Người Việt Nam có nhiều thói hư tật xấu?

Dân hai lăm triệu ai người lớn

Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con.

- Tản Đà

img_0Tôi để bức ảnh ở đây cho bài viết bớt phần u tối.

Thuở nhỏ, tôi thường tự hào về nguồn gốc "Con Rồng cháu Tiên" của mình, vui lắm khi biết dân tộc Việt Nam có nhiều truyền thống "cần cù, hiếu học,..."  Thế nhưng càng lớn, tôi càng nhận ra có gì đấy không đúng lắm, thậm chí bây giờ, kể cả dòng chữ về nguồn gốc ở trên có viết thường hay in hoa lên cho to, cho đậm, cho rõ nét thì cũng chẳng thể nào che đi cái "xấu xí" của người Việt mà tôi gặp thường ngày.

Buổi tối tôi thường xem thời sự và lướt web, không khó để thấy vài dòng tin về thói xấu của người Việt từ trong nước ra nước ngoài. Từ ăn cắp vặt, đái bậy, ồn ào nơi công cộng,... cho đến chặt chém, hôi của,... Lướt lướt tí là ra vài cái bảng thông báo song ngữ từ Việt - Trung, Thái - Việt đến Anh - Việt,... "nhắc khéo" người Việt đừng nghịch ngu kẻo con dại cái mang, họ tốt phết nhỉ? Tôi kể ra như thế là có chọn lọc, chứ nói ra cho đủ cho đầy ắt hẳn nhiều người sẽ nóng mặt lắm. Vì tôi cũng đã rất nóng mặt, nên biết. Mỗi lúc như thế, tôi thường thở dài ngán ngẩm rồi đi ngủ, hơi chạnh lòng nhưng có lẽ vẫn còn chút gì đấy để tự hào giống nòi của mình. Chắc là "con sâu làm rầu nồi canh thôi", tôi nghĩ.

Ấy thế nhưng đến hôm sau, mặt tôi hết nóng lại lạnh rồi lại chuyển sang nửa bên trái nóng, nửa bên phải lạnh. Sáng sớm ai cũng vội vã đi làm, còi bấm inh ỏi cứ như để khoe "Xe của bố mày có còi và còi còn rất to nữa, xem này!", người nào người nấy thi nhau "tin tin" nghe như một bản hòa ca với giai điệu "Hồ Gươm sáng sớm" được metal rock hóa. Đầu tôi ong hết cả lên, đĩa cơm sườn quyện cùng tí bụi đường ngon lành thế cũng chả thể nào nuốt nổi. Đến trưa, cứ tưởng tranh thủ chợp mắt được tí ở cơ quan, các cô các cậu nhân viên tụ lại tụ tập lại cùng bấm điện thoại cười hú hí, thỉnh thoảng âm lại cao vút hí hí như ngựa rồi lại trầm xuống thì thầm nhưng tôi cách đấy gần nửa trăm mét vẫn nghe. Chả nhẽ lại cho mỗi đứa một cái ghế chứ? Thôi, bọn trẻ đang vui thế ai lại nỡ phá, tôi cắn môi tự dỗ bản thân, dỗ xong thì cũng hết luôn giờ nghỉ trưa. 

Chiều về, lòng hân hoan như mở hội, đường phố cũng thế các ông các bà ạ... Làn nào làn nấy chật kín, cứ hở ra thì là có xe chèn vào ngay, nhịp nhàng đến kì lạ! Mỗi 5p lại chèn được vài lỗ trống, thế là sau hơn hai giờ tôi cũng về được nhà cách cơ quan hơn 6km một tí, thế là nhanh rồi nhỉ? Tắc đường xe đứng im có vẻ mọi người sợ buồn, ai cũng tranh thủ bóp còi cho vui tai, vài trăm cái cứ thi nhau hú hét như vậy. Mặt mày ai cũng bơ phờ cả, tôi thấy tội tội, gò má ướt mồ hôi, bụi đường xám hết cả mặt, mắt đùng đục,... ôi chao sao phải khổ sở để rồi ai nấy "xấu xí" thế này? Đường rộng thế kia đi nghiêm chỉnh thì tắc thế đéo nào được cơ chứ...

