Lịch sử đã khép lại, người con gái anh hùng miền Đất Đỏ - Võ Thị Sáu mãi ngủ yên ở Nghĩa trang Hàng Dương, chị nằm nghe biển hát. Khúc hát yên vui của đất nước.

Chúng ta, thế hệ những người tiếp bước phải đời đời ghi sâu trong lòng sự biết ơn về những hy sinh lớn lao của chị, và tiếp tục thực đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, chúng tôi về thăm mộ chị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương – Côn Đảo để được nghe nhiều hơn những câu chuyện về chị - Võ Thị Sáu anh hùng!


hình ảnh

Tượng đài chị Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương

“Mùa hoa lê-ki-ma nở

Ở quê ta miền Đất Đỏ

Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng

Đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở....

.....

Sông núi đất nước ơn người anh hùng

Đã chết cho đời sau”

Khi nhắc đến hoa lê-ki-ma, có lẽ nhiều người Việt Nam sẽ liên tưởng ngay đến ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” được nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác 1958.

Một lần tình cờ đọc câu chuyện về chị Võ Thị Sáu của nhà văn Phùng Quán, trong đó có chi tiết: Thời thơ bé, chị Sáu rất thích chơi hoa lê-ki-ma. Chính vì vậy, nhạc sĩ Đức Toàn đã lấy loài hoa này làm biểu cho vẻ đẹp thanh xuân rạng ngời, ý chí kiên cường bất khuất của người nữ anh hùng - Võ Thị Sáu.

 Để tỏa lòng biết ơn về sự hy sinh vì độc lập dân tộc của bao thế hệ người đi trước, Trường Chính tỉnh Cà Mau đã có chuyến đi thực tế về huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vào những ngày cuối tháng năm. Đoàn chúng tôi gồm có thầy Nguyễn Hồng Vệ - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Cà Mau, cùng thầy cô các khoa, phòng của trường và học viên lớp Trung cấp lý luận chính trị-hành chính khóa 125 (H125).

Viếng nghĩa trang Hàng Dương – Nơi an nghỉ của hàng vạn liệt sĩ

Đoàn chúng tôi đến viếng nghĩa trang Hàng Dương vào buổi sáng, theo lời kể của chị Bích Thảo - hướng dẫn viên giới thiệu, đây là nơi an nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng cùng những người yêu nước đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và đấu tranh chống Mỹ - Ngụy, bị lưu đày tại Nhà tù Côn Đảo từ năm 1862 đến 30/4/1975.                                                                                             

                

hình ảnh
Đoàn tham quan lớp H125 của Trường Chính trị tỉnh Cà Mau tại nghĩa trang Hàng Dương – Côn Đảo

Năm 1992, nghĩa trang Hàng Dương được tôn tạo và xây dựng lại trên diện tích 20ha, gồm 4 khu A, B, C, D. Nơi đây có rất nhiều mộ của những con người kiên cường, quả cảm đã hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc như: Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Lương Thế Trân, Trần Văn Thời, anh hùng liệt sĩ Cao Văn Ngọc, nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Hơn một trăm năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Có thể nói, lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử được viết bằng máu và nước mắt của những người yêu nước, quyết không cam chịu thân phân thận làm nô lệ. Mỗi phần mộ không chỉ là một chứng tích về tội ác của kẻ thù xâm lược, mà còn là trang sử bất tử ghi lại những tấm gương trung kiên bất khuất của các chiến sĩ cách mạng ở nhà tù Côn Đảo.

Dòng người đổ về nghĩa trang ngày càng đông, phần lớn họ là khách du lịch. Điểm đặc biệt của Nghĩa trang Hàng Dương là dù bất kể ngày hay đêm, lúc nào cũng có người viếng thăm, thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Trong đó, phần mộ được nhiều người đến dâng hương nhất là mộ chị Sáu Đất Đỏ - Võ Thị Sáu. Có lẽ huyền thoại lịch sử về người con gái anh hùng miền Đất Đỏ đã in sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, vì vậy khi đến Côn Đảo ai cũng phải đến thăm mộ chị Sáu.

hình ảnh
Mộ chị Võ Thị Sáu tại khu B2 nghĩa trang Hàng Dương

Võ Thị Sáu - Một huyền thoại lịch sử

Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tên thật Nguyễn Thị Sáu có cha tên Võ Văn Hợi và mẹ tên tên Nguyễn Thị Đậu, người ở xã Long Mỹ (thuộc tổng Phước Hưng Thượng), tỉnh Bà Rịa, nay thuộc xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Sau khi quân Pháp tái chiếm vùng Đất Đỏ vào cuối năm 1945, các anh trai của chị đã thoát ly gia đình, hoạt động kháng chiến cho phong trào Việt Minh. Chị bỏ dở việc học, ở nhà giúp cha mẹ kiếm sống và bí mật tiếp tế cho các anh đang công tác trong Chi đội Giải phóng quân của tỉnh Bà Rịa.

