1. Tăng động giảm chú ý ở trẻ là gì?

Tăng động giảm chú ý là một rối loạn sinh học thần kinh, đặc trưng bởi giảm tập trung chú ý rõ rệt kết hợp với tăng hoạt động quá mức, thiếu kiềm chế.

Trẻ con luôn luôn hiếu động, nhưng ở mức nào được coi là bình thường, còn mức nào bị coi là tăng động giảm chú ý, theo các chuyên gia tâm lý, có rất nhiều cha mẹ vẫn còn mơ hồ về chứng bệnh này, có những đứa trẻ quá hiếu động, không bao giờ ngồi yên hay tập trung làm gì, nhưng bố mẹ chúng lại nghĩ đó là điều rất bình thường mà không đưa con đi kiểm tra. Về lâu dài, nếu trẻ không được điều trị bởi các chuyên gia tâm lý thì việc hình thành tính cách, hành vi, tâm lý trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng.

2. Dấu hiệu tăng động giảm chú ý ở trẻ

2.1. Các biểu hiện giảm chú ý

  • Khó duy trì chú ý được lâu so với trẻ cùng tuổi.
  • Dễ mất tập trung do tác động bên ngoài.
  • Không cẩn thận, không tập trung tỉ mỉ, hay gây sai sót.
  • Ít tuân theo hướng dẫn, ít hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ, bài vở
  • Hay làm mất, bỏ quên đồ dùng, đồ chơi.
  • Hay bỏ dở việc này để sang làm việc khác.
  • Né tránh, không thích các hoạt động đòi hỏi nỗ lực tư duy.
  • Khó khăn tổ chức hoạt động.

2.2. Các biểu hiện tăng hoạt động

  • Hay bồn chồn, luôn cử động chân tay, ngồi không yên
  • Thường xuyên chạy nhảy, leo trèo, hoặc rời khỏi chỗ ở nơi cần phải ngồi yên.
  • Khó khăn khi chơi hoặc tham gia hoạt động tĩnh.
  • Nói quá nhiều.
  • Trả lời bột phát khi chưa nghe hết câu hỏi.
  • Khó khăn khi phải chờ đợi.
  • Ngắt quãng, chen ngang vào hội thoại hoặc công việc của người khác.

Theo các chuyên gia tâm lý, ở trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý: Các biểu hiện trên phải kéo dài trên 6 tháng, xuất hiện trước 12 tuổi, xảy ra cả ở nhà, trường học và nơi công cộng.

Đồng thời rối loạn này cản trở học tập, sinh hoạt, công việc và các mối quan hệ của trẻ.

Các thể bệnh:

  • Thể tăng động, xung động nổi trội
  • Thể giảm chú ý nổi trội
  • Thể kết hợp cả tăng động và giảm chú ý

Theo kết quả nghiên cứu của chuyên gia tâm lý, bác sĩ, tỷ lệ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý khoảng 4 - 6%, trẻ năm mắc cao hơn gấp 3 lần trẻ gái.

Các rối loạn đi kèm thường gặp: Rối loạn chống đối, rối loạn ứng xử, rối loạn lo âu, trầm cảm,... 

3. Phải làm gì khi có trẻ bị tăng động giảm chú ý?

Theo các chuyên gia tâm lý, điều trị cho trẻ bị tăng động giảm chú ý là sự kết hợp giữa thuốc và các liệu pháp tâm lý. Một số biện pháp tâm lý mà cha mẹ có thể áp dụng đối với trẻ như:

  • Giáo dục hành vi cho con: Đây là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với trẻ bị tăng động giảm chú ý. Bố mẹ có thể trao đổi với thầy cô giáo để cùng giúp đỡ trẻ cải thiện hành vi cả ở trường và ở nhà. Có thể cho trẻ ngồi bàn đầu tiên nhằm tránh sự phân tâm bởi hoạt động của các bạn phía trên.
  • Không bao giờ chê bai hay quát mắng nặng lời với trẻ, đặc biệt là khi có mặt người khác. Trẻ tăng động giảm chú ý thường có lòng tự trọng rất cao, nên phải luôn nhẹ nhàng với trẻ. Nếu trẻ có hành vi đúng đắn, thì lời khen hợp lý của bố mẹ có thể khiến trẻ tiến bộ rất nhiều.
  • Chỉ nên hứa hẹn khi chắc chắn có thể làm được: Trẻ tăng động giảm chú ý rất dễ thất vọng và chán nản, do đó, không nên hứa nếu bố mẹ không chắc chắn về điều đó.
  • Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể, chơi thể thao ngoài trời hoặc tập luyện các môn võ để rèn luyện tính kỷ luật và khả năng tập trung cho trẻ.
  • Dùng những lời lẽ đơn giản, cụ thể thay vì nói chung chung.
  • Cần tạo cho con các thói quen tốt bằng cách cho con ăn, nhắc con đi ngủ, thức dậy đúng giờ.

Rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến học tập, hành vi và tính cách trong tương lai của trẻ. Do đó, khi trẻ có những biểu hiện như trên thì cha mẹ nên đưa con tới các chuyên khoa tâm lý, chuyên khoa nhi để được thăm khám và kết luận chính xác.

Xem chi tiết bài viết tại đây nhé: https://roi-loan-tang-dong-giam-chu-y-o-tre-em