“Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng

Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.”

Khi con cái đều đã có vợ, có chồng, có con, có gia đình riêng của mình thì câu “nước mắt chảy xuôi” mới thật sự thấm thía. Con làm ra hàng trăm triệu mỗi tháng, báo hiếu cha mẹ 1-2 triệu. Rồi 1-2 triệu đó, nó sẽ nhớ như đinh đóng cột, đợi đến lúc có dịp lại lôi ra kể công như trời bể. Còn mẹ, cầm tiền con đưa, nước mắt chảy ngược vào trong, nhớ những ngày bóp bụng từng bữa sáng, nhắt nhịn từng tấm áo để quy ra số tiền, đổi lấy từng lon sữa cho con.

Lòng cha mẹ bao giờ cũng như trời bể với con cái nhưng không phải đứa con nào cũng một lòng muốn báo hiếu cha mẹ, nhất là sau khi đã được dựng vợ, gả chồng.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Lập gia đình, sinh con, những đứa con ngày nào còn coi cha mẹ là nhất trong mọi cái nhất bắt đầu hướng mọi sự quan tâm cho con cái. “Con tôi là tất cả”, ý niệm này khiến sự ích kỷ trong mỗi người phình to ra và lòng hiếu ngày càng teo tóp dần. Toan tính nảy sinh, đôi khi không chỉ với người ngoài mà còn với chính cha mẹ ruột.

Tất nhiên, không phải tất cả những đứa con trên đời này sau khi có chồng, có vợ đều quay lưng với gia đình nhưng nếu có những toan tính sớm bộc lộ, sự dự cảm là điều cần thiết để tránh phải gặp những chuyện đau lòng nhiều hơn. Nếu thấy con cái thường xuyên mở miệng, toan tính những điều này, cha mẹ nhất định phải cứng rắn hơn:

1. Mở miệng ra là trách cha mẹ chưa cho con được gì

Trừ những người không đáng làm cha mẹ ra, hầu hết các bậc sinh thành trên đời đều dồn tất cả tinh hoa cho con cái từ việc đầu tư cho ăn học, đến căng mình ra, vắt kiệt sức và đánh đổi cả tuổi trẻ để đảm bảo cho con một cuộc sống đầy đủ nhất có thể.

Đứa con hiếu thảo sẽ luôn nhìn được công ơn trời bể của cha mẹ và dặn lòng trong mọi hoàn cảnh phải luôn tôn trọng, yêu kính cha mẹ. Nhưng trái lại, đứa con bất hiếu không bao giờ thấy đủ. Mở miệng, câu đầu là cha mẹ nợ con, câu hai là cha mẹ chưa cho con được gì.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Trong bàn ăn của một nhóm bạn, chàng trai bĩu môi hết chê cha đến trách mẹ đủ mọi lời khó nghe nhưng cũng chỉ toàn chuyện vặt vãnh. Người không quen biết nghe những lời này không thể chấp nhận nổi, huống gì người biết hết chuyện trong nhà. Hóa ra, anh này có được vị trí giám đốc như hiện tại đều là nhờ ngày trước bố mẹ cấp vốn làm ăn. Khi còn là kẻ nghèo rớt mồng tơi, mở một lời hỏi vay không ai đoái đến thì bố mẹ là người duy nhất chìa bàn tay ra giúp đỡ. Vậy mà, đến nay khi đã yên vị, lại chẳng nhớ đến công lao của bố mẹ, còn quay ra phủi ơn đầy oán trách chỉ vì xin thêm một miếng đất mở rộng phân xưởng mà ông bà từ chối.

Những đứa con như vậy, tốt nhất cha mẹ đừng bao giờ kỳ vọng sẽ dựa dẫm mai sau, có của dư của để thì phải giữ lấy, lo cho tuổi già.

2. Hở ra là mở lời lăm le, dòm ngó đến của cải cha mẹ

Sau bao năm tích góp từng đồng bằng gần cả đời người, cha mẹ ít nhiều đều có một chút của cải để lại, hoặc đất đai, hoặc tài sản khác. Về mặt luật pháp, những khoản này, sau khi cha mẹ mất đi, đương nhiên con cái có quyền được hưởng thừa kế. Nhưng đó là chuyện phải tính đến khi cha mẹ qua đời, là chuyện của mấy chục năm sau đó và là quyền quyết định của cha mẹ chứ không phải là chuyện con cái phải bàn tính.

