Bế trẻ sơ sinh thế nào, trẻ sơ sinh mấy tháng thì bế đứng được,… là băn khoăn của rất nhiều người, cùng tìm hiểu thông tin này qua bài viết sau nhé.

Hôm qua nhỏ em họ vừa sinh con đầu lòng, mới nghe tin là em tất tả chạy vào viện để thăm cháu ngay các mẹ ạ. Ôi em bé đỏ hỏn bé tí hin, cứ chóp chép cái miệng nhìn đáng yêu cực! Mẹ nó thì sinh thường nên hồi người cũng nhanh, mọi thứ đều ổn, chỉ có điều nó không dám bế con ạ. Hỏi thì nó bảo con còn nhỏ quá, bé xíu như mèo ấy, sợ đụng vào lỡ làm sao thì đứng tim nên chưa đủ can đảm, giờ việc bế bồng đều giao cho bà nội với cả bà ngoại hết, nghe vừa tức cười mà cũng vừa thương. Chắc cũng có nhiều người giống nhỏ em em, đặc biệt là các chị mới làm mẹ lần đầu. Thực ra bế trẻ sơ sinh không quá khó, quan trọng là phải biết cách bế đúng. Em thấy cũng có nhiều chị hay lên mấy group nuôi con hỏi không biết phải bế bé thế nào, rồi trẻ sơ sinh mấy tháng thì bế đứng được,… nên hôm nay đang rảnh rang em xin chia sẻ với cả nhà về vấn đề này nha.

Cách bế trẻ sơ sinh qua từng giai đoạn

Chắc ai cũng biết, trẻ sơ sinh rất chi là non nớt, nếu không được bế đúng cách, xương sống, xương cổ,… của trẻ sẽ rất dễ bị ảnh hưởng. Rất nhiều người hay thắc mắc trẻ sơ sinh mấy tháng thì bế đứng được, vấn đề này phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và giai đoạn phát triển của từng bé đó các mẹ.

hình ảnh

Theo các chuyên gia, từ 0 – 3 tháng, mẹ nên bế bé theo tư thế nằm, hạn chế bế đứng vì lúc này xương của bé còn rất mềm, trọng lượng ở phần đầu chiếm khoảng ¼ trọng lượng của cơ thể. Nếu thường xuyên bế đứng, xương cột sống của bé phải chịu áp lực lớn, kéo dài rất dễ gây tổn thương. Do đó, tư thế bế tốt nhất khi trẻ dưới 3 tháng là tư thế bế nằm ngang, trong trường hợp buộc phải bế đứng cho bé ợ hơi, mẹ nên dùng tay đỡ phần đầu và mông của con thật cẩn thận, sao cho thân trên bé áp vào ngực mẹ để giảm áp lực xấu lên xương sống nhé.

Từ 3 - 5 tháng, cơ thể con đã có phần cứng cáp nên mẹ có thể bế đứng thường xuyên hơn, nhưng hãy nhớ vẫn phải dùng tay đỡ phần đầu cho bé và không bế đứng con quá lâu nha mẹ.

Từ 5 tháng trở lên, con khá vững vàng rồi nên chị em sẽ cảm thấy “dễ thở” hơn mỗi khi bế con, hãy lựa chọn những tư thế bế khác nhau tùy theo sở thích của con và từng tình huống cụ thể nhé.

Một số lưu ý khi bế trẻ sơ sinh mẹ cần nhớ

Nếu bế sai cách, xương bé có thể phải chịu nhiều áp lực gây tổn thương nên các mẹ cần đặc biệt chú ý những vấn đề sau nha:

hình ảnh

- Luôn chú ý đến phần đầu, cổ của trẻ: Với trẻ sơ sinh, đặc biệt là những em bé dưới 3 tháng, mẹ luôn phải chú ý dùng tay hỗ trợ phần đầu và cổ của con mỗi khi bế bé lên hoặc đặt bé xuống vì lúc này cổ của bé gần như chưa có lực.

- Dùng động tác nhẹ nhàng: Bé sơ sinh có xu hướng thích được mẹ bế một cách nhẹ nhàng, dịu dàng nên chị em luôn phải bình tĩnh, đừng bao giờ thực hiện động tác bế quá nhanh và mạnh. Khi bế, hãy nhìn vào mắt con và mỉm cười để bé cảm thấy yên tâm và an toàn hơn.

- Giữ vệ sinh sạch sẽ: Trước khi bế bé, mẹ nên giữ tay sạch sẽ bằng cách rửa tay thường xuyên. Có con nhỏ, mẹ cũng hãy hạn chế đeo nữ trang, nhất là các loại vòng tay, nhẫn,… có hạt vì rất dễ làm xước làn da non nớt của bé.

Chia sẻ của em chỉ có nhiêu đó thôi nhưng hy vọng chị em đọc qua cũng sẽ có thêm kinh nghiệm và không thắc mắc liệu phải bế con thế nào hay trẻ sơ sinh mấy tháng thì bế đứng được nữa nhé!