Chỉ vì ôm con quá chặt, người mẹ đã phải xa con mãi mãi, cái kết thực sự quá đau lòng.
Chăm con nhỏ, các mẹ bỉm chắc chắn sẽ phải đối diện với nhiều sự lo lắng và căng thẳng, đặc biệt là với những chị em làm mẹ lần đầu. Dù biết mắc sai lầm khi chăm con nhỏ đôi khi là chuyện vô cùng bình thường, nhưng cũng có đôi lúc những sai lầm ấy có thể để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng và khiến chính người mẹ phải hối hận khôn nguôi.
Bác sĩ Hồng Thiên Huệ hiện công tác tại một bệnh viện phụ sản ở Hạ Môn, Trung Quốc cho biết, trong suốt quá trình hành nghề của mình, bà đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh vô cùng đau lòng mà đôi khi hậu quả tai hại đều bắt nguồn từ sự non nớt khi chăm con của các mẹ bỉm sau sinh.
Cách đó không lâu, bác sĩ từng gặp phải trường hợp một người mẹ vì quá cố chấp, không nghe lời y tá nên đã để mất con. Được biết, người mẹ này đã sinh được một cậu con trai vô cùng khỏe mạnh, kháu khỉnh. Chính vì thế, cô vô cùng hạnh phúc.
Lần đầu tiên được làm mẹ, sản phụ vì quá vui mừng nên luôn muốn ở gần con mình ngay cả trong lúc ngủ. Dù y tá đã nhiều lần khuyên nên để mẹ và bé mới sinh ngủ riêng, nhưng sản phụ vẫn cố ôm con đi ngủ. Buổi sáng ngày thứ 3 sau khi sinh, y tá trong lúc kiểm tra đã phát hiện bé trai bất động trên giường ngay bên cạnh mẹ, còn người mẹ có lẽ vì chăm con quá mệt nên đã ngủ quên.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Parents
Các bác sĩ cho biết bé trai đã không qua khỏi do bị ngạt, có thể người mẹ ngủ quá say nên đã ôm con quá chặt dẫn đến kết quả thương tâm trên. Giám định pháp y sau đó cũng xác định kết quả tương tự. Sau khi biết nguyên nhân con trai không còn, người mẹ vì quá ân hận và đau lòng nên đã ngã quỵ tại chỗ, phải đưa vào phòng cấp cứu và chăm sóc đặc biệt.
Bác sĩ Thiên Huệ cho biết, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng thường gặp nhất là giai đoạn từ khoảng 10h tối đến 10h sáng. Các ca t.ử vong đột ngột này phần lớn xảy ra tại nơi chăm sóc trẻ ở tuần đầu sau khi sinh. Bên cạnh những nguyên nhân liên quan đến bệnh lý, dị tật bẩm sinh, việc trẻ ngủ cùng với bố mẹ, trẻ ngủ trong khu vực có quá nhiều đồ vật dễ gây chèn ép đường thở cũng có thể là tác nhân gây đột tử.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Ettoday
Đó cũng là lý do các bác sĩ thường khuyên các mẹ, đặc biệt là những chị em làm mẹ lần đầu nên đặc biệt cẩn trọng trong việc cho con ngủ chung giường trong 6 tháng đầu đời. Để hạn chế nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh do ngạt đường thở, các mẹ nên đặc biệt chú ý đến những vấn đề như:
Chú ý đến nhiệt độ phòng
Đối với trẻ sơ sinh, việc chú ý đến nhiệt độ phòng nơi con sinh hoạt và ngủ vô cùng quan trọng. Mẹ không nên cho con ngủ trong môi trường quá nóng với nhiệt độ ở mức cao vì thân nhiệt trẻ nhỏ luôn cao hơn so với người lớn. Một số mẹ sợ con bị lạnh nên bên cạnh việc giữ nhiệt độ phòng nóng còn cho con mặc thêm quá nhiều áo. Đây cũng là một trong những tác nhân làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ.
Chú ý đến không gian ngủ của trẻ
Tốt nhất nên cho trẻ sơ sinh ngủ chung phòng nhưng cần có không gian ngủ tách biệt như nôi riêng, tuyệt đối không cho bé ngủ ở giữa bố và mẹ. Không gian ngủ của bé nên sạch sẽ, thông thoáng, không để quá nhiều đồ vật như thú nhồi bông, đồ chơi, các loại gối, đêm phụ, khăn, chăn dày,…
Cho trẻ nằm ngửa khi ngủ
Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ nằm ngửa khi ngủ hạn chế được rất nhiều nguy cơ gây đột tử sơ sinh. Bé có thể thường xuyên thay đổi các tư thế ngủ nhưng nếu thấy con nằm sấp, mẹ cần đặc biệt chú ý quan sát, nếu trẻ nằm sấp quá nhiều, mẹ hãy hỗ trợ thay đổi tư thế ngủ cho con.
Tiêm chủng đầy đủ cho bé
Chủng ngừa đầy đủ có thể giúp giảm đến 50% nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Đó là lý do các mẹ nên chú ý đến lịch tiêm phòng của con và cho con tiêm chủng đầy đủ.
Nuôi con bằng sữa mẹ
Nhiều chị em có thể thắc mắc không biết nuôi con bằng sữa mẹ thì liên quan gì đến vấn đề đột tử ở trẻ sơ sinh. Nhưng sự thật là hai vấn đề này có sự liên quan rất mật thiết. Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng việc được ti sữa mẹ hoàn toàn giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, trẻ cũng sẽ được bảo vệ khỏi nhiều nguy cơ nhiễm trùng, từ đó tỷ lệ đột tử sơ sinh cũng sẽ có xu hướng giảm mạnh. Ngoài ra, nuôi con bằng sữa mẹ còn có thể đem đến nhiều lợi ích cho sự phát triển thể chất cũng như trí não của bé, do đó, chị em hãy cố gắng cho con ti sữa mẹ ít nhất trong 2 năm đầu đời nhé.