Chưa biết tính xác thực clip nam sinh tát giáo viên đang lan tràn, gây xôn xao trên mạng nhưng PGS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục) cho rằng, nếu đó là sự thật, ông đau lòng như chính mình nhận cái tát.

Bố mẹ học sinh ấy từng chửi bậy và tát người khác chưa?

Clip nam sinh xông lên bục giảng tát giáo viên đang lan tràn trên mạng, gây xôn xao dư luận.

Theo hình ảnh từ clip, nam sinh lớn tiếng đòi cô giáo trả điện thoại bị tịch thu trước đó.

Được các bạn cổ vũ, nam sinh ngày càng lớn tiếng hơn. Mặc dù nhiều bạn ngăn cản "thôi thôi" nhưng nam sinh này vẫn xông lên bục giảng, tát cô giáo và lấy lại điện thoại.

Nam sinh xông lên bục giảng tát giáo viên

Mặc dù chưa xác thực được tính chân thực của video này có xảy ra thật hay không, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) cho rằng, nếu là sự thật, ông đau lòng như chính mình nhận những lời nói xúc phạm và cái tát.

Theo TS Trần Thành Nam, "tiên trách kỉ, hậu trách nhân", trước hết hãy nhìn lại trách nhiệm của phụ huynh nếu có sự việc học sinh xông lên bục giảng tát giáo viên.

Ở đây có thể đặt câu hỏi, liệu bố mẹ học sinh đó, đã từng có hành vi chửi bậy và tát người khác trước sự chứng kiến của học sinh đó không?

Phải chăng những hành vi tiêu cực này đã từng xuất hiện khiến nam sinh thấy hành vi này không có gì phải cấm kỵ, kể cả chịu sự lên án của các thành viên khác trên lớp hoặc bị ghi hình, vẫn thực hiện nó.

Về phía giáo viên, liệu khi tịch thu điện thoại, cô giáo có kèm thái độ hoặc một câu nói nào xúc phạm học sinh không? Liệu rằng có lời nói hay ngôn ngữ cử chỉ nào khiến học sinh cảm thấy mình đang bị xúc phạm, mình không được tôn trọng hay không?

Xôn xao nam sinh xông lên bục giảng tát giáo viên:Tôi đau lòng như bị tát - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Nam sinh xông lên bục giảng tát giáo viên (Ảnh: Từ clip). 

"Điện thoại bây giờ đã trở thành một người đồng hành nguy hiểm, nó lưu trữ cả những kỹ ức đẹp và cũng cả những bí mật cấm kỵ của nhiều người.

Liệu có thể giáo viên thu điện thoại, làm khởi phát một mối đe dọa nào với học sinh về sự mất mặt, tiết lộ thông xin gây xấu hổ cho cá nhân học sinh hay không?

Liệu chúng ta đã dạy cho học sinh kỹ năng sống, giá trị sống như thế nào. Đã huấn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc cho học sinh ra sao. Chúng ta đã dạy cho có, cho qua hay dạy để thực sự hình thành kỹ năng, năng lực", PGS Trần Thành Nam phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, việc clip được chia sẻ trên mạng xã hội, có làm giảm hành vi ứng xử bạo lực của học sinh không, hay sẽ gây ra một chuỗi thù hận và trả đũa khác?

Giáo viên nên làm gì?

Mặc dù không muốn nhắc đến nhưng theo PGS.TS Trần Thành Nam, thật đau lòng bởi gần đây, các sự việc bạo lực giữa học sinh và giáo viên đang có hướng gia tăng.

Giáo viên nên có kế hoạch để bảo vệ mình và những học sinh khác, khi một tình huống có vẻ trở nên bạo lực.

"Trước mắt, hãy bình tĩnh để người có nguy cơ bạo lực có cơ hội rời đi. Nếu không, chính bạn sẽ rời đi khi đảm bảo rằng các học sinh khác an toàn hoặc gọi ngay người có thể đến ngay để giúp đỡ.

Thường thì với các lớp có nhiều học sinh có tiền sử bạo lực, giáo viên luôn sẵn trong tay những số gọi nhanh để chỉ cần nhấn 1 phím là có thể gọi đến những người sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp", PGS Trần Thành Nam chia sẻ kinh nghiệm.

Xôn xao nam sinh xông lên bục giảng tát giáo viên:Tôi đau lòng như bị tát - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Mặc dù nhiều bạn bè can ngăn nhưng nam sinh này vẫn xông lên bảng tát giáo viên (Ảnh: Từ clip). 

Đặc biệt, chuyên gia này khuyên rằng, giáo viên không nên dùng bạo lực để can ngăn ẩu đả của các học sinh với nhau.

Giáo viên không nên trực tiếp ngăn cản những vụ ẩu đả, trừ khi bạn đã được huấn luyện và có đủ khả năng áp chế.

Tốt nhất nên sử dụng ngôn ngữ và hành vi cử chỉ để giới hạn khoảng cách. Đưa ra các thông điệp điều hướng sự chú ý với kỳ vọng hợp lý. Tập phớt lờ những lời chửi bới và không sa vào tranh cãi lúc này.

"Ngay sau khi sự kiện kết thúc, hãy ghi lại càng sớm và càng chi tiết mọi thứ (bao gồm cả nội dung âm thanh và hình ảnh nếu có).

Nếu việc ghi chép không thuận tiện, có thể sử dụng chức năng ghi âm của điện thoại. Với những học sinh hay có biểu hiện bạo lực. Việc ghi lại như vậy không những cung cấp minh chứng để xem xét xử lý vụ việc mà còn cung cấp thông tin để chúng ta phân tích và hiểu thêm về những gì kích hoạt những hành vi bạo lực của học sinh.

Những thông tin này, sẽ rất hữu ích khi bạn gửi học sinh đến với nhà tâm lý học đường (nếu thực sự học sinh đang mắc các chứng như rối loạn hành vi chống đối)", chuyên gia Thành Nam nói.

Đặc biệt, chuyên gia tâm lý này khuyến cáo giáo viên, cần vượt qua những e ngại để nói chuyện ngay với cấp quản lý nếu cảm thấy các nguy cơ bị quấy rối hoặc đặt trong các tình huống nguy hiểm.

"Giáo viên chịu bạo lực từ học sinh cũng có thể có những tổn thương tâm lý hoặc ám ảnh với những niềm tin sai lầm.

Hãy tìm một nhà tâm lý học đường để nói chuyện về việc bạo lực từ học sinh đã ảnh hưởng đến bạn như thế nào.

Chia sẻ để hiểu xem chính bạn có đang ở trong giai đoạn stress và kiệt sức không mà nghỉ ngơi. Việc nói chuyên như vậy, khiến bạn cảm thấy không đơn độc khi phải đối diện với những học sinh có nguy cơ bạo lực", PGS Trần Thành Nam khẳng định.

M. Hà

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/xon-xao-nam-sinh-xong-len-buc-giang-tat-giao-vien-toi-dau-long-nhu-bi-tat-20210218134537478.htm