Hối mang bầu cu Tép được 32 tuần thì mình bị vỡ nước ối nên phải đẻ luôn. Tép sinh ra chỉ nặng vỏn vẹn có 1,8kg phải sống trong lồng kính gần 1 tháng, mỗi lần nhìn con bé tí xíu mà thương rớt nước mắt. Vì sinh non nên con phát triển chậm lắm và yếu hơn nhiều so với các bé cùng lứa, nên mẹ cháu rất sốt ruột.



Thấy mình lóng ngóng nên bà nội tâm lý xách va li lên ở cùng để chăm Tép cho đến khi cháu 1 tuổi. Phải công nhận bà nội mát tay nên Tép dần cứng cáp và lên cân đều đều, cũng ít ốm vặt các mẹ ạ.



Hôm nay thấy trên diễn đàn rất nhiều bà mẹ trẻ lo lắng sau khi sinh con thiếu tháng và không biết làm sao để con nhanh cứng cáp, mình xin được chia sẻ 1 số kinh nghiệm đã học được từ bà nội Tép cho các mẹ tham khảo nhé.



1. Cho bé bú sữa mẹ đầy đủ



Bà nội Tép nhất quyết không để vợ chồng mình dùng sữa ngoài mà yêu cầu phải cho cháu bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Bà bảo rằng trẻ sinh non cần được bú gấp 3 lần so với trẻ khác, hơn nữa sữa mẹ sẽ giúp bé giảm khả năng bị nhiễm trùng, viêm phổi, viêm dạ dày ruột hay nhiễm trùng tai. Nên thời điểm đó mình đã chịu khó ăn biết bao nhiêu chất để đảm bảo đủ sữa cho con.



Nhưng có 1 số trường hợp bé không bú được sữa mẹ (như trường hợp của bạn mình) thì các mẹ hãy cho con dùng các loại sữa non hoặc sữa công thức đặc biệt. Khi trẻ đã đạt 34 - 36 tuần, bé có thể được chuyển sang công thức định kỳ hoặc công thức chuyển đổi cho trẻ sinh non lớn hơn.



2. Chăm chút từng giấc ngủ của bé



Những ngày Tép còn bé tí ti, bà nội chẳng bao giờ rời con nửa bước vì bà luôn muốn đảm bảo con ăn ngoan ngủ ngoan. Bà bảo rằng trẻ sơ sinh mỗi ngày cần ngủ đủ 16 – 18 tiếng để tốt nhất cho sự phát triển của trẻ


Dù khi lớn lên thời gian ngủ của bé sẽ giảm đi nhưng các mẹ vẫn cần đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc và đúng giờ. Nhất là vào buổi tối không cho trẻ thức quá muộn vì ngủ muộn sẽ làm cho tuyến yên không tiết ra hormone tăng trưởng làm bé chậm lớn, chậm tăng cân hơn.



3. Cho con ăn dặm đúng cách



Khi Tép ngoài 6 tháng tuổi, bà nội bắt đầu cho con ăn dặm (từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc) kết hợp bú sữa. Cứ khoảng 1,5 – 2h bà nội cho Tép ăn 1 lần, sau này con lớn hơn một chút thì khoảng cách này có thể giãn cách hơn.


Khi ăn dặm, bà nội thường chế biến cho Tép một số món vừa dễ ăn, vừa đầy đủ chất dinh dưỡng như sau:


- Khoai lang chứa đường và beta carotene giúp trẻ dễ tiêu hóa, bổ sung năng lượng cho cơ thể.


- Ngũ cốc dùng làm các loại bột ăn dặm hoặc nấu cháo rất giàu vitamin E, chất béo, protein


- Khoai tây là thực phẩm tăng nguồn carbohydrates, năng lượng giúp trẻ tăng cân nhanh


Tuy nhiên, sau này khi các bé cứng cáp hơn, các mẹ hãy bổ sung thêm nguồn thực phẩm tươi sống như thịt, cá, trứng, rau củ quả… vào khẩu phẩn ăn hàng ngày cho bé nhé!



4. Theo dõi cân nặng của con



Theo dõi cân nặng của bé rất quan trọng bởi điều này sẽ giúp chúng ta đánh giá sự phát triển của con. Khi nhận ra cân nặng của Tép không đạt như mong đợi, bà nội sẽ xem xét và điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt của con.



5. Mát-xa cho con



Đây là cách em học được từ chị bạn nên về áp dụng cho Tép. Massage sẽ giúp bé có nhịp thở đều đặn nhẹ nhàng hơn, thúc đẩy kích thích sự tăng trưởng, giảm nhanh đau bụng, táo bón, từ đó giúp trẻ tăng cân. Không chỉ vậy phương pháp này còn rất tốt cho sự phát triển của não bộ và hệ thống miễn dịch của trẻ.


Mỗi ngày em thường dùng dầu ô liu mát xa 2 lần cho con vào lưng và bụng, lần nào bé cũng thích mê mắt lim dim ngủ gật, trông đáng yêu vô cùng.


webtretho


Hình ảnh chỉ mang tính minh họa.





Xem thêm 1 số bài viết cùng chủ đề:


Mẹ có tiền sử sảy thai, sinh non đừng ăn 5 loại rau này kẻo mất con


9 cách dễ dàng để ngăn ngừa sinh non


Em suýt sảy thai và sinh non ở tuần 29 vì chủ quan với căn bệnh ai cũng có thể mắc phải khi bầu bí