Nhiều phụ huynh thường than phiền khi con càng lớn thì càng vô tâm, xa cách với mình. Thế nhưng để nuôi dạy một đứa trẻ biết quan tâm đến mọi người, đó phải là kết quả giáo dục con ngay từ nhỏ.

Thấu cảm là khả năng mà cha mẹ hoàn toàn có thể chủ động rèn luyện cho con từ sớm. Dưới đây là các phương pháp mà ba mẹ có thể áp dụng để nuôi dạy con sống tốt và biết yêu thương mọi người.

⭐️Chia sẻ về cảm xúc

Michele Borba, nhà tâm lý học giáo dục, tác giả của nhiều cuốn sách nuôi dạy con cái đã khẳng định: “Khả năng đọc cảm xúc là cánh cửa đầu tiên dẫn đến sự đồng cảm”.

Trong thời đại mà con người đối diện với màn hình điện tử nhiều hơn với người thật, việc thiếu vắng cảm xúc là lẽ thường tình. Hạn chế cho trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ để giao tiếp, tăng số lượng những cuộc nói chuyện trực tiếp đối diện, cha mẹ cần dạy trẻ nhìn thẳng vào mắt người khác để tương tác. Ánh mắt là cửa sổ tâm hồn, thông qua ánh mắt chúng ta có thể nhận biết được thái độ, cảm xúc của người khác để điều chỉnh thái độ phù hợp.

⭐️Công nhận hành động tốt của trẻ

Đừng chỉ khen trẻ khi đạt điểm tốt, đạt thành tích cao trong học tập, hãy công nhận trẻ từ những việc tốt nho nhỏ mỗi ngày. Đó có thể chỉ là cốc nước rót cho mẹ khi đi làm về, tự giác bỏ rác vào thùng, đỡ em bé bị ngã…

Không chỉ khen tặng, cha mẹ cần giải thích cho trẻ biết mọi người xung quanh hạnh phúc, vui vẻ thế nào nhờ hành động của trẻ. Khi hiểu được giá trị, lợi ích của sự quan tâm, giúp đỡ, trẻ sẽ hình thành thói quen tự làm việc tử tế để được công nhận.

⭐️Làm chủ những sai lầm

Nếu cha mẹ làm sai, trót cư xử thô lỗ và để con nhìn thấy, hãy cho trẻ nhìn thấy những tấm gương biết xin lỗi và sửa sai. Trước khi muốn con cái biết yêu thương và sống tử tế, chính cha mẹ phải làm mẫu hình để con học tập.

⭐️Cả gia đình cùng làm việc tốt

Cùng nhau tham gia các hoạt động có ích sẽ biến sự tử tế, sống có đạo đức trở thành “thói quen” của gia đình.

Ví dụ cha mẹ cùng trẻ làm thiện nguyện, ủng hộ đồng bào miền Trung đang oằn mình với những cơn bão lũ triền miên… trẻ sẽ nhận được bài học về sự sẻ chia trong cuộc sống, và niềm vui của việc cho đi thay vì chỉ biết nhận lại.