img_1Thông báo tại công viên của một quận ở Hàn Quốc

Những cái tôi vừa kể có lẽ chả xấu tí nào cả, có người còn thấy đẹp, có khi còn nâng nó lên thành "bản sắc dân tộc" để mà cười khi nhớ về "hình ảnh người Việt thân thương chất phác". Thật ra những người xung quanh tôi dù thân đến mấy cũng mắc nhiều cái xấu, tôi vẫn thường phải quay đi chỗ khác nhăn mặt vì ngại nói thẳng. Thỉnh thoảng, tôi vẫn góp ý với người trong gia đình bỏ bớt những thói quen xấu, không phải cứ việc nhiều người làm và đã làm từ lâu là việc đúng. Người Việt có một cái xấu là không chịu nhận cái xấu của mình. Họ có nhiều cách để phủ nhận điều này, ngụy biện "ở đâu chả có người này người kia", rồi bảo rằng nước ngoài cũng có thì nước mình có cũng là chuyện bình thường (ngụy biện "hai sai thành một đúng"),... vân vân mây mây các thể loại. Cái xấu của người Việt có lẽ tôi không cần phải liệt kê thêm làm gì. Có nhiều cái xấu thể hiện ra rành rành nhưng họ chối biến đi, coi như không nghe không thấy và thế là tự phủ nhận luôn sự tồn tại của nó. Có nhiều người lại cố tình đánh tráo khái niệm, tư duy nhị phân cho rằng hoặc là tự hào hoặc là tự làm nhục dân tộc, chứ không thể cùng tồn tại cả tự phê bình cái xấu và tự hào cái tốt. Nhưng đấy là trước kia thôi, còn giờ có lẽ ai cũng lờ mờ nhận ra "đàn sâu làm rầu nồi canh" chứ chả phải một vài con nữa rồi. Từ những người dân thường, trí thức,... cho đến những người nổi tiếng đang "góp phần" làm xấu đi bộ mặt quốc gia ngày qua ngày. Âu cũng là do sự phớt lờ cái xấu có hệ thống mà nên?

Về phong trào phê bình thói xấu của người Việt (hay còn gọi là phê bình dân tộc) đã có từ những năm 19xx, khi ấy những Trần Trọng Kim, Phan Khôi đã nhiều lần lên tiếng phê phán xã hội đương thời. Tuy nhiên, do dòng vận động của thời đại, cái cần thiết là văn học cách mạng chứ không cần văn chương hiện thực nên vì nhiều lý-do-ai-cũng-biết-là-tại-sao-đấy, tiếng nói của họ dần trôi vào quên lãng. Có nhiều người phê bình xong thì mất bạn, có nhiều người tìm tòi đổi mới ở phương Tây thì bị cho rằng "thèm bơ sữa Tây", chán ngán lắm! Tuy thế, cái gì vận động ắt phải vận động, vài ba hòn đá tảng không ngăn được dòng nước mạnh. Đỉnh cao là vào đầu năm 1956, sự kiện Nhân Văn - Giai Phẩm (có sự tham gia của nhiều văn nghệ sĩ có tiếng: Văn Cao, Phùng Quán, Nguyễn Mạnh Tường, Phan Khôi,...) đã cho thấy các nhà nghệ thuật không hề muốn hèn nhát im lặng nhìn nền văn nghệ dân tộc dần chết đi, nhưng chỉ đến tháng 6 phong trào đã phải kết thúc hoàn toàn. Cũng vào năm 1956, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã có vài sự kiện đáng lưu ý: Đảng ra tuyên bố công khai thừa nhận các sai lầm trong chiến dịch cải cách ruộng đất và một số lĩnh vực khác. Tổng bí thư Đảng Trường Chinh cùng với Thứ trưởng Nông lâm Hồ Viết Thắng từ chức.

"Lâu nay, chúng ta chỉ biết Phan Bội Châu đánh Pháp ra sao, xuất dương, Đông du thế nào, còn những tài liệu cụ chê dân mình mất đoàn kết, tầm nhìn hẹp, học để kiếm gạo... đều không nhắc tới.


Còn Nguyễn Trường Tộ, người ta chỉ thấy tế cấp bát điều của cụ thôi, chưa thấy cách cụ đã đo người Việt Nam bằng cái con mắt thế giới. Cụ Phan Chu Trinh cũng nói về dân tộc mình rất nặng nề" (Trích lời nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn)

Trước đó, ca dao dân ca Việt Nam cũng có không ít câu nói về thói xấu của người Việt: siêng ăn nhác làm, khôn vặt, tham lam, ích kỉ,...

Dòng chảy phong trào phê bình dân tộc không liên tục, bị tắc nhiều đoạn do nhiều lí do khác nhau. Đến thời điểm này, cái gì bị ém lâu quá lại càng bung mạnh, chính vì thế các bậc trí thức đương thời đang muốn khơi lại phong trào này. Chúng ta có cố GS Trần Quốc Vượng, GS Cao Xuân Hạo bày tỏ ý định làm sách về thói xấu người Việt Nam nhưng chưa thành, đến lượt nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn quyết tâm cho ra mắt cuốn sách hứa hẹn hấp dẫn này.

