Bài văn tả chó của một em học sinh lớp 3 bị cô giáo cho 1 điểm và mời cha mẹ lên gặp mặt. Chúng ta chợt hỏi điều này có “quá đáng” không nếu những gì em viết ra xuất phát từ nhận thức hồn nhiên của một đứa trẻ.

Trên mạng lan truyền một bài văn tả chó của học sinh lớp 3 bị cô giáo cho 1 điểm. Đáng nói là cô còn phê mời phụ huynh lên gặp cô. 

Bài văn tả chó của em học sinh lớp 3 như sau: “Có rất nhiều con vật mà em thích. Nhưng em thích nhất là con chó. Không những em thích mà bố em cũng rất thích. Cứ dịp cuối tuần hoặc cuối tháng, bố em bảo mẹ em chiều nay làm tí chó đi, vì mẹ em không có tiền nên mẹ em chỉ mua 1 cân một, thế là mẹ em cho vào luộc hoặc nấu rượu mận. Vậy là tối hôm đó, em và bố em rất thích”.

hình ảnh

Bài văn thể hiện chân thật nhất suy nghĩ của đứa trẻ. Mặc dù không cổ xúy cho việc ăn thịt vật nuôi nhưng những gì em viết trong bài có thể là tình huống đã từng xảy ra trong gia đình em. Vậy nên, cô giáo có thể nhìn sự việc dưới góc nhìn bao dung hơn thay vì nghiêm trọng hóa vấn đề, cho em con điểm 1 lạnh lùng và còn đề nghị em mời cha mẹ gặp cô.

Chợt nghĩ người làm giáo dục nếu tư duy cứng nhắc thì rất dễ làm tổn thương học sinh, những tâm hồn non nớt đầy nhạy cảm. Hẳn nhiên em bé kia sẽ không hiểu mình phạm lỗi lầm gì nghiêm trọng mà cô lại đòi gặp cả phụ huynh trong khi con điểm 1 đã đủ làm em xấu hổ với bạn bè. 

Thật tiếc nếu giáo viên, những người gánh lấy trách nhiệm cao cả của thời đại nhưng thiếu cái nhìn đa chiều, lòng bao dung và sự mẫn cảm cần có của một người thầy. Đặc biệt với môn văn, môn học đề cao sự sáng tạo và ý kiến cá nhân, người thầy càng phải cúi xuống ngang bằng với học trò để có sự thấu cảm. Không hẳn cứ phải có đủ mở bài, thân và kết luận, một bài văn đôi khi không theo trật tự nào nhưng cần được ghi nhận vì góc nhìn chân thật.

hình ảnh

Ngưới ta thường bảo trong đời trẻ có 3 người quan trọng nhất. Bên cạnh cha mẹ, thầy cô là người có những ảnh hưởng nhất định đến tương lai của các em. Thật buồn cho trẻ nếu giáo viên chỉ đến lớp để truyền đạt kiến thức trong chương trình học và đánh giá học sinh bằng những con số khô khan. Các em cần tình thương, cần sự quan tâm và sự thấu hiểu. Chỉ khi giáo viên mang đến cho các em những điều đó, trẻ mới thích đến trường và tự tin thể hiện năng lực bản thân. 

Mong rằng khi chọn nghề nâng bước những mầm non, người gánh chữ “thầy” trên vai hãy lồng tình yêu vào bài giảng. Đặc biệt đừng làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ bằng con điểm 1, 2. Đừng để điểm số thấp kém ảnh hưởng đến cách trẻ nhìn nhận bản thân, khiến chúng tự đánh giá thấp năng lực của mình. Trong khi mỗi đứa trẻ sinh ra đều sở hữu các tố chất đặc biệt cần được khai phá.