Cụm từ mình nghe nhiều nhất trong ngày hôm qua có lẽ là câu “tôi không đẻ, tôi không nuôi”.

Vì câu nói sôi người này, mình đã tìm nhiều bài báo đọc để rõ thực hư. Đại loại câu chuyện mở đầu với đoạn kể người bố bỏ con lại tại sân tòa ly hôn với tờ giấy nhờ tòa trả lại cho mẹ bé nuôi đính kèm thêm lý do “tôi không đẻ, tôi không nuôi”.

Nói thật sau ngày hôm qua mình trộm nghĩ nếu ai lấy phải người chồng này hẳn là bất hạnh. Là con của ông bố này cũng thật chua xót. Nhưng hôm nay, sau khi nghe câu chuyện từ phía người bố và hàng xóm nhà anh chia sẻ thì có lẽ nhìn nhận của mình cũng đã bớt gay gắt.

hình ảnh

Vậy nên mới nói chuyện gì cũng hãy nghe từ nhiều phía là vậy. Đừng vội kết tội một ai đó khi không phải trong hoàn cảnh của họ.

Theo chia sẻ của anh T., một mặt tòa giải quyết ly hôn phương, mặt khác tình hình kinh tế của anh quá túng quẫn nên anh không thể nhận nuôi con. Bản thân anh cũng chỉ muốn con được mẹ nuôi nấng khôn lớn chứ không phải ai khác nhận nuôi thay. Anh mong muốn vợ mình có thể san sẻ chuyện nuôi con trong lúc hoàn cảnh anh khó khăn để con có thể được học hành và khôn lớn. Chuyện anh viết tờ giấy nhắn lại tại tòa cũng chỉ với mong muốn đích thân mẹ cháu sẽ đưa con về nuôi.

hình ảnh

Nguyên văn lời anh T. chia sẻ được đăng trên báo, xin trích lại: "Tôi mong mọi người hiểu và xác minh, phía tòa đã giải quyết đơn phương. Đưa con ra toà rồi bỏ con ở đấy tôi rất thương cháu, cả đêm qua tôi cũng không ngủ được. Nhưng chỉ có về với mẹ, cháu mới có cuộc sống tốt hơn, dù gì hoàn cảnh của mẹ cháu cũng khá hơn tôi, cô ấy còn ở nhờ được nhà bà ngoại. Tôi nay ốm, mai đau, giờ lại bị viêm cầu thận nữa nên sau này sẽ không thể lo cho cháu ăn học được”.

Hiện tại, anh T. đang sống trong ngôi nhà cũ kỹ, ọp ẹp với chỉ hơn chục mét vuông. Toàn bộ đồ đạc trong nhà đều đã cũ kỹ và cáu bẩn hết cả. Căn nhà quá nhỏ, những bộ quần áo cũng không có chỗ để, phải chất đống ở trên giường đến mốc meo. Được biết, căn nhà này là nhà của mẹ đẻ, người đã từ mặt anh vì những mâu thuẫn. Dù bản thân đang mang căn bệnh viêm cầu thận nhưng anh vẫn cố gắng đi làm để nuôi con.

Người đàn ông từng qua 2 đời vợ gạt nước mắt chia sẻ về cuộc sống khó khăn của mình.

hình ảnh

Anh lấy người vợ đầu không có con. Đến người vợ thứ 2 thì vợ chồng có được một đứa con trai (nay đã học cấp 1). Về sau, người vợ này cũng bỏ anh đi khi bé chỉ mới 5 tháng tuổi. Từ đó, một mình anh nuôi con lớn khôn.

Đến năm 2016, anh T. qua người mai mối đến với chị L. không có đám cưới vì quá nghèo nhưng cả hai có đăng ký kết hôn và có với nhau một đứa con (bé trai bị bỏ lại tại tòa). Thời gian đầu vợ chồng hạnh phúc nhưng vì túng bấn quá mà sinh mâu thuẫn. Trong lần vợ chồng cãi nhau, chị L. Về nhà mẹ đẻ sống.

hình ảnh

hình ảnhhình ảnhVì biết mình không có khả năng nuôi con nên khi tòa xử anh mới viết giấy để lại con lại. Giải thích về việc phó mặc con cho tòa và tờ giấy “tôi không đẻ, tôi không nuôi” gây nhiều tranh cãi, anh T. nói: “Sau này nếu con tôi hiểu và thông cảm cho bố thì sẽ có duyên gặp lại. Ai thương con cũng phải có trách nhiệm, mẹ cháu đẻ ra cũng nên chăm lo cho cháu chứ đừng nên phó mặc hết cho tôi như vậy”.

Anh T. cũng cho biết thêm: "Cô ấy tự bỏ đi, không ở với nhau được tôi cũng đồng ý ly hôn. Tuy nhiên, phải giải quyết cho thoả đáng, tôi nuôi con cô ấy phải hỗ trợ phụ tôi chăm sóc thằng bé và ngược lại. Từ ngày cô ấy bỏ đi đến giờ không hỏi thăm con lấy một lần, cực chẳng đã tôi mới phải đem con ra toà làm vậy”.

Xoay quanh câu chuyện đầy éo le này, một người thân cũng là hàng xóm của anh Tâm cũng cho biết từ ngày vợ bỏ đi những lúc khoẻ mạnh Tâm vẫn đi làm để nuôi các con. Tuy nhiên, rất nhiều khoản chi phí, bà cũng là người hỗ trợ khẩn cấp cho cha con anh sống qua ngày. Bà chia sẻ thêm: Ngày vợ nó bỏ đi thằng bé con thứ 2 được mấy tháng tuổi, nó địu đứa con này trên lưng nhưng vẫn leo lên tầng phụ hồ nghĩ mà thương... Vợ nó cũng tốt nhưng số 2 đứa không ở được với nhau đành chịu, bản thân thằng này cũng chiều vợ con lắm”.

hình ảnh

Theo cập nhật mới nhất thì đến trưa 19/5, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang cũng đã tiến hành trao trả bé trai gần 5 tuổi về cho mẹ ruột của bé tại tổ dân phố Hòa Sơn, phường Đa Mai, TP Bắc Giang.

Thiết nghĩ sau dòng nhắn "tôi không đẻ, tôi không nuôi" và việc mẹ cháu đưa con về nuôi lúc này là hợp tình hợp lý hơn cả:

- Thứ nhất: Anh T. cũng đã thay chị một mình nuôi con từ tấm bé đến nay khi sức khỏe nay đau mai ốm. Giờ là lúc anh cần được chia sẻ trách nhiệm nuôi nấng khi cảnh sống không đủ đảm bảo cho đứa trẻ lớn khôn, học hành.

- Thứ hai: Con không thể thiếu mẹ. Nếu thật là từ ngày chị bỏ đi đến nay không về thăm con một lần thì đây là lúc chị cần phải bù đắp lại cho đứa trẻ thiếu thốn tình cảm và bàn tay chăm sóc của mẹ.

Âu cũng chuyện hôn nhân, gia đình. Khúc mắc của người lớn có lẽ sẽ được giải quyết gọn ghẽ hơn nếu cả hai cùng ngồi xuống và chịu mở lòng, hiểu cho nhau. Đứa trẻ bị đưa vào câu chuyện ly hôn rối ren của cha mẹ dù là lý do gì cũng không đáng. Bởi vậy, nếu bước đường cùng phải tính đến chuyện ly hôn, mong rằng nhiều bố mẹ hãy suy nghĩ và hành động thật thấu đáo, cho cuộc sống của mình về sau và đặc biệt là cho sự ổn định tinh thần của các con.