GDP là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá quy mô và sức mạnh kinh tế của một quốc gia, vùng lãnh thổ tại một thời điểm nhất định. Vậy thực chất GDP là gì ? Khác gì với GDP bình quân đầu người? Cách tính ra sao? Và GPD Việt Nam 2020 có đạt được kỳ vọng trong đại dịch kinh tế toàn cầu? Hãy cùng Top Kinh Doanh chuyên trang chia sẻ kiến thức tài chính và kinh doanh tìm hiểu MỘT CÁCH ĐƠN GIẢN NHẤT?

gdp là gì

GDP là gì?

GDP là gì?

GDP (viết tắt bởi cụm từ Gross Domestic Product) là tổng giá trị của tất cả các hàng hóa, dịch vụ được sản xuất trong một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định hay còn được gọi với 2 cái tên quen thuộc là tổng sản phẩm quốc nội hay tổng sản phẩm nội địa.

Khoảng thời gian thường được đo lường là GDP một Quý, 1 năm, 5 năm và 10 năm.

Hiểu đúng về GDP – Nguồn: Kinh tế học giản đơn – Simply Economics

Các yếu tố ảnh hưởng đến GDP

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến GDP của một Quốc gia, trong đó 3 yếu tố then chốt chính là: Lạm phát, dân số và vốn FDI.

Lạm phát

Lạm phát (tiếng anh Inflationary) là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của dịch vụ hay hàng hóa theo một khoảng thời gian nhất định. Từ đó kéo theo sự mất giá của một loại tiền tệ. Giá tăng, đồng nghĩa cùng với một lượng tiền thì bạn sẽ mua được ít hàng hóa hơn so với trước đây.

lạm phát là gì

Thông thường các nước có tốc độ tăng trưởng GDP càng cao thì chỉ số lạm phát cũng cao theo. Để hạn chế tình trạng này, chính phủ thường có các chính sách kinh tế để kiểm soát lạm phát không vượt qua tốc độ tăng trưởng GDP của quốc gia mình.

Vốn FDI

Vốn FDI (viết tắt cụm từ Foregn Direct Investment trong tiếng anh) đây là chỉ số đầu tư trực tiếp của nước ngoài có thời gian dài hạn (bao gồm cả chính phủ, quỹ đầu tư, công ty, cá nhân nước ngoài) bằng cách xây dựng các xưởng sản xuất, cơ sở kinh doanh.

FDI Việt Nam 2020

FDI Việt Nam 2020 – Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư

Đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sự tăng trưởng của một quốc gia. Nó là sản phẩm của việc duy trì và kiên định chính sách mở cửa kinh tế và gọi vốn đầu tư và công nghệ quốc tế.

Dân số

Dân số (tiếng anh là Population) chính là nguồn lao động sản xuất ra của cải vật chất lẫn tinh thần. Đồng thời là thị trường tiêu thụ hàng hóa chủ lực của phần lớn các quốc gia trên thế giới. Số lượng dân số cũng sẽ ảnh hưởng đến một chỉ số hết sức quan trọng đó là thu nhập bình quân đầu người.

Các yếu tố của dân số ảnh hưởng chính đến GDP đó là:

  • Chất lượng dân số.
  • Số lượng người của quốc gia.
  • Phân bố lao động: nông thôn – thành thị – nước ngoài; nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ.

dân số việt nam mới nhất

Các yếu tố khác ảnh hưởng đến GDP

Ngoài 3 yếu tố trên còn các yếu tố khác tác động đến GDP như: tài nguyên thiên nhiên, hệ thống pháp luật, năng lực chính phủ, nợ công, đầu tư trong nước, cơ cấu ngành nghề trong xã hội….

Cách tính GDP hiện nay

Có rất nhiều cách tính GDP khác nhau trong đó phổ biến nhất là tính theo:

  • Phương pháp tính tổng chi tiêu.
  • Phương pháp chi phí hay theo thu nhập.
  • Phương pháp sản xuất.

Phương pháp tính theo tổng chi tiêu

Phương pháp tính theo tổng chi tiêu được xem là phương án tính GDP có độ tin cậy cao nhất hiện nay. GDP của một quốc gia hay vùng lãnh thổ được tính bằng tổng số tiền các hộ gia đình đang sinh sống để mua sắm và sử dụng dịch vụ:

Công thức tính GDP theo tổng chi tiêu:

GDP = C + G + I + NX

Trong đó:

C (Chi tiêu của hộ gia đình): tất cả các chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ của hộ gia đình.

