Thế giới là một nơi mới mẻ đầy hấp dẫn đối với trẻ sơ sinh. Có rất nhiều kỹ năng mới cần phải học. Và ngay khi trẻ bắt đầu tập nói, ngồi hay đi, chúng cũng sẽ học cách sử dụng đôi mắt của mình.

Khi con vừa chào đời, mẹ rất muốn âu yếm, vỗ về con, nhưng nhìn vào ánh mắt có vẻ như con chẳng tương tác với mẹ chút nào. Có bao giờ mẹ tự hỏi mắt trẻ sơ sinh bao lâu thì nhìn thấy?

Trẻ sơ sinh bình thường khi sinh ra đã có khả năng thị lực, nhưng chúng chưa biết cách nhìn tập trung, dịch chuyển chính xác con ngươi, hay thậm chí là không biết cách dùng cả hai mắt để nhìn. Thông tin có được nhờ thị giác là một phần quan trọng để hiểu biết thế giới xung quanh. Trẻ gặp vấn đề về thị giác sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển sau này, nên các bậc cha mẹ cần phải hết sức chú ý đến từng thời kỳ phát triển của trẻ cùng khả năng thị lực của chúng.

hình ảnhẢnh minh họa (Nguồn Loonylab)

1. Thị lực của trẻ từ lúc mới sinh đến 4 tháng tuổi

Khi trẻ mới sinh, chúng chỉ nhìn bạn và thế giới xung quanh thông qua đôi mắt mờ đục. Chúng chỉ có thể nhìn rõ những vật cách mặt chúng từ 20 đến 25cm. Đó đúng bằng khoảng cách để con bạn nhìn thấy bạn mỗi khi bạn ẵm chúng trên tay.

Sau 9 tháng ở trong bóng tối tử cung, thế giới bây giờ là một nơi thật chói lòa, đầy kích thích thị giác.  Lúc đầu, trẻ sẽ khó lần theo các đồ vật khác nhau, hoặc thậm chí không phân biệt được mọi thứ. Nhưng điều này không kéo dài lâu.

Trong vài tháng đầu đời của trẻ, mắt chúng sẽ bắt đầu kết hợp lại và hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng việc phối hợp giữa hai mắt có thể gặp khó khăn, và bạn có thể thấy một bên mắt của chúng dường như bị dại, hoặc cả hai mắt nhìn hơi bị lé. Các phụ huynh lần đầu lên chức sẽ không khỏi tự hỏi không biết con có bệnh về mặt hay không, mắt bé sơ sinh bao lâu thì nhìn thấy. Đa số trường hợp đều là hiện tượng bình thường. Nhưng nếu một bên mắt trông có vẻ thường xuyên nhìn hướng về bên trong hay ra bên ngoài, hãy tư vấn bác sĩ nhi khoa ngay bạn nhé. Bạn cũng nên theo dõi sự phối hợp giữa mắt và tay trẻ, đặc biệt là mỗi khi mắt chúng nhìn theo một vật và đưa tay với tới nó.

Dù chúng ta chưa biết trẻ sơ sinh có thể phân biệt màu sắc đến mức nào, có vẻ việc nhận thức màu sắc vẫn chưa phát triển đầy đủ trong giai đoạn này, và trẻ sẽ học từ những màu sắc tươi sáng của đồ chơi và chăn mền của chúng. Trong khoảng 8 tuần tuổi, đa số trẻ sơ sinh đã có thể dễ dàng nhận diện khuôn mặt của cha mẹ chúng.

Đến 3 tháng tuổi, mắt của con bạn đã có thể dõi theo mọi sự vật xung quanh. Nếu bạn đong đưa một món đồ chơi có màu sặc sỡ, bạn sẽ thấy mắt chúng nhìn theo chuyển động của món đồ, và với tay bắt lấy nó. Hãy tạo thói quen nói chuyện với trẻ và chú ý đến những phản ứng bạn thấy.

2. Thị lực của trẻ từ 5 đến 8 tháng tuổi

Thị lực của trẻ sẽ phát triển rất nhanh trong suốt thời gian này. Chúng sẽ có những kỹ năng mới, bao gồm cả nhận thức chiều sâu. Khả năng này giúp trẻ phân biệt được vật ở xa hay gần, điều mà trẻ không làm được ở giai đoạn mới sinh.

Thường thì hai mắt trẻ không phối hợp tốt với nhau cho đến tháng thứ 5. Ở tuổi này, mắt chúng đã có thể nhìn thế giới ở góc nhìn 3 chiều, giúp chúng có thêm nhận thức chiều sâu khi nhìn mọi vật.

Cải thiện khả năng phối hợp tay – mắt sẽ giúp trẻ phát hiện một vật thú vị nào đó, nhặt nó lên, xoay nó, và khám phá bằng nhiều cách khác nhau. Con bạn sẽ thích nhìn mặt bạn, nhưng chúng cũng có thể bị cuốn hút bởi những quyển sách chứa những vật thể quen thuộc.

Nhiều trẻ đã bắt đầu biết bò trườn, dịch chuyển khi được khoảng 8 tháng tuổi. Dịch chuyển giúp trẻ cải thiện hơn khả năng phối hợp tay – mắt – cơ thể của chúng.

Suốt khoảng thời gian này, nhận thức màu sắc của trẻ cũng được hoàn thiện. Hãy đưa trẻ đến những địa điểm mới, lôi cuốn và tiếp tục chú ý và ghi lại những gì bạn quan sát được từ trẻ. Treo những món đồ chơi trên cũi của trẻ, và đảm bảo chúng có nhiều thời gian để chơi an toàn trên sàn nhà.

3. Thị lực của trẻ từ 9 đến 12 tháng tuổi

Khi con bạn được gần 1 tuổi, chúng đã có thể phán đoán được khoảng cách rất tốt. Đây là khả năng rất tiện lợi khi chúng lọ mọ các góc giường hay khám phá phòng khách từ góc này sang góc nọ. Lúc này, chúng cũng có thể ném các đồ vật với sự chính xác nhất định, nên hãy trông chừng chúng nhé!

Lúc này thì con bạn đã có thể nhìn rõ mọi thứ, cả gần lẫn xa. Chúng có thể nhanh chóng định vị cả những vật thể đang chuyển động nhanh. Chúng thích chơi trò trốn tìm với đồ chơi, hay ú tim với bạn. Hãy nhớ gọi tên các đồ vật khi bạn nói chuyện, để khuyến khích chúng học thêm từ mới.

Vậy là các mẹ đã biết mắt trẻ sơ sinh bao lâu thì nhìn thấy rồi đúng không? Hi vọng bài viết này sẽ có ích cho các mẹ.

Bài và ảnh tổng hợp từ Heathline