Bệnh dò xoang bì thường khó phát hiện, hay bị nhầm lẫn với mụn nhọt, u trên da nhưng lại gây biến chứng rất nguy hiểm. 

Em xin chia sẻ các mẹ về căn bệnh dò xoang bì mà con gái em (2 tuổi) từng mắc phải. Vì triệu chứng của nó ban đầu rất khó phát hiện nên nhiều mẹ sẽ không biết mà cho qua. Đến lúc nặng có thể gây liệt, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của con

Con gái em bị rối loạn tiêu hóa và sốt gần 1 tuần nên phải nhập viện theo dõi. Cũng may em cho đi viện sớm vì đến ngày thư ba trong bệnh viện con em đột nhiên ngưng thở phải đặt nội khí quản, thở máy, hồi sức. Đồng thời người con nhũn ra và tứ chi bị liệt không thể cử động.

Mẹ linh cảm ôm con lao vào phòng bác sĩ, con gái được cứu khỏi bệnh nhiễm trùng huyết

hình ảnh

Nguồn ảnh: plo

Bác sĩ liền cho chụp MRI. Kết quả cho thấy con em bị dò xoang bì (lỗ dò trên da thông trực tiếp vào tủy sống) ở vùng thắt lưng cách hậu môn khoảng 2-3cm. Từ lỗ thông này tiết ra một chất dịch nhầy, gây nhiễm trùng và phát triển thành khối u bên trong với kích thước 1 x 2cm. Kèm theo đó là một ổ mủ áp xe toàn bộ tủy (lan rộng từ cổ đến vùng cụt lưng). Do ổ mủ lan rộng lên đến tủy cổ, gây chèn ép tủy cổ cấp tính làm con em ngưng thở.

Sau đó con em phải phẫu thuật để bóc tách toàn bộ đường dò, khối u và dẫn lưu ổ mủ ở hai vị trí vùng thắt lưng và cổ. Trong suốt hơn 4 tiếng con trong phòng mổ thì ở bên ngoài em cứ phải cầu nguyện suốt vì bất kỳ ca mổ nào liên quan đến tủy sống thường rất dễ gặp tai biến và khả năng bị liệt vĩnh viễn sau đó không hề nhỏ.

May mắn là ca mổ đã thành công. Hiện con em đang tập vật lý trị liệu để cải thiện khả năng đi đứng song bác sĩ cho biết khả năng hồi phục rất chậm. Nhưng dù sao cứu được mạng sống con em là em biết ơn các y bác sĩ lắm rồi. Phần còn lại thì em phải cùng con cố gắng mỗi ngày thôi.

Căn bệnh dò xoang bì con em mắc phải rất khó phát hiện. Mấy lần con em bị sốt, đi khám khắp nơi vẫn không ra bệnh. Vì nó khởi phát chỉ là một lỗ rất nhỏ ở lưng, thỉnh thoảng chảy ít dịch nên vợ chồng em cứ nghĩ là mụn nhọt và không để ý, chỉ dùng bông gòn thấm mủ khi thấy dịch chảy ra thôi. Sau đó bôi thuốc sát khuẩn chứ không dám tác động nhiều sợ nó nhiễm trùng. 

Theo em tìm hiểu thì tỷ lệ mắc bệnh từ 1/20.000 - 40.000 trẻ. Đây là một trong những bệnh lý bẩm sinh, hình thành trong quá trình mang thai. Đặc điểm của đường dò là nó nằm trên đường giữa của cơ thể: lưng, trán, mũi, sau gáy…

Bình thường bệnh rất khó rất phát hiện, thậm chí bác sĩ không chuyên khoa nhi cũng hay bỏ sót. Ở một số bệnh nhi, bệnh thường biểu hiện bằng những đợt tái phát viêm màng não không rõ lý do; Hoặc xuất hiện những mảng áp xe lớn dưới da, kèm viêm đỏ, chảy mủ.

Như trường hợp của con em là bệnh đã biến chứng nặng, đường dò đã hình thành khối u trong ống xương sống gây chèn ép tủy cấp, làm liệt tay chân dẫn đến suy hô hấp cấp tính. Bác sĩ nói nếu không vào bệnh viện kịp thời thì con em đã nguy hiểm đến tính mạng.

Thật ra, nếu bệnh phát hiện sớm, chưa có ổ mủ trong tủy sẽ chữa trị dứt điểm, không để lại di chứng thần kinh. 

Để phát hiện bệnh dò xoang bì từ sớm, ngay khi con chào đời, mẹ hãy kiểm tra đường giữa từ đầu đến phần xương cụt ở lưng để xem có dấu hiệu nào bất thường hay không như một lỗ nhỏ, một túm lông trên da, một mẩu da thừa, bướu máu trên da hay một ổ áp xe...