G (Chi tiêu của chính phủ): tổng chi tiêu cho giáo dục, y tế, an ninh, giao thông, dịch vụ, chính sách…

I (Tổng đầu tư): Là tiêu dùng của các nhà đầu tư, bao gồm các khoản chi tiêu của doanh nghiệp về trang thiết bị, nhà xưởng…

NX (cán cân thương mại): Là “xuất khẩu ròng” của nền kinh tế. NX = X (xuất khẩu ) – M (nhập khẩu ).

Phương pháp tính GDP theo chi phí hay thu nhập

Tính GDP theo chi phí là cách tính tổng tiền lương, tiền lời, lợi nhuận và tiền thuê sinh ra trong một nền kinh tế (chú ý chỉ tính nội địa).

Công thức tính GDP theo theo chi phí:

GDP = W + I + Pr + R + Ti + De

Trong đó:

W (Wage): tiền lương

I (Interest): tiền lãi

Pr (Profit): lợi nhuận

R (Rent): tiền thuê

Ti (Indirect tax): thuế gián thu (loại thuế không trực tiếp đánh vào thu nhập và tài sản của người nộp thuế mà đánh một cách gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa và dịch vụ)

De (Depreciation): phần hao mòn (khấu hao) tài sản cố định.

Tính GDP theo phương pháp sản xuất hay giá trị gia tăng

Ở góc độ sản xuất, thì GDP chính là tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế trong một quốc gia theo một khoảng thời gian nhất định.

Công thức theo phương pháp sản xuất:

GDP = GIÁ TRỊ TĂNG THÊM + THUẾ NHẬP KHẨU

HOẶC

GDP = GIÁ TRỊ SẢN XUẤT – CHI PHÍ TRUNG GIAN + THUẾ NHẬP KHẨU

Trong đó:

  • Giá trị tăng thêm: thu nhập của người sản xuất, tiền công, thuế sản xuất…
  • Thuế nhập khẩu: là loại thuế mà một quốc gia hay vùng lãnh thổ đánh vào hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài trong quá trình nhập khẩu.

Vậy hàng hóa hay dịch vụ nào mới được tính vào GDP?

  • Phải được đưa vào thị trường để giao dịch (buôn bán) có khả năng quy đổi thành tiền.
  • Phải là các sản phẩm, dịch vụ HỢP PHÁP (giao dịch ở “chợ đen”,” thế giới ngầm” thì không được tính.
  • Bao gồm sản phẩm, dịch vụ hữu hình (ăn, uống, xe cộ) và vô hình (giáo dục, lập trình phần mềm máy tính, khám chữa bệnh.
  • Giá trị chỉ tính khi đến người dùng cuối cụ thể là người sử dụng trực tiếp sản phẩm dịch vụ đó (bạn mua 1 lon nước ngọt 10.000đ thì GPD đóng góp của lon nước ngọt đó là 10.000đ, chứ không phải giá nhập đại lý nhập 8.000đ hay giá sản xuất từ nhà máy 3.000đ).
  • Giá trị phải được sinh ra ở hiện tại chứ không phải ở quá khứ .

hàng cấm không được tính vào GDP

Ví dụ: Bạn mua máy pha cà phê 10.000.000đ năm 2020, chi phí bảo dưỡng năm 2021 là 1.000.000đ, vậy GPD đóng góp của máy pha cà phê trong năm 2020 là 10.000.000đ, năm 2021 là 1.000.000đ, chứ không thể cộng gộp qua các năm sử dụng.

Một số khái niệm khác liên quan đến GDP

GDP bình quân đầu người là gì?

GDP bình quân đầu người (tiếng anh là GPD Per Capital) là chỉ số trung bình cộng giá trị sản xuất hàng hóa, dịch vụ của môt người sống trên một quốc gia, tại một thời điểm nhất định.

Nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực ra GPD bình quân đầu người được tính theo một công thức mà công dân Việt Nam học từ lớp 3:

GDP bình quân đầu người = GPD quốc nội  /  dân số.

Ví dụ: Năm 2020, Nước  A có dân số 10 triệu người, GPD là 100 triệu đô thì GPD bình quân đầu người sẽ là:

GDP bình quân đầu người nước A = 100.000.000 (đô) / 10.000.000 (người) = 10 đô/ người.

Thu nhập bình quân đầu người danh nghĩa của thế giới 1960 – 2020. Nguồn: CityGobalTour

Đã có GDP quốc nội thì tính GDP bình quân đầu người làm gì?

