Một quyết định mới của Bộ GD-ĐT có thể làm nhiều phụ huynh có con học lớp 1 thở phào nhẹ nhõm, đó là nhà trường giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ ngay tại lớp, không giao thêm bài tập về nhà.

Bộ GD-ĐT vừa có công văn yêu cầu các trường thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng không gây quá tải, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ ngay tại lớp, không giao thêm bài tập về nhà

Đây có lẽ là tin vui nhất trong ngày đối với phụ huynh học sinh có con em học lớp 1. Nhưng việc không giao bài tập về nhà cho học sinh đồng nghĩa với việc giáo viên phải cho các em làm xong tất cả bài trên lớp. Như vậy, áp lực đang đổ dồn về phía giáo viên. 

Là phụ huynh có con trai đang học lớp 1, phải kèm cặp con học mỗi ngày, tôi hiểu nỗi khổ của giáo viên trên lớp khi phải cùng lúc dạy đến 30 - 40 em học sinh, thậm chí 50 em (đối với một số quận, huyện thiếu phòng học phải tăng sĩ số lớp học). Một tiết học 35 phút, sau khi dạy kiến thức mới, cô chưa kịp đi một vòng xem bài vở các em viết thế nào thì đã hết giờ thì làm sao giúp trẻ sửa lỗi sai khi tập viết. Trong khi tôi chỉ dạy 1 đứa con, ngồi bên cạnh hướng dẫn từng chút con vẫn viết chưa thể đúng như yêu cầu. 

hình ảnh

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh, muốn biết chương trình lớp 1 nặng hay nhẹ cần phải có một sự hiểu biết nhất định chứ không phải “cứ nhắm mắt kêu”. Bà cũng là chủ biên môn Tiếng Việt bộ sách giáo khoa “Cùng học để phát triển năng lực”. Thật ra chúng tôi không “nhắm mắt” kêu mà đang “mở mắt” kêu. Không chỉ mình tôi “đắm đuối” vì phải dạy con học mỗi ngày, nhiều phụ huynh cũng than khắp các mặt báo. 

- Mới học mấy tuần mà cả Bố Mẹ. Các cháu và giáo viên như Đánh vật với kiến thức mới rồi. Hôm nào cũng học đến 10. 11h đêm mới xong bài thì các cháu có theo được không hay cứ đuối dần rồi mất kiến thức. Chương trình mới thế này chắc lại đổi mới tiếp thôi. Căng quá các nhà quản lý ah.

- Mới vào học lớp 1 được vài tuần, thấy cô ghi nhận xét:"bé còn đánh vần, bé cố gắng lên" rồi thì :"Phụ huynh đọc cho bé chép" mà giật mình ! Không biết con cái chúng ta đang phải học để trở thành cái gì và mục tiêu là cỡ nào. Nên chăng bộ giáo dục xem xét và cho các bé học dẫn chương trình lớp 1 từ lớp lá để sang lớp 1 học theo là vừa.

hình ảnh

-Tôi cũng là giáo viên, đứa đầu học lớp 5, đứa thứ 2 năm nay học lớp 1, qua thời gian đầu cùng đứa thứ 2 tôi thấy chương trình lớp 1 mới này quá sức so với các con, học quá nhanh, yêu cầu quá cao, gia đình tôi đã cho con học trước nên đã biết viết các chữ cái rồi, nhưng cháu vẫn rất vất vả khi học trên lớp, không như cháu đầu học chương trình cũ. Tôi thấy rằng những người viết sách này chỉ dành cho một bộ phận nhỏ các cháu có tố chất chứ không phải viết sách cho các cháu học sinh đại trà. người viết sách không nắm được tâm sinh lý lứa tuổi để viết sách cho phù hợp.

hình ảnh

Thực sự phải là giáo viên mới hiểu hết những khó khăn mà các cô đang phải trải qua; phải là phụ huynh mới hiểu được nỗi lo lắng thường trực vì thấy con học quá vất vả, không còn thời gian cho các thú vui trẻ nhỏ. 

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: confucious

Bà Hạnh cho rằng: “Trong khi khoa học kỹ thuật phát triển, yêu cầu trình độ đội ngũ lao động ngày càng phải tăng lên, cập nhật mà giáo dục lại yêu cầu học ít thôi, giảm tải… thì đó là câu chuyện rất ngớ ngẩn. Muốn đổi mới mà không muốn trả giá là việc không tưởng”. 

Tôi thật sự không hiểu 2 từ “trả giá” bà muốn nói đến ở đây là gì??? Nhưng với những đứa trẻ chỉ 6, 7 tuổi, xin đừng bắt chúng ‘trả giá” cho những kỳ vọng ở người lớn. hãy cho chúng học vừa sức, chơi đúng nghĩa. Bên cạnh việc tiếp cận tri thức, hãy cho chúng có thời gian rèn luyện kỹ năng, phát huy khả năng sáng tạo thông qua các hoạt động ngoài trời. Trẻ không thể phát triển toàn diện nếu chỉ gò mình nhiều giờ liền mỗi ngày bên trang vở.

Rất mừng là “tiếng lòng” của giáo viên, phụ huynh đã “chạm ngõ” Bộ GD-ĐT nên văn bản yêu cầu nhà trường không giao bài tập về nhà đã ra đời kịp lúc. Phụ huynh chúng tôi hy vọng các nhà biên soạn sách sẽ kết hợp với nhà trường đưa ra phương pháp dạy tối ưu nhất nhằm giúp con cái chúng tôi không phải “cõng chữ” về nhà mỗi ngày.