hình ảnh
Đoàn Trường Chính trị tỉnh Cà Mau viếng Nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vào những ngày cuối tháng 5 năm 2022

        Lịch sử là gì? Đó là, “việc diễn ra trong quá khứ: Những sự kiện diễn ra trong quá khứ cho đến thời điểm hiện tại, không thể thay thế được, cố định trong không gian và thời gian, mang tính chất tuyệt đối và khách quan”.

hình ảnh
Đoàn Trường Chính trị tỉnh Cà Mau chuẩn bị thắp hương tri ân liệt sĩ tại tượng đài Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo
          Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ IV, đại hội đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất đã ghi rõ: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Chúng ta không thể phủ nhận lịch sử, vì đó là sự thật khách quan. Do đó, để xem xét lại lịch sử thì cần phải có cái nhìn toàn diện, khách quan, tôn trọng sự thật.

          Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc lịch sử nhưng có lẽ chúng không nhìn thấy sự mất mát của dân tộc Việt Nam phải gánh chịu từ cuộc chiến tranh phi nghĩa mà những kẻ xâm lược gây ra. Đó là hình ảnh những người lính tuổi còn rất trẻ nhưng phải hy sinh cả xương máu của mình để bảo vệ độc lập dân tộc. Sự mất mát ấy không thể tính bằng số lượng người hy sinh nên người lính năm xưa phải ngậm ngùi thốt lên “biết làm sao” khi về thăm mộ của đồng đội cũ:

          “Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội

          Nhang trầm một thẻ - biết làm sao...

          Thắp lên, đành cắm nơi đầu gió

          Hương khói

                           đừng quên nấm mộ nào!”

(Thăm mộ chiều cuối năm - Nguyễn Thế Sơn)

hình ảnh
Lớp H125 thắp hương tri ân liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo

          Vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân mà hàng triệu người con yêu nước phải hy sinh, họ trở thành những người anh hùng có danh và cả vô danh.

hình ảnh
Mộ chị Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo

          Đặc biệt, một bằng chứng đanh thép có giá trị tố cáo tội ác của kẻ xâm lược là nhà tù Côn Đảo (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Côn Đảo, với diện tích chỉ vẻn vẹn có 52km2 nhưng có một hệ thống gồm 8 nhà tù với 127 phòng giam, 44 xà lim và 504 phòng giam khu biệt lập.

hình ảnh
Nhà tù Côn Đảo 

            Hệ thống nhà tù này từng được xem là “Địa ngục trần gian” vì bọn thực dân, đế quốc dùng nhiều hình thức tra tấn dãn man dành cho những người tù cách mạng như: cùm chân, bỏ đói, dùng bột vôi, nước bẩn đổ lên đầu, đóng đinh vào tay chân, đục răng, lột trần quần áo bắt phơi nắng, phơi sương cho đến chết, chôn sống. Man rợ hơn, bọn chúng còn xây hầm phân bò với chiều cao 3m, có đường ống dẫn phân bò thông đến hầm, sau đó chúng đem những người tù cách mạng biệt giam trong đó.

hình ảnh
Cảnh tra tấn tù nhân tại Nhà tù Côn Đảo

Ngoài hệ thống nhà tù, còn phải kể đến Cầu Tàu 914, con số 914 không phải là dấu mốc của cây số, không phải số thứ tự của bến tàu mà đó là con số đại diện cho 914 sinh người đã chết trong quá trình xây dựng cầu tàu, xót xa mỗi khi nghe câu: “Côn Lôn ơi! Phiến đá mạng người” (Côn Lôn – Côn Đảo ngày nay).

hình ảnh
Hình ảnh người tù bị tra tấn trong quá trình xây dựng Cầu tàu 914 tại Côn Đảo

          Tuy nhiên, để che mắt những đoàn giám sát nhân quyền quốc tế và dư luận trong nước nên bọn thực dân, đế quốc đã xây dựng hệ thống “nhà tù trong nhà tù” với tên gọi đầy nhân văn: nhà thờ, bệnh xá...  Nhà tù Côn Đảo đã cướp đi hơn 20.000 mạng người.

          Thực tế lịch sử đã cho thấy sự tàn ác, man rợ của kẻ xâm lược và đó cũng chỉ là một phần của lịch sử đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của Việt Nam.

          Đặc biệt, thông qua bộ phim tài liệu 10 tập The VietNam War (Chiến tranh Việt Nam), một số người trong nhóm “Văn đoàn độc lập” đã xem xét lại lịch với luận điệu: “Có nhất thiết phải qua chiến tranh mới giành được độc lập không? Giá chúng ta tìm một con đường khác ít xương máu hơn cho nền độc lập của đất nước thì quý biết dường nào?”.

          Những người lính Việt Nam sinh ra không hận thù, không muốn giết chóc, họ chỉ muốn sống cuộc sống bình yên, muốn ươm mầm xanh hạnh phúc trên đồng ruộng quê nhà, nhưng trước sự tàn ác của quân xâm lược buộc họ phải cầm súng chiến đấu.  

                     “Dù rằng đời ta thích hoa hồng,

            Kẻ thù buộc ta ôm cây súng” (Hát mãi khúc quân hành – Diệp Minh Tuyền)

          Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Hoa kỳ viết: “Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của người cộng sản Việt Nam, chiến thắng vào 1975...”

          Có thể nói, lịch sử là sự thật khách quan, không ai có thể phủ nhận sự thật và đảo ngược chân lý.      

hình ảnh
Tự hào Côn Đảo hôm nay
 Bé Ba