Năm 1946, chị theo anh trai vào khu kháng chiến, và trở thành liên lạc viên của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Năm 1947, chị Sáu chính thức trở thành đội viên Công an xung phong Đất Đỏ khi mới 14 tuổi. Từ đó, chị tham gia nhiều trận tập kích bằng lựu đạn, ám sát sỉ quan Pháp và Việt gian cộng tác với Pháp; đặc biệt là trận tập kích bằng lựu đạn tại lễ kỷ niệm Quốc khánh Pháp ngày 14 tháng 7 năm 1948 tại Đất Đỏ.

Sau chiến công này, chị Sáu được tổ chức tuyên dương khen ngợi và được giao nhiệm vụ diệt trừ gian, bao gồm việc tiêu diệt tên cái tổng Tòng.

Tháng 11/1948, chị Sáu mang theo lựu đạn, trà trộn vào đám người đi làm căn cước. Giữa buổi, chị ném lựu đạn vào nơi làm việc của Tòng, hô to “Việt Minh tấn công” rồi kéo mấy chị em cùng chạy. Dù tên Tòng bị thương nặng nhưng không chết. Tuy nhiên, vụ tấn công khiến bọn lính đồn khiếp vía, không dám truy lùng Việt Minh ráo riết như trước.

Tháng 2/1950, chị Sáu tiếp tục nhận nhiệm vụ ném lựu đạn, tiêu diệt hai chỉ điểm viên của thực dân Pháp là Cả Suốt và Cả Đay nhưng không may bị bắt.

Dù bị địch bắt và tra tấn dã man, chị không khai báo. Địch phải chuyển chị về khám Chí Hòa. Chị Sáu tiếp tục làm liên lạc cho các đồng chí trong khám, cùng chị em tại tù đấu tranh đòi cải thiện đời sống nhà tù.

Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của chị, bọn thực dân Pháp và tay sai đã mở phiên tòa xét xử, kết chị án tử hình và chuyển chị cùng với một số người tù cách mạng ra nhà tù Côn Đảo.

Khi nhận án tử hình, chị Sáu không hề run sợ. Năm 1952, trước khi hành hình, viên cha đạo đề nghị làm lễ rửa tội cho chị, hắn nói: “Hãy để cha rửa tội cho con”. Chị gạt phắt lời viên cha cố: “Tôi không có tội. Nếu cha muốn rửa tội, xin hãy rửa tội cho những kẻ sắp giết tôi đây”. “Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước”. Ra đến pháp trường, chị nói: “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn thấy đất nước thân yêu đến giấy phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người”. Phút cuối cùng chị hô vang: “Đả đảo bè lũ thực dân Pháp. Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ Chí Minh muôn năm!"

Mộ chị Võ Thị Sáu hiện vẫn còn ở nghĩa trang Hàng Dương huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngày 02 tháng 3 năm 1993, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký Quyết định số 149 truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, và nơi chị yên nghỉ đã trở thành một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng mà ai đến Côn Đảo cũng phải ghé thăm.

Phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch

Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá Đảng, Nhà nước ta với nhiều chiêu bài, luận điệu xuyên tạc, chúng khai thác tối đa mạng xã hội để lan truyền thông tin xấu, độc nhằm công kích, bôi nhọ, bóp méo sự thật lịch sử.

Các thế lực thù địch cố tình dẫn dắt câu chuyện về người Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu theo hướng tiêu cực, sai sự thật. Bọn chúng cho rằng, “Võ Thị Sáu chẳng qua là một người con gái bị tâm thần, ngớ ngẩn. Lợi dụng sự ngớ ngẩn của Sáu, nhóm người hoạt động cách mạng mới đưa cho bà lựu đạn rồi xúi ném vào một toán quân địch đang ngồi họp. Bà ném rồi bị bắt đi tù, đem đi xử bắn. Bà chẳng biết gì về tính mạng của mình, cứ cười tươi và hái hoa dại mọc dọc đường ra pháp trường cài lên tóc”. Chúng mỉa mai, cho rằng, chỉ có kẻ tâm thần mới như vậy, vì “tâm lý người tử tù trước khi bị bắn đều hoảng loạn sợ hãi cho dù đó là một tội phạm sừng sỏ”. Vì vậy, hành động cài hoa lên tóc của chị Sáu chỉ có ở những người điên.

