Cô bé không tay Y Julie người dân tộc Ba Na đã vượt lên khiếm khuyết về hình thể để trở thành tân sinh viên ngành công nghệ thông tin.

Ấn tượng đầu tiên với mọi người về cô bé không tay Y Julie - nữ sinh viên ngành công nghệ thông tin (Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum) là đôi mắt to tròn, phảng phất nét u buồn trên khuôn mặt xinh xắn. Có lẽ nỗi buồn đó đến từ nguyên nhân em được sinh ra không lành lặn như bạn bè.

hình ảnhNguồn ảnh: VNE

Theo lời chị  Y Dzoar (40 tuổi, mẹ của Julie), vào một đêm mưa gió tháng 10/2002, chị đã ngất đi ngay sau khi sinh con gái đầu lòng do nhìn thấy bé gái không có tay. Chị khóc hết nước mắt vì thương con, lo lắng rồi đây không biết cuộc đời con sẽ ra sau. Nhưng khóc cũng không giải quyết được gì. Hai vợ chồng chị quyết tâm lau nước mắt, dồn tất cả sức lực và những điều tốt đẹp nhất để nuôi dạy con nên người. Họ xem Julie như món quà ý nghĩa nhất mà Chúa ban tặng. Sau này, người mẹ ấy đã thi vào ngành Mầm non để có thể dạy con học.

Không chỉ thiếu tay, chân phải và cột sống Julie cũng bị cong vẹo, trên lưng có khối u rất to. Năm hơn một tuổi, Julie phải trải qua phẫu thuật nắn thẳng bàn chân, băng bó hàng tháng trời mới đi lại bình thường.

Tuy khiếm khuyết về hình thể nhưng từ nhỏ, cô bé người Ba Na rất ham học. Năm 4 tuổi, Julie đã đòi mẹ cho đến trường. Chơi với bạn, Julie thường kẹp cành cây khô vào chân để vẽ nguệch ngoạc trên nền đất. Đó cũng là những nét vẽ sơ khởi, mở đầu cho hành trình dài hơi đi tìm con chữ. Sau này, cũng bằng cách tương tự, Julie đã kẹp bút vào chân để luyện viết chữ. Thời gian đầu, đôi chân tê cứng phồng rộp nhưng cô bé vẫn không nản chí. Những nét chữ tròn trịa, ngay hàng thẳng lối chính là phần thưởng xứng đáng cho nghị lực phi thường của Julie.

Rồi em được nhận vào học. 12 năm học Julie luôn nỗ lực để đạt thành tích cao trong học tập. Thi thoảng em cũng tủi thân khi bị bạn bè chọc là “chim cánh cụt”. Cách để em vượt qua điều này là “cố gắng học để không thấy mình vô dụng".

Do điều kiện sức khỏe nên em không  thể thực hiện ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch. Cuối cùng em chọn ngành công nghệ thông tin và trở thành người đầu tiên của làng Kon Drei bước chân vào giảng đường đại học. Nếu suốt 12 năm học, một người bạn cùng làng hỗ trợ chở em đến lớp thì khi em vào đại học, bố mẹ chở em đến trường 3 buổi mỗi tuần.

hình ảnhNguồn ảnh: VNE

Hình ảnh nữ sinh viên chỉ cao 1.2m, nặng 30kg trở nên quen thuộc với thầy cô và bạn bè Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Em trở thành điểm sáng về tinh thần vượt khó và hiếu học. Câu chuyện của Julie thật sự đã truyền cảm hứng cho những số phận kém may mắn, sinh ra với xuất phát điểm thua kém bạn bè về mặt hình thể. Em cũng là trường hợp điển hình minh chứng cho câu nói: “Ở đâu có ý chí ở đó sẽ có một con đường’.

Tuy nhiên, hình như thử thách vẫn chưa từ bỏ cô bé không tay Julie. Gia đình em đã từng vay mượn 300 triệu để em phẫu thuật do xương cột sống của em gặp vấn đề. Gần đây, Julie lại kêu đau. Khi đi khám, bác sĩ thông báo Julie phải mổ lại lần 2 mới hy vọng khỏi bệnh. Nhưng lấy tiền đâu để mổ chính là điều làm cha mẹ em đau đáu từ khi em đi khám về đến nay. 

Hy vọng sẽ có nhiều tấm lòng đến với Julie để giúp em có cơ hội chữa hết bệnh và không gián đoạn việc học.