Một cách tương đối:

  • GDP quốc nội thể hiện quy mô, sức mạnh kinh tế của một quốc gia và khả năng chi phối của đến nền kinh tế chung của toàn cầu.
  • GDP bình quân đầu người thể hiện độ giàu có của người dân trong nước.

Ví dụ: GDP của Mỹ năm 2018 là lớn thứ 1 thế giới đạt 20.540 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người 65.000 USD/ người.

GDP của Qatar chỉ có 191 tỷ USD, nhưng thu nhập bình quân đầu người gấp đôi so với Mỹ đạt 133.000 USD/ người.

Tại sao Top Kinh Doanh lại sử dụng từ TƯƠNG ĐỐI vì công thức tính GDP bình quân đầu người là trung bình cộng, không phân biệt giàu nghèo. Chính vì vậy, ở một số quốc gia khoảng cách thu nhập của người giàu và nghèo rất lớn, đặc biệt ở các nền kinh tế mới nổi tại Châu Á.

chênh lêch giàu nghèo Trung Quốc

Chênh lêch giàu nghèo Thượng Hải – Trung Quốc

Tiếp đến 2 khái niệm, chuyên sâu hơn một chút đó là GDP danh nghĩa và GDP thực tế cũng nhận được quan tâm của rất nhiều bạn đọc.

GDP danh nghĩa là gì?

GPD danh nghĩa (tiếng anh là Nominal Gross Domestic Product) là tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được tính theo giá thị trường được tạo ra trong một khoảng thời gian nhất định. Nó bao gồm những thay đổi về giá do lạm phát và phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

20 quốc gia giàu nhất thế giới 1960 – 2020 – Nguồn: IMF

VD: GDP danh nghĩa của nước A trong

  • Năm 2020 là 100 tỷ USD,
  • Năm 2021 là 110 tỷ USD.
  • Tốc độ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa của nước A = 110 tỷ / 100 tỷ = 1,1 % tương ứng là 10%.

Tuy nhiên, GDP danh nghĩa chỉ phản ảnh mức độ tăng giá của các sản phẩm, dịch vụ so với năm gốc (tương tự như ví dụ trên là giá sản phẩm, dịch vụ năm 2021 đã tăng 10% so với năm 2020), chứ không phản ánh được số lượng hàng hóa và dịch vụ tăng lên.

Ví dụ thực tế:

  • Năm 2020: bạn bán 10 con gà được 10 đồng.
  • Năm 2021: bạn bán 10 con gà được 11 đồng.

Vậy so với năm 2020 bạn sẽ đem về được thêm 1 đồng nhưng vẫn chỉ phải bán số gà như nhau là 10 con.

GDP danh nghĩa thế giới 2019

GDP danh nghĩa thế giới 2019

GDP thực tế là gì? 

GDP thực tế (tiếng Anh: Real Gross Domestic Product hay Real GDP) là chỉ số thể hiện tổng giá trị thực tế của sản phẩm, dịch vụ quốc nội và đã điều chỉnh lạm phát. Nếu:

  • Lạm phát dương: GDP thực tế < GDP danh nghĩa.
  • Lạm phát âm: GDP thực tế > GDP danh nghĩa.

Khác với GDP danh nghĩa, chỉ số GDP thực tế sẽ thể hiện một cách chính xác hơn về tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Dữ liệu từ GDP thực tế sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách kinh tế dùng để lập kế hoạch cho ngân hàng trung ương Quốc gia.

gpd thực tế là gì

GDP thực tế là gì

Công thức tính GDP thực tế:

GDP thực = GDP danh nghĩa / Hệ số giảm phát GD

VD: GDP danh nghĩa của nước A trong

  • Năm 2020 là 100 tỷ USD,
  • Năm 2021 là 110 tỷ USD.
  • Tốc độ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa của nước A = 110 tỷ / 100 tỷ = 1,1 % tương ứng là 10%.

Nếu giá của hàng hóa đã tăng 5%, thì hệ số giảm phát là: 1 + 5% = 1,05

GPD danh nghĩa là 110 tỷ USD ==>  GDP thực là: = 100 tỷ / 1,05 = 104,76 tỷ USD.

Sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

  • GDP danh nghĩa > GDP thực tế: nền kinh tế đang lạm phát.
  • GDP danh nghĩa < GDP thực tế: nền kinh tế đang giảm phát.

Và trong trường hợp trên nền kinh tế của nước A đang lạm phát (110 tỷ > 104,76 tỷ). Ngoài ra bạn có thể tìm hiểu khái niệm: Lạm phát là gì ?

