn không phỏng vấn vào công ty nhà nước, tốt nhất đừng lôi tên ai vào cuộc phỏng vấn chỉ để khoe với người phỏng vấn là bạn quen người này người kia trong công ty, hoặc để chứng minh bạn quen biết với người quen trọng hoặc đơn giản chỉ là để cố gắng tìm điểm chung với người phỏng vấn là bạn và họ cùng quen một người. Bạn khó có thể biết được quan hệ của người phỏng vấn với người được nhắc tới, nên trò khoe khoang quen biết này có thể trở nên rất ngu ngốc đấy.



Bạn thấy đấy, chuyện gì cũng có nguyên nhân và lý do của nó. Nhiều người nghĩ rằng mình kém may mắn về công danh nên cứ mãi thất nghiệp, chuyện may mắn thì cũng có thể có nhưng chủ yếu là do bạn thôi.