Thế nhưng những đứa con tham lam lại luôn dòm ngó phần thừa kế của mình từ cha mẹ. Trong đầu nó sẽ luôn toan tính làm thế nào để sớm nhận được khoản thừa kế đó và bằng cách gì để hưởng được phần nhiều nhất. Thậm chí, còn cân đong đo đếm xem thiệt hơn thế nào nếu phải nhận nuôi dưỡng bố mẹ già với số tài sản ông bà để lại. Những đứa con này không chỉ ích kỷ, tham lam mà còn bất hiếu.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Có câu chuyện kể rằng một chàng trai sau khi lấy vợ thì bắt đầu lao vào kinh doanh. Lấy cớ làm ăn bước đầu còn nhiều khó khăn, anh thường xuyên ngửa tay xin tiền mẹ. Sau 2 năm chật vật, việc xuôi gió thuận buồm, anh đổi xe cũ mua xe mới, nhà cũng đổi từ nhà nhỏ sang nhà lớn hơn, cuộc sống dư dả, sung túc. Đến lúc này, mẹ già đau bệnh nặng mới ngỏ ý lên ở cùng con trai lớn. Bà bàn bạc với con trai, nếu lo được cho mẹ lúc này thì căn nhà ở quê sẽ sang tên lại cho con. Tuy nhiên, nhà ở quê thuộc vùng hẻo lánh, đường đi khó khăn, không mấy tiềm năng. Anh tính đi tính lại khoản tiền nuôi người già bệnh tật hàng tháng có khi góp lại còn gấp mấy lần giá trị căn nhà. Vậy là sau khi dẹp hết chút áy náy còn lại, anh mở lời nhờ vả em gái rước mẹ về nuôi, còn mình sẵn sàng nhường quyền thừa kế. Việc chẳng ngờ là ít năm sau đó quê nhà phát triển, đường xá mở rộng, giá trị căn nhà đội lên cao. Tiếc của, anh lại dựa vào quyền thừa kế, trở mặt đòi chia tài sản với em gái.

Thế mới biết, con cái mà lúc nào cũng chỉ nhắm đến tài sản của cha mẹ thì khó có thể rộng rãi để báo đáp công ơn.

3. Mở miệng xin bố mẹ cả phí sinh hoạt, bào triệt để của cải gia đình

Mối quan hệ gia đình là mối tình thâm thiêng liêng. Ở đó con cái báo hiếu cha mẹ bằng cả tấm lòng và cha mẹ yêu thương con cái bằng cả cuộc đời. Đó chắc chắn không phải là mối quan hệ đơn phương lợi dụng dưới vỏ bọc gia đình.

Trên thực tế, những đứa con chăm lo cha mẹ miếng cơm, đôi đũa hàng ngày sẽ ít được nhớ đến hơn những đứa con lâu lâu về dúi cho cha mẹ dăm ba đồng. Nhưng rõ ràng, kể cả công lẫn của, đứa con lo cho cha mẹ từng khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày mới thật sự đáng quý.  

hình ảnh

Ảnh minh họa

Trước đây bà hàng xóm ở tầng dưới phải trả luôn tiền điện nước cho con trai. Người con trai cũng giả vờ không biết và không chịu đưa tiền cho mẹ già. Đáng nói, bà tuổi già, mang đủ thứ bệnh phải tự kiếm tiền đóng bảo hiểm xã hội để không làm gánh nặng cho con cái. Mà già cả đau yếu kiếm đâu ra tiền để vừa lo lấy thân vừa bao nuôi con trai?

Đứa con mà tính toán với cha mẹ từng đồng, còn bòn rút đến tận xương tủy những đồng còm cõi của cha mẹ thì không đáng tin cậy để đặt cược tuổi già. 

Tất nhiên, những đứa trẻ bất hiếu chỉ là một phần của cuộc sống. Trên đời, con cái hiếu thảo với cha mẹ vẫn còn đó và luôn là gương sáng cho mọi người. Nhưng phần cha mẹ, tuổi già qua đi không dễ, đừng tất tay dồn tất cả cho con cái để nó nghĩ đó là cái nó đáng được hưởng mà vô hình trung biến con mình thành đứa trẻ trời bất dung bởi tội bất hiếu.