Thỉnh thoảng mình nghe được những thắc mắc rằng không hiểu vì sao một em bé khi ở gần mẹ lại hư hơn khi không ở gần mẹ. Kiểu như “Mãi không sao, ở với bà/ với ba ngoan ơi là ngoan mà cứ thấy mẹ là mè nheo”.

👉🏻 Vô tình bữa trước thấy nhiều mẹ chia sẻ bài báo vui, trong đó họ đề cập tới một nghiên cứu là những đứa trẻ dường như có hành vi “tệ” hơn bình thường 800% khi ở gần mẹ.

Đây là f.ake study - nghiên cứu giả. Tuy nó là một nghiên cứu giả, nhưng khái niệm nó đưa ra thì không “giả” tí nào. Tại sao? Sự thật có thể sẽ khiến các bà hay những người chăm sóc khác ngoài mẹ hơi phật lòng một tí.

❌ LỖI KHÔNG PHẢI Ở NGƯỜI MẸ. Mà bởi vì mẹ, là nơi an toàn của con. Là nơi con có thể tìm đến khi có bất kỳ vấn đề gì. Và nếu không phải là mẹ có thể làm một cái gì đó tốt hơn cho con, theo bản năng, thì ai có thể đây?

Và mẹ, cũng chính là mẹ, lại là nơi con có thể “giận cá chém thớt”. Nơi con dám quăng tất cả những cảm xúc khó chịu, những cảm giác tức giận - lo lắng vào đó.


Nếu một đứa trẻ bị kìm nén những cảm xúc khó chịu suốt một ngày dài, hay phải ở trong một tình huống được coi là khó khăn về mặt cảm xúc, thì ở ngay cái giây phút mà con nhìn thấy Mẹ, con biết rằng: À, cuối cùng, mình cũng có thể để nó trôi đi. Vì đã có mẹ ở đây.


Không phải vì mẹ mà con rên rỉ la hét. Đừng để ai nói với bạn rằng “Con hư...tại mẹ”.

✨Hãy suy nghĩ tích cực lên. Bởi vì chính mẹ một cách bản năng đã tạo ra một không gian đủ an toàn để con có thể tự nhiên thể hiện cảm xúc, cảm giác và những chức năng cơ thể của mình.

⚠️ Hãy coi đó là một dấu hiệu tốt. Khi con vừa nhìn thấy mẹ là khóc, mè nheo, lèo nhèo, rên rỉ và bám riết lấy mẹ.

Hãy coi đó là biểu hiện của việc con yêu mẹ, cần mẹ và mong chờ sự yêu thương vỗ về từ mẹ. Bằng bản năng và sự hiểu biết, mẹ sẽ nhận diện được những nguyên nhân tiềm ẩn đằng sau những biểu hiện cảm xúc của con. Việc tương tác, thể hiện sự đồng cảm, yêu thương và giúp con nhận diện cảm xúc lúc này rất quan trọng.

Nếu mẹ từ chối hoặc tránh xa con trong những tình huống khó khăn đó, trẻ sẽ học được điều gì, chắc chúng ta có thể dễ dàng suy luận được.


Và dù chuyện 800% các em bé ở gần mẹ sẽ có hành vi “tệ” hơn là f.ake study nhưng lại có nghiên cứu rất thật đó là: những em bé sẽ tìm đến bố khi thấy vui, nhưng khi đau, buồn mỏi mệt thì chỉ có mẹ mà thôi.