Gần 20 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày



Cập nhật 16:58 ngày 10-12-2008


http://www.nhandan.com.vn/tinbaidadang/noidung/?top=39⊂=62&article=136756


NDĐT- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Nguyễn Huy Nga cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 7.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, tương đương với gần 20 em qua đời mỗi ngày.


Trong đó, số trẻ chết do đuối nước chiếm hơn một nửa. Ngoài ra, hơn 200 em khác cũng phải nhập viện hay bị tàn tật vĩnh viễn.


Thông tin trên được ông Nga đưa ra trong lễ công bố chính thức Báo cáo toàn cầu về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Y tế tiến hành tại Hà Nội hôm nay.


Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã tới dự và phát biểu tại hội nghị.


Theo báo cáo này, mỗi ngày trên thế giới có hơn 2.000 trẻ em tử vong do thương tích. Hàng chục triệu em khác phải chịu đựng những thương tích và hậu quả lâu dài của tai nạn hằng năm.


Châu Phi có tỷ lệ cao nhất về tử vong do thương tích không chủ ý, cao gấp 10 lần so với các nước tại châu Âu và Tây Thái Bình Dương.


Năm nguyên nhân gây thương tích hàng đầu dẫn tới tử vong và số trẻ thiệt mạng hằng năm trên thế giới:


* Tai nạn giao thông đường bộ: 260 nghìn trẻ tử vong, 10 triệu em khác bị thương


* Đuối nước: 175 nghìn


* Bỏng: gần 96 nghìn


* Ngã: gần 47 nghìn


* Ngộ độc: hơn 45 nghìn


Nguồn: Báo cáo toàn cầu của WHO


Với sự tham gia của hơn 180 chuyên gia trên toàn thế giới, đây là một trong những đánh giá tổng thể đầu tiên ở cấp độ toàn cầu về thương tích không chủ ý; đồng thời đưa ra các biện pháp phòng, chống . Báo cáo nêu rõ, nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống được kiểm chứng ở mọi nơi sẽ giảm được ít nhất ½ số ca tử vọng trên mỗi ngày.


Thứ trưởng Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết, Chính phủ đã ban hành chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em từ năm 2001. Là một trong những cơ quan thực hiện, hoạt động của Bộ Y tế nhiều năm qua tập trung nhiều vào một số lĩnh vực. Đáng kể như công tác cứu chữa và chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng cho những người bị thương tích, kể cả trẻ em. Hiện nay, Bộ đã phối hợp với 63 tỉnh, thành trong cả nước triển khai hoạt động xây dựng cộng đồng an toàn. Ít nhất 18 xã an toàn cộng đồng cấp quốc gia và tám xã an toàn cộng đồng cấp quốc tế đã được công nhận.


Ông Huấn cũng nhấn mạnh đến các hoạt động hướng dẫn toàn dân sử dụng các loại thuốc an toàn, bảo vệ trẻ em sử dụng các thực phẩm không an toàn… Đồng thời, Bộ cũng tổng hợp thông tin liên quan đến những loại hình tai nạn thương tích xảy ra với trẻ em nhằm đưa ra khuyến cáo cho cộng đồng.


Một số tài liệu phòng, chống tai nạn thương tích.


Nghiên cứu của UNICEF và Liên minh vì sự an toàn của trẻ en tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á cho thấy với độ tuổi dưới 18, với mỗi trường hợp tử vọng lại có 12 trẻ khác phải nhập viện hoặc bị thương tật suốt đời, 34 trẻ cần được chăm sóc y tế.


Những lý do chủ yếu gây thương tích đối với trẻ em Việt Nam là do


* Tuổi và các yếu tố về phát triển khiến các em dễ bị tổn thương hơn người lớn


*Môi trường không an toàn, gồm cả thiếu sân chơi an toàn cho trẻ


* Thiếu các quy định, luật pháp và tiêu chuẩn về an toàn


* Thiếu hiểu biết về các nguy cơ gây thương tích và biện pháp phòng, tránh, hạn chế trong tiếp cận chăm sóc y tế phù hợp, đặc biệt là sơ cứu tại chỗ.


....


LÊ NGÂN


Yêu cầu cần có các biện pháp phòng tránh tai nạn thương vong cho trẻ em


Cập nhật 15:19 ngày 10-12-2008


http://www.nhandan.com.vn/tinbaidadang/noidung/?top=45⊂=82&article=136749


NDĐT- Liên hợp quốc (LHQ) hôm qua đã yêu cầu các chính phủ trên khắp thế giới cần bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, mặc áo phao khi xuống hồ bơi và các biện pháp phòng ngừa khác nhằm ngăn chặn nguy cơ các tai nạn có thể xảy ra, tránh cho hàng trăm nghìn trẻ em khỏi bị thiệt mạng mỗi năm.


Tiến sĩ Etienne Krug thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm trên thế giới có 830 nghìn trẻ em chết do tai nạn thương tích. Báo cáo của WHO về Ngăn chặn chấn thương cho trẻ em, cho biết, khoảng một nghìn trường hợp tử vong mỗi ngày có thể được ngăn chặn qua các biện pháp đơn giản như mặc áo phao bơi, sử dụng chuông báo cháy…


Báo cáo cho biết, các vụ tai nạn là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở trẻ em từ 9 tuổi. Các vụ tai nạn giao thông và chết đuối chiếm gần một nửa, tiếp đến là bỏng, ngã và bị nhiễm độc... và các tai nạn khác.


Hàng chục nghìn trẻ em sống sót sau các vụ tai nạn cần phải được chăm sóc y tế hàng năm và nhiều em bị thương dẫn đến bị tàn tật hoặc bị chấn thương ảnh hưởng đến hết cuộc đời.


Tiến sĩ Margie Peden, người chịu trách nhiệm chính về bản báo cáo, cho biết, Thụy Điển, Canada và Australia là những nước có tỷ lệ trẻ em tử vong do tai nạn giảm đến 50% do họ có các biện pháp kỹ thuật phòng ngừa tốt. Trong đó có một số ví dụ đơn giản như giảm nhiệt độ trong đường ống nước nóng xuống 50oC để đề phòng bị bỏng.


Theo báo cáo, phần lớn trẻ em tử vong do tai nạn là ở các nước đang phát triển, trong đó các nước ở châu Phi xảy ra nhiều nhất. Số trẻ em ở châu Phi tử vong do tai nạn cao gấp gần bốn lần so với ở châu Âu (theo thống kê năm 2004).


Đ.T


Theo AP