Cách đây hơn 1 năm mình nhận được bài viết này và không cầm lòng được, mình luôn nung nấu sẽ làm gì cho Buôn làng nơi đây ???


============


Trẻ em Cil Cus trên đỉnh hang


Hớt


Buôn Chuối nằm trên đỉnh hang Hớt (cao khoảng 800m so với mặt đường lộ), thuộc xã Mê Linh huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Vùng này có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm tới gần 99%. Về mặt địa lý kinh tế, buôn Chuối chỉ cách quốc lộ gần 20 km.


Dân tộc thiểu số định cư tại buôn chủ yếu là người Cil Cus. Người Cil là tộc người có ít dân số nhất thuộc dân tộc Kơ-ho. Người Cil là nhóm dân có tập tính du canh du cư lâu đời, sống một vài năm chỗ này và khi đất bạc màu thì lại di chuyển đi chỗ khác trên những vùng núi non hay thung lũng biệt lập, hẻo lánh, nhưng nay thì tập tính ấy không còn môi trường tồn tại nữa. Nhờ một phần vốn hỗ trợ xóa nghèo của nhà nước, người Cil định cư hẳn tại buôn Chuối.


Đường lên buôn


Hoàn cảnh sống


Điện lưới quốc gia đã đến đường liên xã, nhưng qua con dốc thẳng đứng về buôn thì điện... chịu thua! Người dân nơi đây hằng cầu mong cái điện về tới buôn cho cuộc sống đỡ khổ nghèo nhưng chờ đợi mấy năm rồi cái điện vẫn chưa tới: Họ không có tiền để mua dây kéo điện!


Cụ già gần nhất buôn ở tuổi 70 đã bị mù và điếc hơn 30 năm, cụ không thể nói tiếng Kinh.


Bếp và giường của cụ.


Con đường lên buôn thẳng đứng dốc đất đỏ bazan tung bụi mù. Cái nắng gay gắt hanh khô khiến cho mùi bụi đất càng trở nên nồng hốc hơn. Đồi dốc quanh co, đường xá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa nên bà con dân tộc thiểu số ở đây vẫn còn rất lạc hậu. Lạc hậu cả về nếp sống, sinh hoạt hằng ngày lẫn tập quán canh tác, làm ăn kinh tế. Đi đôi với những lạc hậu đó là bệnh tật. Những căn bệnh thông thường như giun sán, răng miệng, đau mắt hột, bệnh phụ khoa, suy dinh dưỡng… chiếm tỷ lệ khá lớn, Có những gia đình sinh tám đứa con chết bốn đứa, có những người mẹ bị băng huyết chết đi sinh nở để lại chi chít những đứa con thơ…


Một trong vài cái giếng nước người dân tự đào


Giếng sâu 27m và có 3m nước



Chị là người phụ nữ tiến bộ nhất buôn biết tắm giặt cho con.


"Mới sinh ra đã tắm cho nó bằng cái omo rồi đó! Mắc lắm! Ba nghìn đồng có một lạng thôi!"


Người Cil Cus không biết tiếng Kinh, cũng không có học nên họ không thể có lấy một cơ hội thoát nghèo. Họ thường bán non cà phê đang trồng để giải quyết cho “cái bụng”. Tới mùa thất bát, đói cây lúa mua nợ mãi cũng phải trả, những mảnh đất thổ cư của họ trị giá cả trăm triệu cũng bị những người Kinh giàu có cho vay lãi nóng cầm cố mấy chục triệu hay thậm chí vài triệu mà thôi, đến khi hết tiền họ lại trắng tay như trước.


Cũng là ánh mắt trẻ thơ, mà sao nhọc nhằn, đờ đẫn....



"Em con nặng lắm!"


Em nuốt vội một nắm cơm nguội nắm trong tay


Với chủ trương “xóa nhà tranh”, “xóa đói giảm nghèo” chính quyền hỗ trợ cho họ mỗi hộ 6 triệu đồng để làm nhà xây, bắt buộc họ phải phá bỏ nhà tranh, nhưng trên thực tế, với số tiền ấy không thể làm được một cái nhà xây với tất cả gạch, cát, đá, xi măng… nên cuộc sống của người Cil Cus định cư ở buôn Chuối càng trở nên khốn đốn hơn.



Những đôi chân xa lạ với đôi dép


Sân chơi hằng ngày


Trò chơi của các em nhỏ



Kéo "xe lửa" trên đường đất


"Đang xuống dốc, quá đã!"



Qua đèo!


Và té!



Xích đu tự chế


"Bay lên nào!"


Trường học ở buôn Chuối và việc đem cái chữ đến buôn này quả là một việc không phải ai cũng làm được. Những thầy cô giáo đi dạy ở đây tiền lương rất ít ỏi. Con đường từ trung tâm xã vào buôn khoảng năm cây số. Đường đất, trời nắng thì bụi tung đỏ hoạch cả quần áo, trời mưa thì lội bộ bùn lút tới đầu gối. Nhưng nhiệt tâm của thầy cô chưa chắc đã được đáp trả. Người Cil với những tập quán xưa cũ đã không cho con cái họ đến lớp mà phải ở nhà để lên rẫy, lên nương. Cái chữ đối với họ không quan trọng bằng những đóng góp cái sức lao động của một em bé sáu tuổi! Chính bản thân các em nhỏ cũng đã quen với cuộc sống du mục từ trong máu thịt nên chẳng thể nào bắt các em ngồi gò bó hằng tiếng để học hết ba tiết học. Ngôn ngữ đã là rào cản lớn nhất giữa các em, các phụ huynh và các thầy cô giáo.



Buổi học lớp 1. Lớp có sĩ số 22 em nhưng chỉ có 10 em đến lớp


Phân hiệu trường Cil Cus chỉ vỏn vẹn hai phòng học đã mục nát



Thầy Dũng, GV. lớp 4 thổ lộ: "Các em đến lớp với tôi vì cái bánh cái kẹo tôi mang theo chứ không phải vì cái chữ các em cần!"


Hành lang của hai phòng học



Phòng học lớp 5 vắng teo vì giáo viên cũ đã chuyển công tác, giáo viên mới chưa đến, các em học sinh đã lên rẫy


Dù tay lấm lem bùn đất nhưng học được cái chữ mai này đời em sẽ bớt khổ biết bao!


"Nghèo đói cái bụng", "nghèo đói cái đầu" đã dẫn đến một thế hệ trẻ em yếu đuối, suy dinh dưỡng trầm trọng và không thể lớn. Rồi có thể mai đây các em cũng lại sản sinh ra bao nhiêu đứa trẻ èo uột trong đói nghèo nếu không có sự chung tay góp sức từ cộng đồng để giúp họ "có cần câu cá" và biết cách câu cá.


Bài và ảnh Diệu Phương WTT