Thế nhưng, “Việt Nam văn minh nhưng lại thờ cúng kẻ tâm thần”, “Võ Thị Sáu từ kẻ tâm thần biến thành thần tượng do Đảng Cộng sản dựng lên để lừa dân”, thế lực thù địch còn vênh váo cho rằng hành động ném lựu đạn của Võ Thị Sáu là “khủng bố”.

Xuyên tạc lịch sử, xúc phạm anh hùng Võ Thị Sáu là một tội ác.

Nếu như chị Sáu bị điên thì tại sao chị trăn trở, lo lắng khi thấy tụi Pháp đóng thêm đồn, chặn hết các ngả lên căn cứ để ngăn không cho bà con tiếp tế lương thực cho tổ chức cách mạng. Nếu chị Sáu bị điên, thì tại sao được tổ chức cách mạng chọn. Bởi vì, những ai hoạt động cách mạng đều phải tuân thủ nguyên tắc với 5 bước công tác tuần tự như: Điều tra, tìm hiểu đối tượng; Tuyên truyền, giáo dục lý tưởng; Vận động, kết nạp vào tổ chức; Huấn luyện kỹ năng; Giao công tác cụ thể. Đặc biệt, chị Sáu được các anh ruột đã thoát ly, cho chị tham gia cách mạng. Chính họ đã giới thiệu và kết nạp chị vào tổ chức vũ trang. Vì vậy, chúng ta có quyền khẳng định, chị Sáu không bị tâm thân, nếu chị bị điên, tổ chức cách mạng đã loại cô ngay từ khâu điều tra, tìm hiểu đối tượng tham gia cách mạng.

Mặt khác, nếu chị Võ Thị Sáu bị tâm thần, thì tại sao chị biết chọn mục tiêu ném lựu đạn, đó là những kẻ cướp nước và bán nước với phương châm: “Đánh địch ngay tại hang ổ của chúng, đánh ngay tại nơi chúng gây tội ác”. Để diệt tên cai tổng Tòng, chị Sáu đề nghị với cấp trên phương án diệt tên gian ác Tòng ngay tại phòng làm việc của hắn. “Một buổi sáng, chị Sáu cùng tốp người vào làm căn cước và đợi đến trưa khi thưa người chị mới rút chốt lựu đạn, liệng thẳng vào mặt tên Tổng Tòng, rồi chị kéo mấy chị em cùng chạy”.

Nếu chị Sáu là một người tâm thần thì không nhận thức và làm chủ hành vi của mình như vậy. Và nước Pháp văn minh, khai hóa và luôn nhân danh: “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” nhưng không nhận thức được tình tiết của một người đã mất khả năng hành vi dân sự để rồi kết án tử hình một người bị điên.

Tại sao bọn chúng lại run sợ và mở phiên tòa xét xử, tuyên án tử cho kẻ bị điên chưa đủ 18 tuổi và bí mật đưa chị ra nhà tù Côn Đảo? Nếu chị Sáu bị điên thì tại thủ tướng nước Pháp đã đưa ra bản án tử hình của chị ra Quốc hội Pháp bàn suốt một ngày, tranh luận nảy lửa. Để rồi sau đó, thủ tướng Pháp bảo: “Chiến tranh là chiến tranh. Để thắng trong cuộc chiến tranh này, nước Pháp không từ một thủ đoạn nào”.

Có lẽ để che đi nỗi khiếp sợ về sự can đảm, kiên trung của một người con gái anh hùng nên chúng xuyên tạc vô căn cứ về một huyền thoại lịch sử bất tử.

Nhìn ở góc độ khác, bọn chúng lại cho rằng, hành động ném bom của chị Sáu là khủng bố, xem nhẹ sinh mạng con người. Sinh mạng người là đáng quý và phải trân trọng. Tuy nhiên, nếu chị là kẻ khủng bố thì trong trận ném bom để tiêu diệt hai tên ác ôn là cả Đay và cả Suốt thì tại sao chị Sáu phải bám sát theo bọn lính, giữ cự ly 15m và chị cho rằng, chợ đông không thể ném lựu đạn trong chợ được để rồi lão Kề - tên tay sai của Pháp có cơ hội theo dõi và bắt chị Sáu.

Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam mới là hành động khủng bố đầy man rợ, họ đã đem đau thương, mất mát đến cho hàng vạn người dân vô tội, tước đi mạng sống của biết bao nhiêu chiến sĩ cách mạng. Hãy nhìn lại tội ác của thực dân Pháp từ nhà tù Côn Đảo. Bọn chúng dùng những hình phạt man rợ để tra tấn tù nhân như: bỏ đói, đóng đinh vào tay chân, đục răng, chôn sống, lột sạch đồ tù nhân rồi bắt phơi nắng, phơi sương cho đến chết, thậm chí còn ngâm người tù vào hầm phân bò cao 3m.

hình ảnh
Cảnh tra tấn tù nhân nhà tù Côn Đảo

Qua hành động tra tấn dã man đó, thì quyền con người có được bọn chúng thực hiện không? Những kẻ xâm lược thường đem triết lý “văn minh khai hóa” nhưng thực chất chỉ là dối trá, che mắt cả thế giới cho hành động cướp nước.

Chúng ta có quyền cho rằng, hành động ném bom tiêu diệt kẻ thù của chị Sáu hoàn toàn là đúng, vì đó là hành động của một người yêu nước muốn giải phóng đồng bào của mình thoát khỏi cảnh nô lệ và tù tội.

Ngoài ra, thế lực thù địch còn xuyên tạc cho rằng, chị Sáu điên mới cài hoa và hát khi ra pháp trường. Hình ảnh trên, đó là một hình tượng văn học được nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sáng tác sau khi tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của cô Võ Thị Sáu. Và vì kính phục, trân quý một nữ anh hùng đã hy sinh vì độc lập dân tộc khi tuổi chưa tròn đôi mươi nên nhà thơ đã sáng tác bài thơ “Chị Võ Thị Sáu” với những câu thơ như sau:

“Người con gái trẻ măng

Giặc đem ta bãi bắn

Đi giữa hai hàng lính

Vẫn ung dung mỉm cười

Ngắt một đóa hoa tươi

Chị cài hoa lên tóc”

Không có gì quá đáng khi nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã đưa hình ảnh chị Sáu vào văn học để thế hệ mai sau ghi nhớ sự hy sinh của chị. Nếu thế lực thù địch công bằng nhìn lại, thì có thể thấy được ý chí kiên trung, anh hùng của chị Sáu còn hơn thế. Vì trước khi xử bắn, chị không cho kẻ thù làm lễ rửa tội, không cần bịt mắt mà để họng súng của chúng cứ chỉa thẳng vào mình.

Tuy nhiên, để đạt mục đích chống phá Đảng, Nhà nước ta, chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta nên thế lực thù địch đã lợi dụng hình tượng văn học để xuyên tạc lịch sử.

          Có thể nói, Võ Thị Sáu - người thiếu nữ anh hùng của quê hương Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã đi vào huyền thoại lịch sử bất tử, trở thành dấu son truyền thống trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta. Hơn nửa thế kỷ qua kể từ ngày chị mất, tên chị được những người đồng đội, người anh, người chị cũng như các thế hệ Việt Nam nhắc với tình cảm yêu thương, trân trọng và trở thành tên đường, tên trường, tên đoàn, tên đội, tên quỹ học bổng ở khắp mọi miền đất nước. Tình yêu Tổ quốc, sự hy sinh anh dũng và lý tưởng sống cao đẹp của cô đã trở thành gương sáng cho các thế hệ Việt Nam phấn đấu, học tập và đấu tranh cũng như trong xây dựng đất nước.

  Bé Ba                                          

 

Nguyễn Đình Thống (2020), “Võ Thị Sáu – con người và huyền thoại”, Nxb Tổng hợp TP. HCM, tr.67

Nguyễn Đình Thống (2020), “Võ Thị Sáu – con người và huyền thoại”, Nxb Tổng hợp TP. HCM, tr.67

Nguyễn Đình Thống (2020), “Võ Thị Sáu – con người và huyền thoại”, Nxb Tổng hợp TP. HCM, tr.69

Nguyễn Đình Thống (2020), “Võ Thị Sáu – con người và huyền thoại”, Nxb Tổng hợp TP. HCM, tr.70

Nguyễn Đình Thống (2020), “Võ Thị Sáu – con người và huyền thoại”, Nxb Tổng hợp TP. HCM, tr.40

Nguyễn Đình Thống (2020), “Võ Thị Sáu – con người và huyền thoại”, Nxb Tổng hợp TP. HCM, tr.66.