Chuyện vừa mới xảy ra ở khu chung cư nhà em các mẹ ạ. Chẳng là bé ấy bị sinh non (lúc gần 9 tháng) mà mẹ thì không có sữa nên phải ăn sữa ngoài từ lúc sơ sinh. Bé được 2 tháng rồi mà mới tăng được có 7 lạng so với lúc đẻ ra. Vì nghĩ con sinh non yếu ớt mới chậm tăng cân nên bố mẹ bé cũng chần chừ không cho đi khám.



Đến hôm rồi, anh chị ấy sốt ruột quá mới cho con đi khám ở Nhi thì không ngờ nguyên nhân lại chính từ cách pha sữa sai lầm của người bố. Vì muốn con trai nhanh tăng cân, mỗi lần pha sữa, ông bố trẻ lại cố tình bỏ thêm, pha nhiều hơn vài thìa sữa bột so với hướng dẫn.



Sau một thời gian, em bé thường xuyên bị trớ, chán ăn, đi ngoài nhiều, người mệt mỏi. Bác sĩ đã khám và thấy ruột của em bé bị tổn thương nghiêm trọng, may mắn là chưa hoại tử các mẹ ạ. Không ngờ, chỉ vì thương con, cho con uống sữa đặc mà lại gây hậu quả lớn như vậy. Bác sĩ còn nói nếu cứ tiếp tục sẽ bị viêm ruột, tiêu chảy ra máu, sốt cao... rất nguy hiểm.



Nghe chuyện này mà em run cả người các mẹ ạ. Vì khi pha sữa cho con em cũng hay sợ 'loãng' khiến con uống không lên cân nên thỉnh thoảng cũng hay thêm nếm này nọ. Hú hồn là bé nhà em không sao và thực ra là bé nhà em lúc sơ sinh được bú mẹ chủ yếu lúc 8 tháng mới ăn sữa ngoài chứ không như bé nhà anh chị hàng xóm. Nhưng nói chung là cứ đúng hướng dẫn mà làm các mẹ ạ, nóng vội cho con ăn nhiều cũng chưa hấp thụ được đâu, có khi lại hại con.



Ngoài ra, rất nhiều mẹ còn hay pha sữa theo các cách dưới đây cho con cũng không hề tốt chút nào:



Pha sữa bằng nước lọc đóng chai



Một số cha mẹ mắc lỗi “cẩn thận quá” khi mua nước khoáng, nước suối đóng chai về pha sữa cho con với suy nghĩ những loại nước đóng chai này đảm bảo độ sạch và tinh khiết cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nước khoáng và nước suối dù không chứa tạp chất hay vi khuẩn nhưng lại có hàm lượng khoáng chất phức tạp, khi kết hợp với sữa công thức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe em bé. Cách tốt nhất là mẹ nên sử dụng nước lọc đun sôi để đến nhiệt độ thích hợp pha sữa cho con là tốt nhất.



Pha sữa không đúng nhiệt độ



Tùy từng loại sữa bột mà các hãng lại có yêu cầu riêng về nhiệt độ. Pha sữa với nước quá nóng có thể dễ dàng làm mất chất dinh dưỡng. Pha sữa với nước quá lạnh có thể khiến sữa không tan hết, tổn thương đường ruột. Do đó, trước khi pha sữa cho con, cha mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng có trên từng lon sữa bột của mỗi hãng khác nhau.



Pha sữa với nước trái cây



Nhiều người có thói quen pha sữa công thức với nước trái cây như một cách để bổ sung nguồn vitamin cho trẻ. Sai lầm này sẽ khiến sữa mất đi nhiều thành phần dinh dưỡng do 1 số loại trái cây có tính axit (ví dụ cam, chanh, quýt, bưởi, xoài…). Hơn nữa, khi pha sữa theo cách trên, chất casein có trong protein của sữa sẽ kết tủa làm cho protein trong sữa bị biến chất cản trở quá trình hấp thu của trẻ, gây đầy bụng, khó tiêu hóa.



Pha sữa với nước cháo loãng



Đây là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng do trong sữa có nhiều vitamin A, còn trong nước cơm thì lại chứa chủ yếu là chất bột và chất lipoxidase – một loại chất sẽ phá hủy vitamin A. Nếu uống loại hỗn hợp này lâu dài, trẻ sẽ bị thiếu vitamin A trầm trọng gây ra rất nhiều hậu quả cho sức khỏe.



Hơn nữa, tinh bột trong nước cơm sẽ khiến trẻ khó hấp thu canxi, dẫn đến thiếu canxi và các hệ lụy của nó như chậm tăng trưởng chiều cao, rối loạn tiêu hóa, còi xương, suy dinh dưỡng…



Để sữa nguội sau đó làm nóng lại



Sữa công thức đã pha, để nguội rồi tái đun sôi có thể làm thay đổi cấu trúc của các protein, vitamin và do đó mất đi giá trị dinh dưỡng. Trong trường hợp sữa pha xong nhưng trẻ chưa ăn, mẹ có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong 2 giờ và sau đó nên bỏ đi, thay sữa mới.



Lắc sữa quá mạnh



Nhiều cha mẹ có thói quen lắc bình sữa thật mạnh khi pha với suy nghĩ làm vậy sữa sẽ tan hết nhanh và kỹ. Tuy nhiên, hành động này sẽ tạo ra rất nhiều bong bóng trong sữa. Khi trẻ uống phải sữa có nhiều bong bóng sẽ dẫn đến đầy hơi, nấc, trớ. Cách pha sữa tốt nhất là sau khi thêm nước, sữa bột theo đúng tỷ lệ, mẹ dùng thìa khuấy thật nhẹ nhàng theo một chiều nhất định.




Hình minh họa