Một trong những số liệu được nhiều bạn tìm kiếm là GDP Việt Nam trong năm 2019, 2020 và kỳ vọng trong năm 2021, hãy tiếp tục theo dõi phần dưới.

GDP việt nam 2019 và 2020

GDP Việt Nam 2019 và 2020 là bao nhiêu?

GDP Việt Nam 2019

  • GDP quốc nội: 266,5 tỷ USD.
  • GDP bình quân đầu người: 2786 USD/người.
  • Tốc độ tăng trưởng GDP: 6,8 %.
  • CPI (chỉ số giá tiêu dùng): 2,7 đến 3%.

Tổng quan kinh tế Việt Nam 2020

GDP Việt Nam 2020

  • GDP quốc nội: 343 tỷ USD.
  • GDP bình quân đầu người: 2750 USD/người.
  • Tốc độ tăng trưởng GDP: 2,91 %.
  • CPI (chỉ số giá tiêu dùng): 3,23 %.

So sánh Việt Nam và các nước Đông Nam Á 2020

So sánh GDP các nước Đông Nam Á .Nguồn: Hồ Sơ X

– Philippines suy thoái -9,5%, nếu đồng Peso không tăng mạnh, quy mô GDP sẽ giảm xuống dưới 367 tỷ USD, bình quân đầu người giảm xuống còn 3.372 USD (nguồn IMF).

– Năm 2020, kinh tế Thái Lan giảm 6,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1998, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Điều đó khiến chính phủ cắt giảm ước tính tăng trưởng kinh tế năm nay xuống 2,5-3,5% vào năm 2021. (nguồn Bangkok post).

– Kinh tế suy giảm -5,6%, Malaysia không thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình vào năm 2020. Năm 2019, GDP của Malaysia là 364 tỷ USD, bình quân đầu người hơn 11.000 USD, đặt một chân ra khỏi bẫy thu nhập nhưng bất ngờ mắc kẹt rơi vào “bẫy dịch”, rơi vào đau đớn. Hậu quả là nền kinh tế sẽ suy giảm -5,6% vào năm 2020. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): GDP của Malaysia sẽ giảm xuống còn xấp xỉ 336 tỷ USD, GDP bình quân đầu người giảm xuống còn 10.192 USD. Vì vậy, họ không thể “sập bẫy” như mong đợi.

– Singapore vừa điều chỉnh tăng trưởng từ -5,8% lên -5,4% và công bố GDP theo giá hiện tại là 469 tỷ đô la Singapore (nguồn Singstat). Với tỷ lệ trung bình 1 đô la = 1,34 đô la Singapore, quy mô GDP danh nghĩa của Singapore được ước tính là 350 tỷ đô la. Như vậy, Việt Nam có thể không vượt qua Singapore về GDP danh nghĩa vào năm 2020.

 Indonesia giảm -2,07%, GDP giảm còn khoảng 1,053 tỷ USD, bình quân đầu người giảm xuống còn 3,911 USD (nguồn Thống kê Indonesia BPS).

– Trường hợp khác, chỉ có Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP dương trong ASEAN 6 là + 2,91%, GDP tăng lên 343 tỷ USD, bình quân đầu người ước đạt 3.521 USD, vượt Malaysia về quy mô nền kinh tế, vượt Philippines về GDP bình quân đầu người (nguồn GSO Tổng cục Thống kê Việt Nam).

10 Quốc gia có GDP lớn nhất thế giới 2020

Thứ hạngQuốc gia và vùng lãnh thổGDP (triệu USD)
0Toàn thế giới83,844,988
1 Hoa Kỳ20,807,269
2 Trung Quốc14,860,775
3 Nhật Bản4,910,580
4 Đức3,780,553
5 Vương quốc Anh2,638,296
6 Ấn Độ2,592,583
7 Pháp2,551,451
8 Ý1,848,222
9 Canada1,600,264
10 Hàn Quốc1,586,786

Nguồn: Quỹ tiền tệ thế giới – IMF

Kết lại GDP là gì?

GDP (viết tắt bởi cụm từ Gross Domestic Product) là tổng giá trị của tất cả các hàng hóa, dịch vụ được sản xuất trong một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định. GDP danh nghĩa chia cho hệ số giảm phát sẽ có GDP thực tế và nó sẽ phản ánh đúng về quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc giá. Nếu có thắc mắc nào liên quan đến GDP bạn hãy để lại bình luận bên dưới đội ngũ Top Kinh Doanh sẽ hỗ trợ bạn hết mình.