Muốn giúp con tiến bộ, cha mẹ cần kiểm soát tốt tâm trạng và luôn đồng hành cùng con cái.

Năm học mới đã đi qua hơn 1 tháng. Phụ huynh chúng tôi cũng vừa có một cuộc họp đầu năm. Tại buổi họp, thỏa thuận về các khoản tiền đóng quỹ hội phụ huynh, bán trú…. diễn ra rất nhanh. Có lẽ truyền thông làm “căng” vụ tiền trường, các khoản thu bất hợp lý đầu năm học nên mọi người có vẻ tránh để xảy ra căng thẳng. Mặt khác, ban đại diện hội phụ huynh được bầu mới cũng đề xuất các khoản thu hợp lý nên không khí buổi họp dường như khá nhẹ nhàng đối với các bố các mẹ.

Điều tôi bất ngờ là cô giáo chủ nhiệm của con tôi dành hơi nhiều thời gian để chia sẻ với phụ huynh về cách để giúp các con tiến bộ. Cô cho biết qua tiếp xúc, trò chuyện cùng các cha mẹ có con đạt thành tích tốt trong năm học vừa rồi cô chủ nhiệm, 90% trong số 10 em đứng đầu lớp đều xuất thân từ các gia đình có 4 thói quen đơn giản. 

Đó là các gia đình luôn đồng hành cùng con cái, yêu thích đọc sách, làm gương tốt cho con, không đánh mắng con (biết kiểm soát cảm xúc). Vì vậy cô mong rằng phụ huynh lớp 6- 1 năm nay (lớp con tôi học) sẽ theo đó mà có thêm kinh nghiệm giúp các con ngày càng tiến bộ.

Về phần mình, cô hứa sẽ hợp tác chặt chẽ với cha mẹ, kịp thời thông báo các biểu hiện tốt lẫn chưa tốt, kết quả học tập ở trường, điểm mạnh và điểm yếu của các con để phụ huynh dựa vào đó mà biết nên làm gì để hỗ trợ con tốt hơn mỗi ngày.

Cô đã phân tích rất kỹ 4 thói quen đơn giản nêu trên nhưng mang lại nhiều lợi ích cho các con.

Gia đình luôn đồng hành cùng con cái

Nhiều cha mẹ sẽ hỏi rằng nếu ngày nào tôi cũng ở bên con thì thời gian đâu tôi đi kiếm tiền nuôi chúng. Như vậy là mọi người đã hiểu sai nghĩa từ “đồng hành”. “Đồng hành” nghĩa là cha mẹ luôn dành thời gian rảnh rỗi để ở bên con, tuy ít nhưng đó là thời gian chất lượng để lắng nghe tâm tư, chia sẻ của con về chuyện học hành, chuyện trường lớp, các mối quan hệ… Và tuyệt vời nhất là cha mẹ trở thành người bạn của con. 

Theo chuyên gia tâm lý, sự quấn quýt gần gũi là nhu cầu sinh lý của trẻ, là hành vi bản năng của con người. Và người thích hợp nhất mang đến cho trẻ điều đó không ai khác chính là ba mẹ. Cảm giác an toàn khi có cha mẹ bên cạnh sẽ là nền tảng để trẻ phát triển lành mạnh, tự tin, tâm lý luôn thoải mái, vui vẻ.

hình ảnhNguồn ảnh: new.qq

Trong nhiều gia đình, người cha thường vắng mặt hay phó thác việc dạy con cho người mẹ. Tuy nhiên, điều này sẽ thiệt thòi cho trẻ. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Peru (Hoa Kỳ cho thấy), nếu được cha gần gũi, dạy dỗ, trẻ sẽ có chỉ số IQ cao, điểm số ở trường cũng tốt hơn và tăng khả năng thành công trong xã hội.

Gia đình coi trọng việc đọc sách

Theo kết quả khảo sát, những đứa trẻ có thành tích học tập xuất sắc thường được cha mẹ đọc sách cho nghe từ nhỏ và được nuôi dưỡng tình yêu đọc sách nhờ vào thói quen này ở cha mẹ. Gần đây, một người mẹ có 2 con giành học bổng toàn phần của ĐH Harvard đã chia sẻ trong gia đình chị, các con luôn được khuyến khích đọc sách, chủ yếu là sách tiếng Anh và các tác phẩm kinh điển. Bản thân anh chị có thời gian rảnh cũng chọn đọc sách thay vì lướt điện thoại. Cha mẹ phải làm gương thì mới dạy dỗ được con. Sẽ hiếm khi có chuyện cha mẹ miệt mài ôm điện thoại mà con ham đọc sách.

Sách chính là người thầy vì tập hợp những kiến thức giá trị được đúc kết từ kinh nghiệm của nhiều người. Theo đó, trẻ có thể “đi nhanh” hơn nếu được mở mang tầm nhìn nhờ vào việc duy trì thói quen đọc sách.

Gia đình có cha mẹ biết kiểm soát cảm xúc

Nếu cha mẹ luôn cởi mở, không trách mắng dù kết quả học tập của con chưa tốt hoặc con phạm lỗi, điều đó sẽ giúp trẻ luôn cảm thấy bình yên, thoải mái trong gia đình. Theo đó, con trở nên cởi mở với cha mẹ, sẵn sàng thổ lộ các khúc mắc hay khó khăn con gặp phải. Cha mẹ cũng nhờ vậy mà kịp thời định hướng để con không đi “sai đường”. Mặt khác, nhờ cha mẹ luôn biết kiểm soát cảm xúc mà bầu không khí gia đình luôn vui vẻ, hạnh phúc. Đây chính là nền tảng giúp nuôi dưỡng sự tự tin và lạc quan ở trẻ.

hình ảnhNguồn ảnh: twitter

Ngược lại, cha mẹ hay mất kiểm soát, dễ nổi nóng, trẻ sẽ dễ bị tổn thương, tự ti, trở nên sống khép kín, thậm chí có thái độ chống đối lại cha mẹ. Mặc dù sự bực bội ở cha mẹ đôi khi bộc phát rồi họ quên ngay nhưng điều đó đã kịp “đóng đinh” và để lại vết sẹo trong lòng trẻ. Sự xa cách với cha mẹ chính là nguyên nhân làm trẻ dễ hư hỏng và bị bạn bè xấu lôi kéo.