Các nhà khoa học Nhật Bản vừa công bố một nghiên cứu gây chấn động, đó là tế bào ung thư của người mẹ có thể truyền sang con qua nước ối.

Ngày 7-1, Trung tâm Nghiên cứu ung thư quốc gia Nhật Bản cho biết họ đã phát hiện hai trường hợp trẻ em mắc ung thư phổi (một bé trai 1 tuổi, 1 bé trai 6 tuổi) do lây truyền từ người mẹ mắc ung thư cổ tử cung trong quá trình sinh thường. Điều đó cho thấy tế bào ung thư của người mẹ có thể truyền sang con qua nước ối.

hình ảnh


Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: foxnews

Cụ thể, hai bé trai nuốt phải nước ối có chứa tế bào ung thư cổ tử cung của người mẹ qua ngả sinh âm đạo. Sau đó các tế bào ung thư đã di chuyển và gây ra bệnh ung thư phổi cho chúng.

Phân tích cho thấy sự sắp xếp DNA của các tế bào ung thư, kể cả các đột biến gen ở bệnh nhi và người mẹ là tương đồng nhau. Ngoài ra, các tế bào ung thư ở hai bé trai này cũng không chứa nhiễm sắc thể Y - loại nhiễm sắc thể thường được tìm thấy ở nam giới.

Từ đó, các nhà khoa học kết luận tế bào ung thư ở con có nguồn gốc từ tế bào gây ung thư cổ tử cung của người mẹ. 

Chitose Ogawa, thành viên nhóm nghiên cứu, Trưởng khoa Ung thư Nhi của Bệnh viện Ung thư Quốc gia Nhật cho biết: “Cứ 1 triệu trẻ em thì mới có 1 trẻ mắc ung thư phổi. Tỷ lệ trẻ nhỏ mắc ung thư phổi là cực kỳ hiếm. Điều quan trọng là phải ngăn ngừa bệnh ung thư cổ tử cung ở người mẹ”.

Nguyên nhân chủ yếu gây ra ung thư cổ tử cung là do virus Human Papillomavirus (HPV). Gần 99% bệnh nhân ung thư cổ tử cung bị nhiễm virus HPV. Tiêm phòng ung thư cổ tử cung là cách đơn giản và hiệu quả giúp ngăn chặn căn bệnh nguy hiểm hàng đầu này ở phụ nữ. Lứa tuổi thích hợp để tiêm ngừa là từ 9-26 tuổi.

Trong trường hợp thai phụ mắc bệnh ung thư cổ tử cung, nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị hình thức sinh mổ để hạn chế sự di chuyển của các tế bào ung thư.

hình ảnhẢnh minh họa - Nguồn ảnh: theconversation

Trước đó, các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu ung thư - Trường đại học London - Anh và nhóm các đồng nghiệp Nhật Bản đã chứng minh rằng thai nhi có thể nhiễm bệnh ung thư từ mẹ thông qua nhau thai.

Kết quả dựa trên phân tích DNA của một sản phụ qua đời vì bệnh máu trắng và con gái mới sinh của người mẹ này. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng tế bào ung thư ở cả hai mẹ con đều chia sẻ chung một loại gen đột biến là BCR - ABL1. Tuy nhiên, kết quả phân tích mẫu máu cho thấy ung thư đã lan truyền từ người mẹ sang bé gái ngay từ khi bé còn ở trong bụng mẹ chứ không phải là do di truyền gen từ mẹ. 

Thông thường, các tế bào lạ được truyền qua nhau thai vào thai nhi thì hệ miễn dịch sẽ phát hiện và tiêu diệt. Đó là lý do bệnh ung thư rất khó truyền từ mẹ sang con.

Song vẫn có ngoại lệ. Đó là khi một số tế bào bị lỗi gen, chẳng hạn như lỗi gen kiểm soát chức năng miễn dịch thì tế bào ung thư vẫn có thể truyền từ mẹ sang con qua nhau thai.