Chó và mèo thường là thú cưng rất được trẻ nhỏ yêu thích. Nhưng phụ huynh cũng lưu ý nên vệ sinh cho bé sạch sẽ sau khi bé chơi với các bạn nhỏ nhé. Trường hợp bé 2 tuổi hay dụi mắt, bố mẹ đưa đi khám mới ngã ngửa trước những “thứ” gắp ra được trong mắt con mới đây sẽ khiến không bậc cha mẹ nào dám chủ quan khi để con chơi với chó mèo nữa.
Em đọc trên Ettoday thì một bé gái 2 tuổi đến từ Vũ Hán đột nhiên ngứa mắt một cách bất thường. Lúc đầu, bố mẹ bé nghĩ rằng có bụi hoặc lông mi vướng vào mắt, nhưng khi xem xét mí mắt của con, họ giật mình thấy có một vật trắng, dài khoảng 1cm ngọ nguậy trong nhãn cầu bé gái. Hốt hoảng, họ đưa con đi khám thì bác sĩ cho biết, trong mắt bé gái 2 tuổi có 6 con giun sống dài từ 1 đến 2 cm. Bác sĩ nhận định ký sinh trùng trong mắt bé gái là "giun tròn kết mạc", rất có thể bé gái không rửa tay sau khi chơi với chó mèo, bị trứng giun đeo bám và làm tổ trên mắt.
Bé 2 tuổi hay dụi mắt nhưng cha mẹ cứ ngỡ dị vật (Ảnh Read1)
Mẹ bé gái cho biết trong nhà không có nuôi chó mèo. Nhưng dịp Tết Âm lịch vừa rồi, cả nhà về quê thăm họ hàng. Con gái nhỏ đặc biệt quấn quýt chú chó của nhà ông bà nội, lúc chia tay còn quyến luyến không rời. Sau đó họ thấy con gái hay dụi mắt nhưng cứ nghĩ là dị vật thông thường, không thể ngờ lại là vật thể sống. Bác sĩ nhận định rất có thể tay của em bé đã bị dính trứng giun trong quá trình chơi với chó cưng. Các bác sĩ đã lôi những con giun ngọ nguậy trong mắt bé ra, đến lúc này chúng vẫn quẫy đạp hết sức sinh động, nhưng bố mẹ bé nhìn thấy thì rùng hết cả mình.
Các bác sĩ lôi ra 6 con giun (Ảnh Read1)
Bác sĩ cho biết, giun tròn hút kết mạc sẽ sử dụng chất đạm trong nước mắt làm thức ăn dinh dưỡng của mình. Để lâu không chữa sẽ tạo viêm nhiễm, khiến thị lực bị ảnh hưởng, thậm chí mù vĩnh viễn. Sau khi trứng nở thành ấu trùng, chúng sẽ ký sinh trong tuyến lệ, màng túi lệ hoặc túi kết mạc của động vật, chim chóc, phần lớn là ký sinh ở động vật. Trong số đó, chó, mèo là nguồn lây bệnh chính. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nhiễm ký sinh trùng có thể không dám mở mắt, cứ dụi mắt liên tục, trường hợp nặng có thể kèm theo xung huyết kết mạc, hình thành các vết loét nhỏ, mờ giác mạc, phù nề mi mắt.
Những con giun được gắp ra dài khoảng 1 đến 2 cm, bơi trong mắt, nhìn hình dáng có thể phán đoán là một loại tuyến trùng hút kết mạc. Tuyến trùng hút kết mạc là loại ký sinh trùng tương đối phổ biến ở mèo, chó và thỏ.Sự di chuyển của chúng sẽ gây ra tình trạng viêm cục bộ ở mắt của chúng ta. Các chuyên gia nhắc nhở nhà có trẻ nhỏ thì cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra, tắm rửa, tẩy giun cho thú cưng để tránh gặp phải ký sinh trùng. Sau khi tiếp xúc gần với vật nuôi, nhắc trẻ chú ý vệ sinh tay, không dùng tay dụi mắt.
Mẹ bé cho biết con rất thích chơi với thú cưng (Ảnh Read1)
Em bé trong trường hợp trên sống trong cộng đồng có nuôi chó mèo, nhà ông bà cũng nuôi chó con nên không thể loại trừ khả năng bị lây bệnh từ vật nuôi. Do vậy khi nhà có vật nuôi, cha mẹ phải vệ sinh tay chân trẻ nhỏ thật kỹ càng. Ngoài ra, nếu trẻ thường xuyên dụi mắt thì cũng không nên chủ quan, phải xem xét kỹ và phán đoán xem bé có thuộc những tình huống dưới đây không:
- Lông mi ngược: Một số bé dụi mắt vì lông mi mọc ngược. Vì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có khuôn mặt ngắn, sống mũi chưa phát triển, mí mắt có nhiều mỡ, viền mí dày hơn, dễ làm lông mi cuộn vào trong. Ngoài ra, trẻ sơ sinh hay khóc nên nước mắt tiết ra nhiều hơn, nước mắt nhớt hơn, lông mi mảnh và mềm khi nhúng vào nước mắt và cọ trên bề mặt mắt, gây khó chịu cho mắt.
Đối với trường hợp này, cha mẹ không nên tự ý nhổ hoặc cắt mi, vì việc nhổ lông mi thường làm tổn thương các nang lông và da vùng rìa mi mắt, khiến mi mọc lộn xộn, mọc ngược mi mắt. Nếu bé quá khó chịu thì hãy đưa đi khám để các bác sĩ có thể hướng dẫn việc chăm sóc mắt trẻ.
- Dị vật vào mắt: Khi bé chơi ngoài trời, các vật thể lạ như cát và côn trùng có thể dễ dàng bay vào mắt bé. Lúc này, hầu hết các bé sẽ không tránh khỏi việc lấy tay dụi mắt, điều này sẽ gây ra nhiều tổn thương hơn. Khi có dị vật vào mắt bé, cha mẹ nên rửa tay sạch sẽ trước, sau đó dùng ngón cái và ngón trỏ kéo nhẹ mi trên của bé, đưa về phía trước, thổi nhẹ vào mắt, kích thích mắt chảy nước mắt, để bụi trôi đi. Hoặc yêu cầu trẻ nhìn lên trên, mẹ dùng ngón tay nâng nhẹ mi dưới, sau khi tìm thấy dị vật, dùng tăm bông sạch thấm ướt nhẹ nhàng đưa dị vật ra ngoài.
- Chàm da: Khi bé bị chàm da sẽ có cảm giác ngứa ngáy, nhất là vùng da quanh mắt bị chàm, bé cũng dễ đưa tay ra và dụi. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất là dùng thuốc bôi theo hướng dẫn của bác sĩ. Tránh dùng xà phòng hoặc sữa tắm có tính kiềm mạnh cho trẻ. Cắt móng tay cho trẻ thường xuyên để tránh làm trầy xước vùng bị ảnh hưởng và ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp.
Em bé đã không còn dụi mắt nữa (Ảnh Ettoday)
- Viêm kết mạc: Ở những trẻ bị viêm kết mạc, lòng trắng của mắt có màu hồng, trong trường hợp nặng, mí mắt và lông mi bị dính vào nhau bởi chất tiết. Bé dụi mắt liên tục vì tình trạng viêm nhiễm có thể khiến bé cảm thấy ngứa ngáy. Phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ, và sử dụng một số loại thuốc nhỏ mắt kháng sinh hoặc thuốc mỡ tra mắt để điều trị theo chẩn đoán. Bệnh viêm kết mạc rất dễ lây lan, vì vậy một khi bé mắc bệnh này, mẹ nên cách ly với những trẻ khác.
Ngoài ra, sắp tới thời gian nghỉ hè, cha mẹ cũng nên nhắc nhở con ra ngoài chơi thì về nhà phải vệ sinh tay chân thật kỹ. Phụ huynh cũng tránh dẫn con đến những nơi có nhiều bụi rậm, bùn cát... trong thời gian này.
Tổng hợp từ Ettoday, Read1…