 GS Cao Xuân Hạo từng chia sẻ "Bấy lâu các tác giả viết về tính dân tộc và “bản sắc” của dân tộc ta, dù là những chuyên gia về dân tộc học hay là những tác giả nghiệp dư, không trừ một tác giả nào, đều đã hết lời ca ngợi những cái hay cái đẹp của dân tộc ta. Những cuốn sách và những bài vở tự ca ngợi như thế rất cần cho chúng ta, ít nhất là để nâng cao niềm tự hào dân tộc và khắc phục tâm lý tự ti vốn thường thấy ở những dân tộc nhỏ yếu đã từng lệ thuộc ngoại bang trong những thời gian dài. Tự ca ngợi là việc rất cần làm trong những thời kỳ mà ta phải đương đầu với những kẻ thù mạnh hơn ta gấp bội. Nhưng có một điều quan trọng không thể quên: người Việt Nam cũng là người chứ không phải là thần thánh. “Con rồng cháu tiên” chẳng qua là một huyền thoại, chứ thật ra chúng ta cũng chỉ là con cháu của cha ông ta, vốn là những con Người, không hơn không kém, dù cái danh hiệu này có viết hoa hay viết chữ thường. Trong khi say sưa tự ca ngợi, khá nhiều tác giả quên mất một sự thật quan trọng: mình không phải là người theo chủ nghĩa đế quốc hay chủ nghĩa vị chủng. Chỉ có người theo chủ nghĩa vị chủng mới cho rằng dân tộc mình là “ưu tú nhất”, là sinh ra để dìu dắt các dân tộc khác, để khai hóa cho họ trở thành văn minh và ưu tú như mình, vì các dân tộc khác còn man rợ và kém cỏi, không thể thiếu sự hướng dẫn và ban ơn của mình, một dân tộc thượng đẳng có quyền và có sứ mệnh dìu dắt họ thoát khỏi tình trạng mông muội."

img_2GS Trần Ngọc Thêm

Còn như GS Trần Ngọc Thêm, ông nhiều lần đã lật lại lời khen của mình, cho rằng "Không thể tự khen là cần cù được" hay "Hiếu học là một sự ngộ nhận".

Hay như ông phó chủ tịch FPT từng lên tiếng phân tích "Vì sao người Việt nghèo?", lời của ông bị mổ xẻ từng từ từng chữ, ai cũng chỉ mong sao chứng minh ông đã sai chứ không hề nhìn ra một sự thật hết sức hiển nhiên đang tồn tại: người Việt chỉ giỏi khôn vặt. 

Ngày nay, các bậc trí thức tân thời đang dần nhận ra tính cần thiết cấp bách của phê bình dân tộc, vì cần phải có phê bình, và phải phê bình cho đúng thì xã hội mới đi lên được. Cái gì cũ thì cần bỏ. Giả như một giá trị nhân văn lâu đời sừng sững như một bức tường, âu cũng là vật cản bước trên con đường tiếp thu cái mới. Cuộc sống là vận động không ngừng nghỉ, cần phải vừa bỏ vừa nhặt. Bỏ cái nào, nhặt cái nào, cần có một hệ thống chuẩn mực sâu sắc, mà phải nhờ sự uyên thâm của các nhà làm văn hóa tâm huyết thì may sao có thể dẫn lối cho cả dân tộc được.

Ấy là nói về giới tri thức đại thụ của dân tộc, còn giới tri thức trẻ ngày nay mới là lớp người đóng vai trò quan trọng vì chính họ chứ không ai khác: là những người đang trôi giữa dòng. Chúng ta có thể kể đến vài tác phẩm đã xuất bản của các nhà văn trẻ phê phán qua ngòi bút châm biếm rất hay, những blogger với nhiều bài viết khá chất lượng, một vài bài Indie, Reggae và nhạc rap cũng đóng góp công sức không ít trong việc phê phán cái xấu của người Việt và xã hội Việt Nam thời hiện đại. Thế nhưng, vẫn có nhiều cái chưa được. Nhiều người viết trên mạng với mục đích phê phán nhưng cái họ viết ra lại không ngửi được, nặng mùi dè bỉu khinh khi dân tộc, nhiều bài nhạc rap tuy có phần hiện thực nhưng còn phiến diện, thiếu tính trải đời. Meme cũng là một phong trào tốt có thể phê bình, nhưng đôi khi lại đi quá xa chỉ khiến các bé tuổi đôi mươi suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc tư tưởng. Thế là không được! Chỉ làm nặng thêm cái bệnh của người Việt. Các bạn trẻ ngày nay vốn thích lối văn cô đơn, lạc lối,... chỉ có các page Anh chị em dì cô chú bác plus hay Hạ vũ thượng vũ là ăn nên làm ra, còn những giá trị thật dần trôi đâu mất. Cho nên muốn níu người trẻ lại, hãy phê bình thật hay, đừng phiến diện quá sẽ gây tác dụng ngược.

img_3Làm tí nhểy?

Đã đến lúc, chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề. Chúng ta cần phải biết phê bình, phải học cách nghe phê phán, đừng thấy người Việt chê nhau là lại sừng cồ lên, là lại gán mác sính ngoại cho họ hay bảo "Mày đi qua đấy mà ở?". Chúng ta phải biết hướng về cái đúng, cái tốt của toàn nhân loại. Người Việt có cái dở là cái cần nói thẳng không nói thẳng, toàn nói vòng vo vớ va vớ vẩn, lời nói thì ý tứ thâm sâu hiểm ác rốt cuộc chả giải quyết vấn đề gì. Người Mỹ họ có "Người Mỹ xấu xí", Trung Quốc có "Trung Quốc xấu xí", người Nhật cũng có "Người Nhật ghê tởm",... người Việt nhìn vào chỉ chăm chăm bỉu môi chê, dù trong lòng cũng đã xuất hiện nhiều giông gió.

Đã đến lúc thay đổi bộ mặt Việt Nam, các bạn ạ, đã đến lúc rồi.