Khi bé được 1 tuổi, dù răng chưa mọc hoàn thiện nhưng nếu được tạo điều kiện, bé có thể dùng tay cầm nắm, đưa thức ăn vào miệng nhai tốt.

Tuy vậy, nhiều phụ huynh vẫn cho rằng chế độ ăn cho bé 1 tuổi chủ yếu vẫn là sữa hoặc thức ăn mềm, bột dinh dưỡng. Thực ra bé đã có thể ăn các loại thực phẩm giống như những người khác trong gia đình, nhưng cần làm mềm hơn.

hình ảnh

Ảnh minh họa (Nguồn Freepik)

Theo khuyến cáo của UNICEF, ở tuổi này, sữa mẹ vẫn cung cấp dinh dưỡng và đề kháng chống lại bệnh tật quan trọng, nhưng các thực phẩm khác trở thành nguồn dinh dưỡng và năng lượng chính của bé. Cho bé ăn thức ăn khác trước rồi cho con bú sau nếu bé vẫn đói.

Vậy cho con ăn gì?

Con bạn có thể ăn bất cứ thứ gì, vì vậy hãy cho bé ăn các thức ăn nấu cho gia đình, nhưng cần xé nhỏ hoặc làm mềm, cần chú ý mỗi bữa ăn vẫn phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Một số phụ huynh vẫn cho rằng các bữa ăn ở trẻ 1 tuổi chủ yếu là ăn chơi, ăn cho biết với người ta. Tâm lý đó khiến việc chuẩn bị bữa ăn cho trẻ rất hời hợt, điều này là không nên.

Hãy chắc chắn rằng khẩu phần của bé có một phần thức ăn động vật (sữa, trứng, thịt, cá và thịt gia cầm) mỗi ngày, cộng với các loại đậu (như đậu xanh, đậu lăng hoặc đậu Hà Lan) - hoặc các loại hạt, và các loại rau và trái cây màu cam hoặc xanh. Thêm một chút dầu hoặc chất béo vào thức ăn để bổ sung DHA. Đồ ăn nhẹ nên là trái cây tươi hoặc thực phẩm có dinh dưỡng.

Bao nhiêu thức ăn và tần suất như thế nào là đủ?

Con bạn có thể dùng từ 3/4 chén hoặc 1 chén nhỏ thức ăn mỗi bữa chính (3 lần 1 ngày), cộng với một đến hai bữa ăn nhẹ giữa các bữa ăn.

Nếu bạn không cho con bú, chế độ ăn cho trẻ 1 tuổi sẽ tăng lên vì bé cần ăn nhiều hơn. Vào khoảng thời gian bé bắt đầu biết đi, lịch ăn của con bạn nên bao gồm bốn đến năm bữa một ngày, cộng với hai bữa ăn nhẹ lành mạnh. Các sản phẩm sữa là một phần rất quan trọng trong chế độ ăn của trẻ - hãy cho bé uống một hoặc hai cốc sữa mỗi ngày.

Các thực phẩm cần tránh

Tránh đồ ăn vặt và nước ngọt, đồ ăn vặt ít dinh dưỡng như khoai tây chiên giòn, bánh quy, bánh ngọt, soda, kẹo…. Chúng có lượng đường, muối, chất béo và hóa chất cao, và chiếm không gian trong dạ dày của con bạn nên bé không thể ăn các bữa chính chứa đầy thực phẩm bổ dưỡng.

Lời khuyên về bữa ăn

Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF khuyến cáo với trẻ từ 1 tuổi thì trong bữa ăn nên có bát thức ăn của riêng mình, để giúp con học cách tự ăn, nghĩa là tự đưa thức ăn vào miệng và nhai tốt. Đồng thời, phải cung cấp cho con tất cả các thực phẩm bé cần và có nhiều thời gian để ăn. 

Lúc đầu, bé sẽ chậm chạp và bừa bộn. Hãy giúp con bằng cách thị phạm hoặc cầm tay bé múc thức ăn vào miệng. Khuyến khích con tự cầm muỗng, nĩa và đảm bảo con không đói sau bữa ăn. Hãy cho con bạn nhiều tình yêu và sự khuyến khích để ăn trong giờ ăn. Biến bữa ăn thành sự khám phá thay vì ép con ăn. Ngồi trước mặt con và mỉm cười, khen ngợi và khuyến khích con vì bé ăn giỏi.

Hãy làm cho bữa ăn của con trở thành thời điểm hạnh phúc trong ngày.

Làm gì khi trẻ không chịu ăn thức ăn đặc?

Hãy chắc chắn rằng bé đang đói vào giờ ăn và không nên ăn vặt trước bữa ăn chính. Mặc dù việc cho con bú tiếp tục tốt cho sức khỏe của con bạn, nhưng chỉ nên cho con bú sau bữa ăn. Ở tuổi này, bé nên ăn thức ăn đặc trước. 

Trong chế độ ăn 1 tuổi cho bé, hãy cho con bạn ăn thức ăn mà bé thích hoặc trộn thức ăn bé thích với thức ăn bé không thích. Hãy thử kết hợp thực phẩm khác nhau. Nếu bé vẫn từ chối, đừng ép buộc hay cố ép. Hãy bình tĩnh và chấp nhận. Cho trẻ sự khuyến khích khi bé ăn, nhưng đừng biến nó thành vấn đề khi bé không ăn. Chỉ cần lấy thức ăn đi, đậy nắp lại và đưa cho bé một lần nữa sau đó.

Bài và ảnh tổng hợp từ UN