Chữa tiêu chảy cho trẻ sơ sinh bằng búp ổi cần tuyệt đối thận trọng bởi có thể khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng hơn.

Trong dân gian, mẹo dùng lá ổi để điều trị bệnh tiêu chảy trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên không phải bệnh tiêu chảy nào cũng đều được áp dụng phương pháp này, nhất là đối với trẻ nhỏ. Mới đây 1 bà mẹ ở Hà Nội đã được phen hốt hoảng khi nhai búp ổi non cho con 19 tháng tuổi ăn, kết quả là sau 1 ngày bé phải nhập viện trong tình trạng bỏ ăn, không bú mẹ, không chơi đùa như ngày bình thường.

Nhai lá ổi trị tiêu chảy cho con vì không muốn con phải uống thuốc kháng sinh

Theo đó, chị N.V.P. – trú tại Thanh Trì, Hà Nội cho biết, con chị đã được 19 tháng tuổi, mấy ngày gần đây bé đi ngoài 1 ngày hơn chục lần, nhìn thấy con như vậy người mẹ nào cũng xót xa. Tuy nhiên trước đến giờ chăm con, chị P. sợ nhất là dùng thuốc kháng sinh cho con uống nên khi nghe hàng xóm hướng dẫn cách lấy búp ổi non để điều trị bệnh tiêu chảy cho con rất hiệu quả, không ngần ngại suy nghĩ, chị đã đi tìm búp ổi và nhai cho con ăn. Sau đó bé không ăn nên chị P. lấy búp ổi giã lấy nước và đổ vào miệng con. Thế nhưng kết quả lại ngược với mong đợi, sau 1 ngày dù đã cho bé uống nhiều nước ép lá ổi, tình trạng tiêu chảy của con vẫn không cầm được. Con lại càng có biểu hiện bỏ ăn, không bú mẹ, không chịu chơi giỡn như mọi ngày nên chị đã đưa con đi khám bác sỹ.

hình ảnh

Kết quả là, tình trạng tiêu chảy không cầm được, sau hơn 1 ngày uống nhiều nước ép búp ổi, bé rơi vào tình trạng rối loạn điện giải, bỏ ăn, không bú mẹ, không chơi. Thấy con có dấu hiệu lạ, chị P. đưa con đi khám bác sĩ.

Nhiều trường hợp thần thánh công dụng búp ổi để điều trị tiêu chảy cho con

PGS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết ông thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh nhi bị tiêu chảy, trong đó thay vì làm theo hướng dẫn của bác sĩ, các bà mẹ lại tìm cách trị bệnh cho con bằng mẹo dân gian.

Mặc dù từ trước đến nay, trong dân gian, lá ổi được dùng cầm tiêu chảy hiệu quả. Trong lá ổi xanh còn chứa hoạt chất flavonoid loại quercetin, có hoạt tính trên sự bài tiết acetylcholin trong ruột, kích thích cơ trơn ruột giúp giảm giảm đau nhanh. Tuy nhiên điều đáng nói là không phải tiêu chảy nào cũng dùng lá ổi non vì nguyên nhân có thể do virus, vi khuẩn hoặc do các bệnh lý khác. Vì trẻ sơ sinh là đối tượng nhạy cảm nên mẹ tuyệt đối không nên tự chữa tiêu chảy cho con tại nhà. Cách tốt nhất là đưa trẻ đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế uy tín để xác định nguyên nhân và có phương pháp xử lý phù hợp.

hình ảnh

Nguồn hình: sohu

Bên cạnh phác đồ điều trị của bác sĩ, mẹ cũng cần có chế độ chăm sóc đặc biệt khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy:

-Tích cực bù nước cho trẻ để tránh rối loạn điện giải. Trong trường hợp bé vẫn còn bú mẹ, cần tăng cữ bú trong ngày để bù lại lượng nước đã mất do tiêu chảy

-Không tự ý sử dụng kháng sinh. Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ sơ sinh, phụ huynh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ

-Vệ sinh cá nhân cho trẻ và môi trường sạch sẽ

-Nếu trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày kèm theo hiện tượng nôn ói, người tím tái, mẹ cần mau chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời

-Mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu đời. Trong thời gian cho bé bú, mẹ nên chú ý chế độ ăn uống lành mạnh để tránh ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ.