Nhiều gia đình coi trọng mặt mũi còn hơn hạnh phúc của con cái. Thậm chí chỉ cần con làm lệch đi chí hướng ban đầu cha mẹ vạch ra cũng bị xem là nỗi nhục của gia đình

Sự thật mất lòng nhưng vẫn phải nói.

Không ít gia đình coi con cái như công cụ để tô vẽ lên màu sắc của cuộc sống nhàm chán và tầm thường của mình. Khi hay tin cấn bầu, “tác phẩm” này không thể đợi chờ thêm nữa để tới ngày công bố sự tồn tại. Sự háo hức lại càng tăng lên bội phần bởi ngày giờ đứa trẻ xuất hiện trên thế giới này đem đến hào quang sân khấu. Từ giờ phút ấy, con trở thành trung tâm của mọi sự chú ý và tất cả những lời khen ngợi sẽ tràn ngập quanh khán đài. Phù phiếm của những lời ca tụng thật khiến cha mẹ nở mày nở mặt.

Đâu đó, chúng ta xem con là vật phát ra hào quang làm gia đình, họ tộc hưởng tiếng thơm. Nhưng mấy ai tỉnh táo để hiểu được rằng trẻ con sinh ra và đến thế giới này không phải để giúp cha mẹ đạt được thứ gì đó chứ nói gì đến chuyện mang lại vinh quang.

Điều tốt nhất cha mẹ cần làm cho con cái là đồng hành vào sự phát triển của con và như thế có nghĩa là cho đi.

Khi con vấp ngã vì một chướng ngại vốn dĩ đã được đặt sẵn trên bước đường trưởng thành mà cha mẹ đã vội sợ con “làm mất mặt” thì nghĩa là cha mẹ đã và đang phủi phanh phẩm giá của con mình.  

1. Biến con thành tấm vé mua “sĩ diện” cho cha mẹ

Trong một buổi tiệc họp mặt gia đình, dòng họ, bố mẹ thúc bé Nhi phải tiến lên sân khấu để hát một bài hát tiếng Anh mà mẹ đã cất công lên mạng tìm kiếm và bắt bé phải học thuộc. Dưới khán đài, họ hàng cô bác ai nấy tròn xoe mắt, trầm trồ khen bé tuổi trẻ tài cao. Với những thôn xóm dân dã quê nghèo, một đứa trẻ cất giọng hát tiếng Anh trông mới oách làm sao.

hình ảnh

Ảnh minh họa: Sohu

Ngồi ở một góc, lắng nghe từng người một bình phẩm những lời hoa mỹ không ngớt về con, mẹ bé Nhi phổng hết cả mũi. Nói như ông bà hay trêu là cả toa tàu chui hầm còn lọt.

Sau lượt Nhi, các con cháu nhà bà Năm, cô Sáu, chị Bảy lại nối đuôi nhau tiến lên sân khấu và bữa tiệc sum họp gia đình bỗng chốc trở thành cuộc thi hát. Nói đúng hơn là cuộc thi sĩ diện cho cái gọi là mặt mũi của đấng sinh thành. Nhưng đâu phải đứa trẻ nào cũng như nhau. Tâm lý trước đám đông của mỗi đứa trẻ cần có sự chuẩn bị và tập luyện, bằng không nó có thể gây lo âu, hoảng loạn và sợ hãi, nhất là khi cha mẹ chúng cứ liên tục ở bên thúc ép "Mau hát đi con, không thì mẹ sẽ bực lắm đó", "Đồ nhát gan, vô dụng", "Con hư quá. Con xem chị Nhi kìa có thấy hổ thẹn không”... Cứ thế, cha mẹ liên tục hối thúc con làm điều mình muốn mà không cần biết bé có thích điều đó hay không. Nhưng điều đáng buồn hơn nữa là cha mẹ không cần quan tâm con mình có khả năng làm điều đó không mà là mặt mũi cha mẹ có nở ra thêm được cm nào không.

Tuy nhiên, sự xuất sắc của con cái và thể diện của cha mẹ lại là hai phạm trù khác nhau. Bản thân khái niệm xuất sắc rất rộng. Nếu trong mắt cha mẹ, con cái xuất sắc như tấm vé đắt giá mua được thể diện thì hoặc đứa trẻ đó khi lớn lên sẽ phải trải qua giai đoạn nổi loạn khủng hoảng, hoặc sẽ trở thành con rối trong tay cha mẹ, đánh mất bản thân và luôn sống vì sự hài lòng của người khác.

2. Dạy con trước mặt người khác

Nếu nói cha mẹ ép con làm điều mình muốn là những người đang làm tổn thương con cái sẽ không đủ. Còn một điều khác có sức ảnh hưởng lớn hơn, đó chính là dạy con trước mặt người khác.

Cũng là một cách để giữ mặt mũi nhưng việc dạy con trước mặt người khác lại biến tướng sang một hình thái khác.

Bé Tủn lần đầu tiên đi học mẫu giáo. Cô giáo chủ nhiệm là một giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết nhưng chưa có kinh nghiệm. Một ngày nọ sau khi tan học, cô giáo gọi mẹ bé Tủn lại và nói chuyện riêng. Cô bảo bé ở lớp đã mắc lỗi và cô đã phê bình. Khi mẹ hỏi đó là tội gì mà phải phê bình thì cô giáo trả lời rằng bé Tủn nói với cô “Trẻ con cũng có thể đánh cô giáo”. Khi hỏi “Con nghe ai nói?” thì bé bảo "Là mẹ con dạy". Nghe đến đây, mẹ bé Tủn liền kéo con lại và mắng lớn tiếng như thể để cô giáo cùng nghe. Về nhà, mẹ còn đem chuyện kể cho ba Tủn nghe. Nhưng sau khi nghe xong đầu đuôi câu chuyện, ba Tủn chỉ bảo: "Tại sao em lại đặt con vào thế đối đầu với mẹ giữa chốn đông người? Điều này rất bất công với con. Anh nghĩ những gì em muốn chỉ là giữ thể diện cho chính mình. Cơ bản, tình cảm và suy nghĩ của con thế nào, em không quan tâm”.  

Có nhiều cha mẹ mắng con ngay trước mặt đông người không phải vì muốn tốt cho con mà chỉ vì sợ mất mặt mũi với người khác khi hiệu quả dạy dỗ của mình chưa nên. Điều này giống như mũi dao đâm vào tâm hồn của trẻ vậy.

3. Kiềm chế sự chiếm hữu tình yêu và trau dồi khả năng yêu thương

Người mẹ nào cũng muốn nói với con “Mẹ yêu con hơn yêu chính bản thân mình”. Tuy nhiên không phải cứ yêu là đặt tình cảm của trẻ lên hàng đầu. Bản năng của người mẹ rất lớn nhưng phải biết kiềm chế và tu luyện. Khi muốn mắng phạt con hay dạy dỗ trong ôn hòa, hãy luôn tự hỏi “Tôi làm điều này vì lợi ích của con hay vì thể diện cho chính mình?”.

hình ảnh

Ảnh minh họa: sohu

Có những bé tính tình hiền lành, lại hiểu chuyện, biết rõ đánh nhau là không tốt. Nhưng khi bị mất đồ chơi và về nói với mẹ thì mẹ lại la oang oang lên “Nó cướp đồ chơi của con, sao con không lấy lại”, “Nó đánh mày sao mày không đánh lại mày. Nhu nhược thế là cùng”.

Nếu có từng thốt ra những lời này, hãy thử suy nghĩ thật kỹ xem con sẽ tổn thương vì mất món đồ chơi hay vì những lời trách móc của mẹ?

Thế giới của trẻ nhỏ cũng có những quy tắc riêng và mỗi đứa trẻ sẽ tự tìm cách tìm ra vị trí của mình dựa trên những đặc điểm tính cách và tính khí của riêng mình.

Vai trò của cha mẹ không phải là làm phức tạp thế giới của trẻ em từ góc nhìn của người lớn, chia rẽ bạn và thù, người xấu và người tốt, bắt nạt và bị bắt nạt, mà phải âm thầm quan sát, động viên trước rồi hướng dẫn.

Hãy nhớ rằng một đứa trẻ không phải là trâm cài hay đôi bông tai để làm đẹp cho bộ mặt của đấng sinh thành. Các con đến thế giới này không phải để làm nên thành tựu của ai đó, càng không phải để giành lấy danh dự cho cả gia tộc. Nếu cha mẹ vẫn có thể giữ được bình tĩnh khi đối mặt với khoảnh khắc đứa trẻ “làm bẽ mặt” mình thì khi đó cha mẹ đã bước thêm một bước tiến quan trọng để hoàn thành hành trình nuôi dưỡng con của mình rồi.