Rất may mắn là người mẹ đã nhận ra sai lầm của mình và tìm cách sửa chữa kịp thời.

Khi con đi học, bố mẹ nào cũng mong con sẽ đạt được thành tích tốt nhất. Thế nên càng ngày càng có nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng và đầu tư rất nhiều vào vấn đề học hành cho con. Tuy nhiên, kỳ vọng quá mức đôi khi có thể dẫn đến những sai lầm không đáng có và theo sau đó là hậu quả vô cùng tai hại.

Mới đây, mạng xã hội xôn xao với câu chuyện một cậu bé cấp 2 đòi nghỉ học và hành trình gia đình giúp con mình tìm lại được hứng thú với trường lớp. Được biết, câu chuyện do chính người dì của cậu bé chia sẻ lên mạng xã hội và nhanh chóng nhận được rất nhiều bình luận từ cư dân mạng, đặc biệt là các mẹ có con cùng độ tuổi.

Được biết, hiện tại cậu bé đã đỗ vào một trường cấp 3 trọng điểm tại quê nhà, nhưng ít ai biết rằng trước đó, cậu nhóc từng có giai đoạn n.ổi l.oạn và đòi nghỉ học khi mới bước chân vào cấp 2. Người dì chia sẻ cháu của mình từ nhỏ vốn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, thành tích học tập vô cùng xuất sắc khi luôn dẫn đầu lớp. Tuy nhiên, từ khi bước vào cấp 2, cậu bé lại thay đổi hoàn toàn, cứ như biến thành một người khác.

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sohu

Bố cậu bé đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về nhà một lần nên bình thường chỉ có người mẹ là gần gũi, chăm sóc cho con. Người mẹ vốn không có bằng cấp, ở nhà làm nội trợ nên rất nghiêm khắc trong việc uốn nắn con học hành tới nơi tới chốn. Người mẹ vốn xuất thân từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không được đi học, lớn lên rất vất vả để mưu sinh nên cô luôn muốn con trai ăn học đàng hoàng.

Ngay từ khi con trai còn nhỏ, cô đã mua rất nhiều sách cho con đọc, khi con học tiểu học, ngoài giờ học chính thức trên trường, cậu bé phải tham gia nhiều lớp học thêm khác. Về nhà cũng không có thời gian nghỉ ngơi vì chỉ cần tắm rửa, ăn xuống xong xuôi, mẹ sẽ lại bắt cậu bé phải ngồi vào bàn học tiếp cho đến tận khuya.

Với sự kèm cặp đó, cậu bé dường như không có thời gian để chơi đùa với các bạn, thành tích học tập luôn được đưa lên hàng đầu. Đúng như mong đợi của mẹ, trong suốt những năm học cấp 1, cậu bé luôn xuất sắc khi đạt được thành tích cao nhất lớp.

Tuy nhiên, khi bước chân vào cấp 2, mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Năm 13 tuổi, người mẹ bắt đầu nhận thấy con có những dấu hiệu lơ đễnh việc học. Dù chị vẫn vô cùng nghiêm khắc, thậm chí còn khiển trách, mắng con khá nhiều nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn là mấy. Cậu bé liên tục phàn nàn việc học quá nhàm chán, bài tập lúc nào cũng chất cao như núi, áp lực điểm số từ trường lớp, thầy cô và ngay cả bố mẹ ở nhà lúc nào cũng quá lớn.

Cô giáo ở lớp thì liên tục gọi  về nhà “mắng vốn”, cho rằng cậu nhóc ở lớp không tập trung, thường xuyên không làm bài tập, điểm số thì ngày càng đi xuống. Người mẹ lúc này hết sức lo lắng, liên tục gặp con để gây sức ép: “Bố đi làm vất vả cho con ăn học mà con lại học hành như thế sao? Mẹ thì suốt ngày lo lắng chăm sóc cho không thiếu thứ gì, con nói đi học vất vả, thử hỏi xem có công việc nào trên đời này lại không vất vả. Đi học là nhàn nhã thoải mái nhất rồi, có cần lo nghĩ gì đâu cơ chứ? Nếu con cứ học hành như thế này và không thi đậu vào trường cấp 3 thì sau này tương lai sẽ ra sao?”

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sohu

Trước áp lực từ mẹ, cậu nhóc không thay đổi mà thậm chí còn bướng bỉnh hơn lúc trước. Bài tập về nhà không bao giờ làm, mẹ mắng mỏ cũng không có tác dụng, đến trường thì bị giáo viên khiển trách, về nhà chỉ chơi game, xem điện thoại,… Đỉnh điểm là khoảng thời gian cậu bé liên tục nhốt mình trong phòng, sau đó không chịu đi học nữa.

Người mẹ hết sức lo lắng đã đến phòng khám tâm lý để tham khảo ý kiến bác sĩ. Khi nghe bác sĩ nói, cô mới hối hận khóc nghẹn khi biết rằng từ trước đến nay mình không thấu hiểu mà đã tạo quá nhiều áp lực lên con. Căng thẳng quá nhiều mà không được chia sẻ, động viên khiến con trai dần hình thành tâm lý chán nản, mệt mỏi.

Nhận được lời khuyên từ bác sĩ, người mẹ đã cố gắng kìm nén cảm xúc, không giận dữ, trách mắng mà mở lòng trò chuyện với con nhiều hơn. Cô cho biết sẽ không ép con học, cô động viên, khuyến khích con trai quay trở lại trường. Thay vì hỏi hôm nay con học những gì, làm bài mấy điểm, sắp kiểm tra môn gì,… người mẹ chỉ hỏi con hôm nay đi học vui không, cuối tuần này bạn bè đã hẹn nhau đi chơi ở đâu, con thích đến chỗ nào, mẹ có thể đi cùng được không,… Cô cũng không còn ép buộc con học ngày đêm hay so sánh điểm số con với những đứa trẻ khác.

Sau một thời gian làm bạn với con, tình hình từng bước một khá lên và cậu bé cũng dần dần cởi mở, gần gũi hơn với mẹ. Nhờ sự quan tâm, yêu thương và động viên của mẹ, cậu nhóc cũng dần lấy lại được hứng thú trong chuyện học, chuyên tâm đèn sách trở lại và kết quả là 3 năm sau đã thi đậu vào một ngôi trường cấp 3 trọng điểm của vùng.

Thế mới thấy, bố mẹ nào cũng muốn tốt cho con, nhưng đôi khi lại yêu thương con không đúng cách. Con trẻ càng lớn lại càng cần có sự sẻ chia, gần gũi từ từ gia đình. Hy vọng mỗi bậc phụ huynh sẽ luôn biết cách đồng hành, trở thành bạn với con để con có một nền tảng phát triển vững vàng và toàn diện nhất.