Trước 3 tuổi bắt con phải sống xa cha mẹ là một thiệt thòi lớn đối với trẻ.

Chị T là giáo viên trường mầm non. Từ lúc con được 6 tháng, chị đã phải cai sữa gởi con về quê cho bà ngoại nuôi để tiếp tục đi làm. Những ngày đầu sữa căng đau hành đến sốt nhưng chẳng là gì so với nỗi nhớ con đến thâm quầng mắt. Tuy nhiên, vì đang phải trả tiền góp mua nhà nên chị không dám nghỉ việc. 

Vậy mà đi làm được 3 tháng chị đã phải nộp đơn xin nghỉ việc, chấp nhận bán nhà trả nợ ngân hàng. Dư ít tiền chị mua miếng đất ở vùng ven để đó, cả nhà quay lại cuộc sống ở thuê như trước đây. 

Là một giáo viên mầm non, chị hiểu 3 năm đầu đời là thời kỳ quan trọng nhất cần tập trung chăm sóc để trẻ phát triển toàn diện cả thể chất lẫn trí não. Nếu bỏ lỡ giai đoạn này thì không còn cơ hội bù đắp được cho con. vậy nên, trước 3 tuổi bắt con phải sống xa cha mẹ là một thiệt thòi lớn đối với trẻ.

Về mặt thể chất, chỉ một năm sau sinh, cân nặng của con tăng gấp 3 lần. Chiều cao lúc 2 tuổi bằng một nửa chiều cao lúc trưởng thành. Đặc biệt, ở tuổi lên 3, não bộ của con có thể bằng 85% não bộ người lớn. Mặt khác, sự phát triển tâm lý và tính cách của trẻ tích cực hay tiêu cực phụ thuộc chủ yếu vào cách nuôi dạy của cha mẹ trong 3 năm đầu đời. Hay nói cách khác, đây là giai đoạn quan trọng định hình nhân cách của trẻ. 

Thêm nữa, trong những năm đầu đời, việc thiết lập sợi dây tình cảm giữa cha mẹ và trẻ là vô cùng quan trọng. Nếu mất đi sự kết nối này, việc nuôi dạy trẻ sau 3 tuổi sẽ gặp nhiều trở ngại. Do ít gần gũi với cha mẹ nên trẻ rất khó vâng lời, thậm chí dễ nổi loạn.

Vì vậy, mặc dù bà rất thương cháu nhưng bà đã lớn tuổi nên việc chăm sóc cháu sẽ bị hạn chế. Những khi cháu ốm đau, bà thường dựa vào kinh nghiệm dân gian để chữa bệnh mà không biết những phương pháp đó tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

hình ảnhNguồn ảnh: new.qq

Về mặt dinh dưỡng, bà không để tâm, miễn sao cháu no bụng là được. Còn về mặt uốn nắn, dạy dỗ, hầu như rất khó vì bà lúc nào cũng chiều chuộng cháu, chỉ cần cháu khóc đòi hỏi điều gì trong khả năng là bà đáp ứng ngay. Chính vì vậy, cháu dễ trở thành “ông trời con”, sẵn sàng ăn vạ nếu muốn mà không được.

Trái lại, trong vòng 3 năm đầu đời, nếu ở với cha mẹ, trẻ sẽ nhận được gì?

Tránh cho con những tổn thương vì bị chia cắt

Theo chuyên gia tâm lý, trước 3 tuổi, hệ thần kinh của trẻ cực kỳ nhạy bén nhằm giúp trẻ học hỏi nhanh, song đồng thời trẻ cũng rất nhạy cảm. Vì thế, những thay đổi đột ngột trong cuộc sống, đặc biệt là về mặt tình cảm (xa cách bố mẹ) dễ để lại tổn thương nghiêm trọng đối với trẻ.

hình ảnhNguồn ảnh: brightside

Chế độ chăm sóc, nuôi dạy khoa học

Mẹ luôn biết cho con ăn gì, uống gì để con có sức đề kháng chống lại bệnh tật trong 3 năm đầu đời - thời điểm con dễ bị bệnh vặt nhất. Mẹ cũng biết các loại thực phẩm giúp con phát triển tối ưu về thể chất và trí tuệ. Khi con bệnh, mẹ luôn cho con đi khám bác sĩ, uống thuốc theo toa để tránh hiện tượng lờn kháng sinh.

Ngoài ra, tùy theo từng giai đoạn phát triển mà cha mẹ sẽ áp dụng những cách nuôi dạy phù hợp để giúp con phát triển tối ưu.

Có một gia đình đúng nghĩa

Sống bên cạnh cha mẹ, nhận được tình yêu thương trọn vẹn sẽ giúp trẻ phát triển và nuôi dưỡng những tình cảm lành mạnh. Mặt khác, kết quả nghiên cứu từ Thư viện Y học Quốc gia Mỹ cho thấy những đứa trẻ 3 tuổi được sống trong môi trường yêu thương thường đạt điểm cao hơn trong các kỳ thi sau này.