Di chuyển đường dài, rạn da, mất ngủ là 3 trong số rất nhiều phiền phức mẹ gặp phải trong cuối thai kỳ. Nhưng mẹ chớ lo lắng vì vẫn có những cách tuyệt hay giúp mẹ vượt qua những vấn đề này thật dễ dàng.


3 tháng cuối cùng của thai kì là chuỗi ngày lẫn lộn giữa những cảm xúc hồi hộp đầy hạnh phúc và những khó chịu do cơ thể đang chuẩn bị cho bé chào đời. Chính vì vậy, mẹ cần phải học cách cân bằng tất cả để đừng khiến mình trở nên khiếp đảm nhé!


Đau buốt lưng


webtretho


Một tuần trước lúc sinh, mẹ có thể phải trải qua cơn buốt lưng rất khủng khiếp. Đây chính là dấu hiệu cho biết cổ tử cung của mẹ đã “chín” và mỏng dần đi để chuẩn bị cho em bé chào đời. Mặc dù không phải ai cũng gặp phải triệu chứng này nhưng đa phần những ai đã từng bị đau lưng tiền kinh nguyệt thì dấu hiệu đau âm ỉ ở lưng dưới sẽ tái diễn trong những ngày cận sinh. Cơn đau có thể bắt đầu từ xương chậu và lan dần xung quanh, gây ra cảm giác rất khó chịu. Nhưng mẹ đừng lo lắng vì đó là một sự chuẩn bị tốt cho cuộc vượt cạn thành công. Để giảm bớt đau đớn, mẹ nên lót ở vùng lưng dưới một chiếc gối nhỏ hoặc chườm nóng tại chỗ hoặc massage lưng. Đặc biệt, phải luôn nhớ nằm nghiêng khi ngủ để đảm bảo cả mẹ và bé đều không bị khó chịu nhé!


Di chuyển khó khăn


Dáng đi của mẹ vào cuối thai kỳ sẽ không khác gì một chú vịt bầu. Nhưng mẹ đừng cảm thấy buồn vì điều đó. Sở dĩ như vậy là do cơ thể mẹ đang mất thăng bằng do phải mang thêm trọng lượng lớn từ thai nhi. Hãy xem đó là một bản năng cần thiết để mẹ đảm bảo an toàn cho con và cho mình. Ngoài ra, liên quan đến chuyện đi đứng, mẹ cũng cần hạn chế bớt các chuyến đi đường dài vào lúc này, nhất là sau tuần thứ 37. Bằng không, mẹ sẽ tự đặt mình vào thế khó nhé!


Ngứa da, rạn da


Rạn da là tình trạng rất phổ biến ở các thai phụ, đặc biệt là trong giai đoạn cuối thai kỳ, khi thai nhi phát triển nhanh qua từng tuần. Đó cũng là kết quả của quá trình phá vỡ cấu trúc collagen và các lớp đàn hồi trên da trong thời gian quá ngắn. Những ai sở hữu làn da có độ đàn hồi thấp càng có nguy cơ bị rạn và điều đó đồng nghĩa với việc mẹ lớn tuổi, trên 35 sẽ khó thoát khỏi ảnh hưởng này. Tuy nhiên, rạn da có thể ngừa được bằng cách thoa dầu dừa, kem dưỡng ẩm và uống thật nhiều nước trong thai kỳ.


Mất ngủ


webtretho


Chuyện ngủ nghỉ của thai nhi không gắn chặt với giấc ngủ của mẹ. Thế nhưng, vì tinh thần của mẹ là môi trường thai giáo tốt nhất cho thai nhi nên mẹ mất ngủ kéo dài sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của em bé trong bụng. Các nghiên cứu cũng chỉ cho thấy, nếu phụ nữ mang thai ngủ dưới 6 tiếng vào 3 tháng cuối thai kỳ, khả năng sinh mổ, sinh khó sẽ cao hơn so với những mẹ ngủ đủ giấc. Do đó, để tránh mất ngủ trong giai đoạn này, mẹ nên ăn uống những thực phẩm có tác dụng an thần như hạt sen, chè hoa cúc…; không làm việc quá sức; không uống thức uống cafein… và tránh uống nước nhiều trước 2 tiếng vào giấc ngủ đêm.


Các chỉ số phát triển của con



Từ tuần thai thứ 36 trở đi, các bác sĩ sẽ bắt đầu tăng lịch hẹn khám thai lên để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Lúc này, tử cung đã trở nên quá chật chội với sự phát triển nhanh chóng của con nên có thể các cú đạp, máy sẽ giảm dần. Nếu mẹ bắt đầu thấy những cơn co tử cung xuất hiện thì đó là dấu hiệu cho biết mẹ sắp “vỡ chum” rồi đấy! Tuy nhiên, không loại trừ các cơn co giả (Braxton Hicks) vốn xuất hiện rất phổ biến và dễ gây nhầm lẫn cho mẹ trong cuối thai kỳ. Nếu thấy cơ co ngày một dữ dội hơn, kéo dài từ 30-60 giây và tần suất tăng dần từ 15-20 phút, mẹ hãy nghĩ ngay đến việc gói đồ đi bệnh viện nhé!