Đừng giành quyền nuôi con một cách quyết liệt khi ly hôn mà nên thuận theo nguyện vọng muốn sống cùng bố (hay mẹ) của con để tránh khơi sâu thêm tổn thương trong lòng con.

Trên vietnamnet, Luật sư Trương Thị Hoà bồi hồi xúc động khi kể lại phiên tòa xử ly hôn một đôi vợ chồng là công nhân. Cả hai ly hôn do anh chồng có mối quan hệ bên ngoài. Họ có 3 đứa con. Nhìn cảnh bọn trẻ buồn rười rượi chụm vào nhau trong phiên tòa, những người cầm cân nảy mực không khỏi xót xa.

Do sợ con phải sống cảnh mẹ ghẻ con chồng nên chị vợ yêu cầu được toàn quyền nuôi 3 con. Anh chồng không đồng ý vì cũng muốn nhận nuôi các bé. Trong lúc 2 bên giằng co đấu khẩu, cậu bé 13 tuổi, là con cả của vợ chồng Linh đã nói lời xúc động, khiến phiên tòa im bặt: “Con thương mẹ nhưng mẹ con không đủ sức nuôi 3 đứa con nên con sẽ về ở với ba”

hình ảnhNguồn ảnh: kknews

Nghe cậu bé nói câu ấy, Luật sư Hòa rất xúc động. Bà đã cố phân tích chuyện thiệt hơn trong việc nên để chị vợ nuôi hết 3 con. Nghe lời gan ruột của vị luật sư gạo cội, anh chồng khóc nức nở giữa phiên tòa. Anh khóc vì đã tước đoạt của các con một gia đình hạnh phúc và đồng ý giao hết con cho vợ cũ nuôi. Còn anh sẽ chu cấp hàng tháng cho các bé.

Thực tế cho thấy, ly hôn là một sự giải thoát đối với những cặp vợ chồng đã không còn tình cảm với nhau hoặc đã cố gắng tìm kiếm sự hòa hợp nhưng hoàn toàn vô vọng. Khi đó thay vì duy trì ‘tổ lạnh”, chia tay là giải pháp tốt nhất cho cả hai.

Tuy nhiên, nếu đã có con chung thì cần ý thức rằng mọi lời nói hành động của cha mẹ nếu không khéo sẽ để lại di chứng “nặng nề” lên tâm hồn trẻ nhỏ. Các con sẽ phải chịu đựng nhiều thiệt thòi vì chỉ còn được sống chung mái nhà với một trong hai người yêu thương nhất. Mặt khác, sự đổ vỡ của cha mẹ đã lấy mất đi của các con niềm tin vào tình yêu, gia đình, làm chúng dễ trở nên ương bướng, hư hỏng và nổi loạn. Vì lẽ đó mà con cái có bố mẹ ly dị rất dễ bị cuốn vào các thói hư tật xấu.

hình ảnhNguồn ảnh: Internet

Sau ly hôn, dù ở cùng con hay không, bố mẹ hãy làm những điều sau với con để trẻ sớm tìm lại sự cân bằng và giảm bớt nỗi mất mát trong lòng.

Chắc chắn cảm giác chông chênh vì không còn cảnh ‘hai mình” sẽ làm nhiều người suy sụp. Nhưng hãy suy nghĩ đến khía cạnh tích cực của việc ly hôn để lòng nhẹ nhàng hơn. Đặc biệt, hãy nhìn về tương lai của con cái để thêm động lực sống, để luôn giữ thái độ sống tích cực. 

Hãy gần gũi với con và thể hiện sự quan tâm để con biết rằng bố mẹ lúc nào cũng yêu con dù không còn sống chung. Nếu thấy con có biểu hiện sống khép kín, lầm lì trái ngược hẳn với tính cách trước đây, bố mẹ hãy thường xuyên trò chuyện nhằm giúp con hiểu thêm về những khía cạnh không mong muốn trong cuộc sống, cũng là cách giúp con mạnh mẽ hơn sau trải nghiệm đau thương.

Tuyệt đối đừng nói xấu người còn lại trước mặt con cái, đừng chia rẽ con với bố hoặc mẹ chúng. Điều đó sẽ làm chúng ta xấu đi trong mắt con cái đồng thời khơi thêm nỗi đau trong lòng con.

Thường xuyên cho con về thăm ông bà hai bên để duy trì và gắn kết mối quan hệ huyết thống; Qua đó, giúp con cảm thấy con vẫn còn có tình cảm, sự đùm bọc thương yêu của rất nhiều người. 

Có thể nói, không phải cha mẹ mà con cái mới là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất sau mỗi cuộc ly hôn. Vì vậy, cha mẹ hãy dẹp bỏ cái tôi, cùng ngồi lại với nhau, tìm ra cách làm sao để con được nuôi dạy tốt nhất sau khi bố mẹ không còn đi chung đường.